Nhận bệnh nhân quá thẩm quyền rồi chuyển để lấy hoa hồng: Đúng hay sai?

Một phòng khám khác cũng có những bài tư vấn thông tin lập lờ để dẫn dụ khách đến phòng khám
Một phòng khám khác cũng có những bài tư vấn thông tin lập lờ để dẫn dụ khách đến phòng khám
TP - Phòng khám đa khoa Thiên Hòa (cơ sở y tế tư nhân có tên trong bài báo về tình trạng các phòng khám (PK) tiếp nhận bệnh nhân phá thai quá phép của Tiền Phong) cho rằng mình không có gì sai vì không thực hiện phá thai vượt quá phạm vi chuyên môn mà chuyển cho cơ sở khác để hưởng hoa hồng, và rằng các cơ sở y tế khác cũng thường làm việc này.

Trong khi đó, một thứ trưởng Bộ Y tế nói các phòng khám được phép liên thông về chuyên môn nhưng không được nhận hoa hồng.

Ngày 17/4, báo Tiền Phong đăng bài viết “Tái diễn phá thai trái phép ở các phòng khám tư?” phản ánh tình trạng nhiều PK tư quảng cáo, công khai tiếp nhận các bệnh nhân phá thai quá phạm vi chuyên môn kỹ thuật. PK đa khoa Thiên Hòa xuất hiện với hình ảnh và các thông tin lễ tân đồng ý tiếp nhận bệnh nhân đặt vấn đề muốn phá ở tuổi thai 14 tuần trong khi chỉ được phép phá thai đến 7 tuần. Ngày 19/4, Tiền Phong nhận được đơn khiếu nại của lãnh đạo Cty cổ phần đầu tư Tân Thiên Hòa, cơ quan chủ quản của PK đa khoa Thiên Hòa (sau đây gọi chung là PK Thiên Hòa) với các nội dung như: Bài báo phản ánh sai sự thật, việc sử dụng hình ảnh của PK này trong bài viết là xâm phạm bản quyền, vi phạm Luật Báo chí … và yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh, đính chính, xin lỗi.   

Sau khi nhận đơn, báo Tiền Phong có ba lần làm việc với ông Nguyễn Huy Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Nguyễn Thanh Vân - GĐ điều hành Cty cổ phần đầu tư Tân Thiên Hòa vào các ngày 23/4, 25/4 và 2/5/2019. Về việc PK Thiên Hòa cho rằng Tiền Phong sử dụng hình ảnh PK này vào bài viết là xâm phạm bản quyền hình ảnh được đại diện Tiền Phong lý giải như sau: Hành vi của báo Tiền Phong chỉ được coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Thiên Hòa khi Tiền Phong sử dụng logo, hình ảnh đã được bảo hộ cho mục đích kinh doanh dịch vụ, sản phẩm trùng với lĩnh vực mà Thiên Hòa đang cung cấp (Căn cứ theo khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ). Ở đây, Tiền Phong đưa hình ảnh của PK Thiên Hòa với mục đích thông tin cảnh báo về một hành vi có dấu hiệu vi phạm nên không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Để giải quyết dứt điểm các khiếu nại còn lại của PK Thiên Hòa cần xác định việc Tiền Phong phản ánh có sai sự thật khi thực hiện chức năng “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” được quy định trong Luật Báo chí hiện hành hay không. Cụ thể, trong trường hợp này, cần làm rõ, hành vi tiếp nhận bệnh nhân phá thai quá giấy phép của Thiên Hòa được báo phản ánh có phải là hành vi “vi phạm pháp luật” hoặc “hiện tượng tiêu cực trong xã hội hay không”.

Qua các buổi làm việc, ông Khánh và bà Vân cho rằng, nhân viên lễ tân không phải là người hành nghề y nên không có quyền ra quyết định tiếp nhận bệnh nhân. Nhưng với các tài liệu mà báo Tiền Phong dẫn chứng, lãnh đạo PK này thừa nhận có tiếp nhận, khám cho bệnh nhân quá phạm vi được cấp phép nhưng không thực hiện chữa bệnh mà chuyển cho một cơ sở y tế khác để nhận hoa hồng.

