Sai phạm tại số 18 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền (Hà Nội):

'Phép' nước thua 'lệ' quận, phường!?

'Phép' nước thua 'lệ' quận, phường!?
TP - Một vụ vi phạm trật tự nhỏ, song quận Hoàn Kiếm và phường Tràng Tiền đã không xử lý kịp thời, khiến sự việc có nguy cơ trở nên phức tạp ngay cả khi UBND TP đã có ý kiến chỉ đạo xử lý!
'Phép' nước thua 'lệ' quận, phường!? ảnh 1
Công trình của bà Hồng đang được hoàn thiện

Gia đình ông Trịnh Tuấn Tòng và gia đình bà Vũ Thị Hồng là hai hộ cùng ở trên tầng 2 số nhà 18 Ngô Quyền. Đây là ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp cổ có hai mặt phố là Tràng Tiền và Ngô Quyền liền mái, liền tường, chung hành lang, chung lối đi, chung nhà vệ sinh.

Ngày 19/9/2007, quận Hoàn Kiếm cấp giấy phép xây dựng số 191 cho bà Hồng với nội dung: Sửa nội thất 2 phòng trên tầng 2 thuộc sở hữu của bà Hồng; lợp mái tôn chống nóng, chống dột hợp khối với mái tôn hiện có, chiều cao đỉnh mái và chân mái bằng đúng mái tôn hiện có.

Tuy nhiên, khi có giấy phép, bà Hồng đã “tiện thể” phá mái tôn chung, xây hai gian nhà ngay trên nóc nhà 33 Tràng Tiền và 18 Ngô Quyền. Bà Hồng còn phá bức tường giữa hai phòng sở hữu của bà để chiếm hành lang chung, làm nhà tắm quá cao và to trên sân phơi.

Đặc biệt, gia đình bà đã phá trần tooci, xây thêm trần bê tông khung thép ngay trên nền sàn gỗ không có trụ từ tầng một. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu công trình, công năng của ngôi nhà và đe dọa an toàn của các hộ liền kề.

“Phép” nước thua “lệ” quận, phường!?

'Phép' nước thua 'lệ' quận, phường!? ảnh 2
Bức tường gia đình ông Tòng bị nứt nghiêm trọng

Ngày 24/10/2007, UBND phường Tràng Tiền đã có văn bản yêu cầu đình chỉ xây dựng, ngừng thi công công trình của bà Hồng.

Tuy nhiên, việc đình chỉ này cũng chỉ có hiệu lực trên giấy, bà Hồng vẫn ung dung triển khai các phần việc mà không gặp phải sự ngăn cản quyết liệt nào từ phía chính quyền cho dù trụ sở phường Tràng Tiền chỉ cách công trình sai phạm 100 m.

Ngày 2/11/2007, Thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm “ ra tay” bằng việc ra văn bản tiếp tục yêu cầu phường Tràng Tiền tổ chức xử lý những nội dung sai phép của bà Hồng. Và lần này hiệu lực của văn bản cấp quận cũng chỉ nằm trên giấy. Những hạng mục sai phạm tại công trình của bà Hồng vẫn tiếp tục được hoàn thiện.

Cùng ngày 2/11/2007, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có văn bản gửi Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm và Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc tại 18 Ngô Quyền. Tiếp đó, ngày 12/11/2007, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm xử lý vụ việc này. Tuy nhiên, các văn bản của cấp thành phố dường như cũng bị “vô hiệu”!?

Ngày 6/12/2007, UBND TP Hà Nội tiếp tục có văn bản yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm xử lý dứt điểm vụ việc và báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 20/12/2007.

Một vụ việc không lớn, song lại không được xử lý kịp thời dẫn đến phức tạp, khiếu kiện. Người dân mất niềm tin và luật pháp bị coi nhẹ. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng phép nước đang thua lệ quận, phường?

“Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, nếu chủ đầu tư không chịu phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm hoặc vắng mặt thì Chủ tịch UBND cấp phường ra quyết định cưỡng chế phá dỡ bộ phận công trình vi phạm và tổ chức phá dỡ”.

(Trích mục 2, Điều 10, Quyết định 89 ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ)

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".