“Phố thang” giữa lòng Hà Nội

“Phố thang” giữa lòng Hà Nội
TP - Không phải là phố bán thang mà ở đó người dân buôn bán, kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ và sinh hoạt đều  phải đi lại bằng thang. “Con phố” này nằm gọn phía trong Bến xe Giáp Bát.

Đối xứng với chiếc biển “Khu đỗ chờ tuyến đường dài” của Bến xe Giáp Bát treo vắt vẻo trên cái cột điện là tấm biển “ Phô hói cơm bình dân”. Trên bức tường nham nhở gạch (chưa trát)- sát ngay bức tường bao của Bến xe Giáp Bát ở độ cao trên 3m là một ô cửa sổ với chiếc cánh cửa tạm và mảnh ni lông tơi tả.

Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như từ cái ô cửa tò vò đó không có chiếc thang tre buông xuống mặt bằng của bến xe. Chiếc thang được nối vào bên trong ô cửa bằng một cái xích ( đối phó với việc bị thu).

 “Mặt tiền” của hiệu cơm này chính là cái ô cửa sổ nhỏ. Một khách hàng loạng choạng bước xuống bến xe sau khi no say và thả mình xuống chiếc thang. “Anh chụp ảnh à, cứ chờ đấy, trên đó có mà khối khách sắp ăn xong”- Khách hàng này nói.

Giữa trưa nắng, không mấy khó khăn, chúng tôi đã bắt gặp nhiều thượng đế sau khi ăn no đã vắt mình qua khung cửa sổ rồi chới với thả mình xuống chiếc thang tre.

“Phố thang” giữa lòng Hà Nội ảnh 1
Khách lên, xuống quán cơm bình dân cũng bằng... thang

Theo quan sát của chúng tôi, ngay sát tường bao dài hàng trăm mét tại Bến xe Giáp Bát đã thực sự hình thành một dãy “phố thang”.  “Trên 100 hộ sống xung quanh bến xe và có đến 90% số hộ dùng thang”- Một cán bộ của Bến xe Giáp Bát cho biết.

Mật độ thang tre dày đặc nhất phải kể đến khu vực phía Bắc bến xe. Trên độ cao 3m, vượt độ cao của bức tường bao bến xe, những ngôi nhà tạm lồ lộ ra những tấm nhựa, tấm tôn, mành nhựa, bao tải.

Bù lại sự nhếch nhác đó là sự đồng bộ của hệ thống biển báo khá bắt mắt: Nhà nghỉ N, Càphê B, Cơm phở H... Và gần như mỗi hộ dân đều đầu tư một lối đi bằng thang tre dành chung cho cả chủ và khách. Chiếc thang thấp có độ cao 3m, chiếc dài có thể vươn  cao 5-7m.

Dẹp “phố thang”- Hãy đợi đấy!

“Mỗi lần chúng tôi đi kiểm tra, dân kéo thang lên, nhưng đoàn kiểm tra đi khỏi thì thang lại buông xuống như cũ”- Ông Nguyễn Tất Thành, GĐ Bến xe Giáp Bát cho hay.

Theo ông Thành, trước năm 2003 bến xe chưa có tường bao, khi đó có khoảng 60 hộ dân (nay khoảng trên 100 hộ) sống xung quanh bến xe mở cửa ra bến xe để kinh doanh, kiếm sống. Bến xe Giáp Bát có thêm chức năng của một cái chợ, sự lộn xộn, mất vệ sinh, mất an ninh trật tự xảy ra khá phức tạp.

Năm 2003,  Cty quản lý bến xe Hà Nội đầu tư xây dựng tường bao xung quanh bến. Bị chặn mất điểm kinh doanh, các hộ dân đồng loạt sắm thang nối xuống bến xe để tái kinh doanh, họp chợ lén lút. Tình hình có khá hơn, nhưng bến xe vẫn mất trật tự, nhếch nhác và bẩn thỉu.

Trong số gần một trăm hộ dân có lối đi bằng thang tre, có 8 hộ dùng thang tre làm con đường độc đạo, có nghĩa là chiếc thang tre là lối đi duy nhất ra vào nhà. Mọi sinh hoạt từ đi làm, đi học, đi chợ, đi viện...đều qua con đường thang tre.

Ông Thành cho biết, để giải quyết tình trạng “phố thang”, Cty quản lý bến xe đang kiến nghị được đầu tư xây dựng kiốt sát tường bao quanh bến. “ Làm như vậy, dân không thể bắc thang qua nóc kiốt để vào bến xe được”- Ông Thành khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Văn Mão, Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt ( quận Hoàng Mai) cho rằng, “phố thang” quanh bến xe Giáp Bát đang là điểm phức tạp. Phường, và cơ quan công an đã xử lý nhưng khó giải quyết dứt điểm.

Ông Mão cho biết, đất đai tại khu vực này  có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, giấy tờ đất của nhiều hộ dân chưa được hợp pháp cho lắm.

Cũng theo ông Mão, nhiều hộ dân đã nằm trong dự án cải tạo khu vực hồ Kim Đồng do Tổng Cty HUD làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án bị đình trệ từ nhiều năm nay. “Chúng tôi cùng với quận kiến nghị chủ đầu tư  thực hiện dự án này. Chỉ khi dự án thực hiện, các hộ dân mới có lối đi và tình trạng “phố thang” mới được giải quyết triệt để”- Ông Mão cho biết.

Tiếc rằng, đến thời điểm này, phường chưa nhận được khẳng định nào về việc tái triển khai dự án từ phía chủ đầu tư. Việc xử lý “phố thang” không biết còn phải đợi đến bao giờ. Liệu có phải các cơ quan chức năng đã bó tay trước “phố thang” tồn tại từ nhiều năm nay?

MỚI - NÓNG