Cụ thể, trong biên bản làm việc ngày 23/4, ông Khánh nói: “Những vấn đề vượt thẩm quyền, PK nhận rồi chuyển bệnh nhân đến nơi khác, lấy chiết khấu phần trăm, gọi là phí tư vấn”. Tại biên bản làm việc ngày 2/5, ông Khánh xác nhận: “Chúng tôi là liên kết tuyến, gửi bệnh nhân đi và được trả phí tư vấn". Ông Khánh cũng nói  "ngành y không cấm” việc này (?) Cũng tại buổi làm việc này, bà Vân lại dùng khái niệm khác, nhưng nội dung cơ bản không thay đổi: “Khi vượt quá phạm vi khám chữa bệnh được cho phép, bác sĩ trực tiếp nhận bệnh nhân tại PK Thiên Hòa giới thiệu bệnh nhân đi sẽ được trả hoa hồng - tức là chi phí quảng cáo của PK Thiên Hòa. Chi phí hoa hồng được chuyển về tài khoản của PK Thiên Hòa hoặc trả trực tiếp bằng tiền mặt”.

Đại diện báo Tiền Phong đặt câu hỏi: “Khám chữa bệnh là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Vậy việc liên kết tuyến để nhận bệnh nhân quá thẩm quyền chữa bệnh của mình rồi chuyển cơ sở khác, nhận hoa hồng có văn bản pháp lý hoặc quy định nào của cơ quan có thẩm quyền cho phép không?”, ông Khánh và bà Vân trả lời: “Luật Khám chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn liên quan còn nhiều chỗ quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng. Hiện tất cả các cơ sở y tế tư nhân đều làm như vậy”.

Qua các buổi làm việc cho thấy, PK Thiên Hòa không công khai các dịch vụ thực hiện “liên kết tuyến”, chuyển bệnh nhân để hưởng hoa hồng như trên. Website của PK này không nói rõ PK chỉ được phép phá thai đến 7 tuần tuổi (khi được hỏi vì sao không công khai điều này thì lãnh đạo Thiên Hoà trả lời "vì trang web của Sở Y tế Hà Nội đã ghi rõ điều đó (!), nhưng lại mập mờ khi có nhiều bài viết tư vấn về phá thai quá 7 tuần tuổi.

Báo Tiền Phong cho rằng, việc các cơ sở y tế liên kết để thực hiện các xét nghiệm, thực hiện các biện pháp kỹ thuật hay phẫu thuật… để đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh toàn diện cho bệnh nhân là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc PK Thiên Hòa không thông tin rõ về phạm vi chuyên môn được phép, để thu hút bệnh nhân tìm đến, rồi chuyển họ sang cơ sở khác là vấn đề hoàn toàn khác. “Việc chuyển bệnh nhân để nhận hoa hồng làm bệnh nhân phải chịu thêm chi phí hoa hồng (lẽ ra bệnh nhân chỉ phải chịu chi phí khám chữa bệnh thì lại phải chịu chi phí khám chữa bệnh + hoa hồng), mất công sức đi lại, tước đi quyền lựa chọn cơ sở y tế có điều kiện tốt hơn… nên cần phải làm việc với các cơ quan chức năng của ngành Y tế để làm rõ” - lãnh đạo báo Tiền Phong nêu tại các buổi làm việc.

Có vi phm c y đức ln y thut?

Bằng công văn, báo Tiền Phong nêu rõ sự việc (mô tả kỹ quá trình tác nghiệp của phóng viên, quá trình làm việc với lãnh đạo PK Thiên Hòa) gửi đến tham vấn Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Công văn của Vụ Pháp chế trả lời Tiền Phong ngày 13/5 do ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng ký cho rằng, việc tiếp nhận và chuyển bệnh nhân như trường hợp của PK Thiên Hòa là đúng nguyên tắc và “không để người bệnh có cảm giác bị bỏ rơi hay có cảm giác cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề khám chữa bệnh đó thiếu trách nhiệm đối với người bệnh”. Vụ Pháp chế cũng cho rằng, “Luật Khám bệnh chữa bệnh (KBCB) hiện hành không cấm các cơ sở khám chữa bệnh liên thông với nhau trong cùng một dịch vụ. Do đó, việc thỏa thuận trả hoa hồng, phí tư vấn giữa các cơ sở này với nhau là không trái với quy định của pháp luật”. 

