Quả cầu thủy tinh

Quả cầu thủy tinh
Tôi đứng bên ngoài nhìn bao quát căn nhà. Nó đã quá cũ kĩ và lỗi thời. Tôi dự định sẽ bán nó để mua một căn nhà mới với những cửa sổ to hơn, mái cao và bằng. Tôi cũng không thích ở đây nữa, nơi này quá ồn ào và nhiều bụi khói. Nếu mua nhà mới, tôi sẽ chọn ở trong một con hẻm yên tĩnh hơn.

Bác hàng xóm đã giúp tôi tìm được một căn nhà rất lí tưởng. Buổi chiều, tôi đến xem căn nhà mới. Tôi rất hài lòng và quyết định mua nó. Tôi trở về, trong khi thu xếp đồ đạc chuẩn bị chuyển nhà, có cảm giác như ai đó đang nhìn mình, tôi quay lại, trên nóc tủ có chiếc ba lô. Với lấy cái ba lô phủ đầy bụi, tim tôi rung lên.

Kí ức bỗng ùa về, khung cảnh ngày xưa hiện lên thật rõ ràng. Em tôi ngồi đó, trên chiếc ghế mây kê gần cửa sổ. Tay mân mê chiếc ba lô mới. Tôi không hiểu vì sao mà em rất thích những món đồ mới mua của tôi. Chiếc ba lô cũng là một trong những thứ mà em thích. Em có thể ngồi hàng giờ chỉ để ngắm nhìn chúng. Tôi phát cáu với em:

- Này! Để cái ba lô lại chỗ cũ cho anh. Cấm em đụng tới đồ của anh nữa đấy!

Em giật mình, vội vã đặt nó vào ngăn bàn. Em sợ tôi lắm, mặc dù chẳng bao giờ tôi đánh em cả, ngay cả khi em làm vỡ quả cầu thủy tinh của tôi. Từ sau vụ quả cầu, tôi để tất cả đồ chơi lên nóc tủ, nơi thật cao để em không thể với tới. Em cũng ít vào phòng tôi hơn. Tuy vậy, thỉnh thoảng đi học về, khẽ mở cửa phòng, tôi vẫn thấy em đang lén lút trèo lên ghế, với tay lấy đồ chơi. Tôi định quát em, nhưng chiếc ghế mây bỗng nghiêng qua nghiêng lại khiến tôi sợ hãi. Tôi sợ sẽ làm em giật mình, em sẽ ngã… Tôi lẳng lặng bước vào phòng khách bật tivi thật to. Biết tôi về em trả đồ chơi lại chỗ cũ rồi vội chạy về phòng mình.

- Quái lạ! Mẹ có mua búp bê cho nó rồi mà? – Tôi tự hỏi.

Ngày ấy, gia đình tôi vẫn còn hạnh phúc bên nhau. Những bữa cơm tối sao thật ấm áp trong những ngày trời mưa tầm tã. Cha tôi là một thương nhân, công việc lúc nào cũng bận rộn, nhưng không vì thế mà hai anh em tôi thiếu sự chăm sóc tận tụy của ông. Ông luôn dành thời gian đưa chúng tôi đi chơi vào ngày cuối tuần, chiếc xe máy được đánh bóng sạch sẽ vào những dịp như thế.

Ôi! Buổi tối ngày xưa đâu rồi? Cái buổi tối khi phố xá lên đèn, không gian mát mẻ, được cha chở đi loanh quanh trên các con đường lớn nhất của phố thị, rồi ghé vào đâu đó ăn một ly kem, uống một ly nước hay nghe một điệu nhạc…

Thế rồi một hôm, cũng vào một buổi tối cuối tuần như thường lệ, cha muốn chở chúng tôi đi chơi, nhưng hôm ấy tôi lại không thể đi được vì bài tập cho thứ hai còn quá nhiều. Vậy là cha chở mẹ và em gái đi, cũng lâu rồi mẹ không đi ra ngoài dạo phố, tôi nghĩ như thế lại hay.

Nhưng nào ai có ngờ, ấy là lần tôi chào gia đình tôi…mãi mãi.