Nhận bệnh nhân quá thẩm quyền rồi chuyển để lấy hoa hồng: Đúng hay sai? ảnh 1 Nhân viên lễ tân phòng khám Thiên Hòa trao đổi hồi lâu, nhận nạo phá thai ở 14 tuần tuổi và nói “càng để lâu càng khó”

Trong khi đó,  PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có quan điểm: “Bộ Y tế không khuyến khích việc “bán” bệnh nhân hay “hoa hồng” mang tính chất thương mại trên thân xác bệnh nhân”. Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lấy “hoa hồng” của các bệnh nhân chuyển tuyến, gây tốn kém cho bệnh nhân, về y đức có vi phạm không, ông Khuê cho rằng: “Việc thương mại hóa mà không công khai minh bạch thì rõ ràng Bộ Y tế không ủng hộ”.

Về việc các PK tư nhân cho rằng các quy định lỏng lẻo, việc nhận “hoa hồng” là bình thường, quan điểm của ông Khuê cần kiểm tra, giám sát, xử phạt cơ sở đó. Ông Khuê khẳng định, Bộ Y tế không khuyến khích bác sĩ kê đơn xong đưa ra hiệu thuốc, hiệu thuốc ghi tên bác sĩ rồi chi hoa hồng cho bác sĩ, đó là vi phạm y đức, giống như việc PK A chuyển cho PK B một tháng 20 ca rồi chi tiền cho PK A. Về ý kiến cho rằng các PK tư nhân chưa hiểu được “tinh thần” đó, ông Khuê cho hay: “Không phải chưa hiểu mà họ cố tình vì việc quản lý trên địa bàn là chưa chặt chẽ”.

Nhận bệnh nhân quá thẩm quyền rồi chuyển để lấy hoa hồng: Đúng hay sai? ảnh 2  Trang web của phòng khám Thiên Hòa có những bài tư vấn phá thai quá 7 tuần tuổi

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định: “Tôi sẽ có văn bản chỉ đạo các sở y tế tăng cường công tác kiểm tra, giáo dục đối với thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, cần thực hiện đúng quy định y đức và các quy định của ngành y tế, không được kinh doanh trên thân xác người bệnh, không phải chỉ có việc hoa hồng này”.

Khi Tiền Phong hỏi về về hiện tượng PK chỉ được phép phá thai đến 7 tuần tuổi nhưng lại nhận bệnh nhân phá thai ở số tuần tuổi lớn hơn nhiều rồi chuyển cho cơ sở y tế khác để lấy hoa hồng (như PK Thiên Hòa đang thực hiện - PV) có được phép hay không, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến trả lời ngắn gọn: “Các PK có sự liên thông liên kết chặt chẽ về chuyên môn với nhau nhưng không được phép nhận hoa hồng…”.

Ngay sau khi diễn ra vụ việc, bộ phận trả lời bệnh nhân trên web của PK Thiên Hòa nhanh chóng từ chối các bệnh nhân đặt vấn đề phá thai quá 7 tuần tuổi. Họ cũng không nhận bệnh nhân đểchuyển đến bệnh viện khác như cách liên kết tuyến mà ông Khánh và bà Vân đề cập. Nhưng những ngày gần đây, qua điện thoại, nhân viên tư vấn của PK Thiên Hòa tiếp tục chèo kéo các sản phụ quá 7 tuần đến PK. Một phụ nữ nói rõ mới siêu âm, có thai 8 tuần nhưng nhân viên tư vấn liên tục thúc giục bệnh nhân đến “khám”, “trao đổi cụ thể”. Khi hỏi thai 8 tuần có làm được tại PK Thiên Hòa không, nhân viên này nói lấp lửng: “Bên tôi chuyên về sản khoa nên chị có thể yên tâm”.  

MỚI - NÓNG