Ở ngã tư kia, chuyến xe buýt cuối ngày đang vội vã quay về trạm. Một đám thanh niên đi xe máy cùng chiều dàn hàng ngang nói chuyện với nhau. Bác tài xế xe buýt bấm còi inh ỏi. Nhưng không ăn thua, nghĩ tối rồi cũng chẳng sao, bác bèn lái xe lấn qua vạch kẻ đường có ý muốn vượt lên trước. Vừa chen được lên, chưa kịp trở về làn đường của mình thì một gã say rượu lái xe đánh võng đi ngược chiều lao tới. Quá hoảng loạn, bác tài xế bẻ tay lái, tiếng còi rú lên, chiếc xe nghiêng mạnh. Xe của cha từ ngã tư đi ra, ánh đèn xe buýt chói lòa, một âm thanh kêu lên “ken két!” chiếc xe máy bị kéo lê trên mặt đất…

Ngày hôm ấy, cả thế giới như sụp đổ trước mắt tôi và tôi cảm thấy mình cũng như đang rơi xuống vực đen sâu thẳm. Bi kịch xảy ra quá bất ngờ trong tình huống quá éo le. Tiếng còi xe cấp cứu còn vọng mãi trong óc tôi đến tận bây giờ.

Ai mới là kẻ đáng tội? Đám thanh niên, bác tài xế hay là gã say rượu lái xe lạng lách? Vậy sao chỉ có cha, mẹ và em gái tôi ra đi? Tại sao chỉ mình tôi hứng trọn nỗi đau mất mát này? Tại sao hôm ấy không có chú cảnh sát giao thông nào bắt phạt đám thanh niên dàn hàng ngang trên đường? Tại sao và tại sao…?

Đất nước ta gia nhập WTO, làm giàu cho nền kình tế Quốc dân. Nhưng thực trạng đáng buồn là nhiều vấn đề trong nước chưa được giải quyết, trong đó có vấn đề về an toàn giao thông về giáo dục ý thức người dân khi tham gia giao thông. Tôi biết trách ai đây? Trách những người nghèo khổ thiếu hiểu biết trong xã hội hay là trách nhà nước chưa thắt chặt quản lí giao thông? Hay là trách chính bản thân tôi chỉ biết ngồi than vãn mà không có giải pháp gì cho nước nhà? Trách ai?...

Ai sẽ bù đắp cho tôi? Ai sẽ giúp tôi vượt qua đoạn đời đau khổ nhất? Tiền ư? Những lời an ủi, động viên của mọi người ư? Chẳng có nghĩa lí gì với tôi cả! Sao không thể ngăn chặn tai nạn đó xảy ra để bây giờ những giáo lí về giao thông vẫn chỉ là lí thuyết. Hôm nay là gia đình tôi; hôm sau lại là gia đình khác… Đến bao giờ người ta mới hiểu câu: “An toàn là bạn, tai nạn là thù”? Đến bao giờ đây?...

Những suy nghĩ như thế cứ chiếm đầy tâm trí tôi lúc này.

“Tích… tích…” Trong một khoảng lặng, tiếng kim đồng hồ dù nhỏ nhưng cũng đủ kéo tôi trở lại với thực tại. Tôi nhìn xuống chiếc ba lô cũ. Cái ba lô từ ngày ấy đến nay vẫn nằm trên nóc tủ, tôi không dùng đến nữa. Còn cái gì trong này chứ? Tôi hồi hộp kéo khóa mở ba lô ra, cái khóa cũ phát ra âm thanh khô khốc rất khó nhọc. Tôi thò tay vào và lấy ra: Quả cầu thủy tinh.

Tim tôi đập rộn lên, khắp người như nổi gai ốc. Em tôi đã dùng keo dán sắt để chắp vá lại những mảnh vỡ của quả cầu rồi lén bỏ vào ba lô. Nhưng dù cho như thế em cũng không thể xóa đi hay lấp đầy những kẽ nứt – Điều mà cả tôi cũng muốn.

Tôi thở dài và thấy khóe mắt mình cay cay. Tôi ngước nhìn lên trần nhà. “Không được khóc!” Tôi thầm nhủ. Môi tôi bật lên thành tiếng, tôi đã khóc. Khóc nức nở và cũng chẳng thèm đưa tay gạt nước mắt. Sao tôi lại không được khóc kia chứ? Tôi cũng chỉ là người thôi. Quả cầu tuột khỏi tay tôi rơi xuống sàn. Kí ức vỡ tan thành trăm mảnh, nước mắt tôi cũng vỡ òa theo tháng năm…

Hôm sau, tôi đi mua sơn về sơn lại những bức tường, mượn thang của bác hàng xóm trèo lên nóc lấp đầy những kẽ nứt. Tôi sẽ không bán nhà nữa, căn nhà vẫn còn quá tốt, gạch còn chắc. Tôi sẽ trang hoàng lại từng ngóc ngách nhỏ nhất của căn nhà rồi mua thêm một bộ bàn ghế mới để tiếp khách. Chắc chắn không nơi nào trong thành phố này khiến tôi thoải mái như ở đây.

Theo Viết
MỚI - NÓNG