Quằn quại một dòng Lô: Có hay không bảo kê?

Vị trí mộ của bà Trần Thị Tròn phải dời đi khẩn cấp do đất đai bị tàu cát hút sạt lở
Vị trí mộ của bà Trần Thị Tròn phải dời đi khẩn cấp do đất đai bị tàu cát hút sạt lở
TP - Xung quanh các điểm mỏ khai thác cát sỏi luôn có các đối tượng được người địa phương gọi là “xã hội đen” bảo kê, giám sát không cho người lạ tới quay phim, chụp ảnh. Trong quá trình thâm nhập điều tra, không ít lần phóng viên Tiền Phong đã chạm mặt “giang hồ”. 

Người dân và nỗi đau chạy mả

Ngược thị trấn Đoan Hùng, chúng tôi tìm đến xã Phú Lâm (mới sáp nhập từ 3 xã Phương Trung, Quế Lâm, Phong Phú đầu năm 2020). Đoạn cuối của dòng sông Chảy hợp lưu vào sông Lô nước cạn sát đáy, các tàu cát không thể hoạt động dù đã có 2-3 doanh nghiệp (DN) được cấp phép. 6 năm trôi qua nhưng nỗi đau chạy mả cho bà Trần Thị Tròn (SN 1951, ở khu 1, xã Phú Lâm) vẫn không thể nguôi ngoai với cả gia đình, họ hàng. “Chị bị bệnh tim bẩm sinh, đẻ được mỗi cô con gái thể trạng cũng yếu. Đã thế, đến lúc chị chết cũng không được yên”, bà Trần Thị Vượng, nhà ở khu 2, em gái bà Tròn cho hay. 

Theo bà Vượng, bà Tròn mất vào tháng 4/2014 nhưng đến tháng 11 phải đào mộ lên chuyển đi nơi khác. Lý do bởi phần mộ của bà nằm sát bờ sông, đất đai bị sạt lở nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát. 

“Chị tôi mới chôn được 7 tháng nhưng do bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều ngôi mộ lâu đời ở đây bị trôi nên con gái chị tôi vay mượn được 13 triệu đồng thuê chuyển mộ cho mẹ. Thật xót xa khi di chuyển cả quan tài nên không ai dám. Sau đó, một công ty khẳng định có thể dùng loại nước lạ làm tiêu tan thịt, lấy xương cốt cho vào tiểu. Thế nhưng, khi bốc mộ lên, thi thể bà Tròn vẫn nguyên vẹn, công ty kia loay hoay mãi không xử lý được đành phải dùng dao róc thịt, phân nhỏ thi thể rồi cho vào tiểu đem đi chôn cất ở vị trí khác”, bà Vượng vẫn chưa hết sốc khi nhớ lại cảnh tượng này. 

Cũng ở khu 1, còn có trường hợp mộ của mẹ chồng bà Phạm Thị Bảo phải “chạy mả” khi mới chỉ chôn cất được 1 năm. Theo bà Bảo, việc “chạy mả” là bất đắc dĩ vì tâm linh kiêng kỵ và thông lệ phải 3 năm mới “sang cát”. Nhưng bờ sông bị sạt lở quá nhiều nên gia đình buộc phải chạy mả. Nguyên nhân được bà Bảo cũng như người dân nơi đây đưa ra là bởi tình trạng khai thác cát vô tội vạ, không theo mốc giới của các DN được cấp phép. Đáng nói hơn, dù đất đai hoa màu của dân bị sạt lở, nhiều mồ mả bị cuốn trôi hay phải di dời nhưng phía DN và chính quyền địa phương không hề hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng. 

Trả lời Tiền Phong, ông Bùi Duy Hường, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho hay, việc đất đai bị sạt lở chính quyền không bắt được quả tang nên DN không chịu đền bù. Thỉnh thoảng nhận được tin báo, xã báo lên huyện, nhưng khi lực lượng chức năng có mặt thì các tàu cuốc đã rời khỏi hiện trường. 

Cũng theo ông Hường, nghĩa trang nói trên trước đây thuộc xã Phong Phú (cũ), có từ rất lâu đời, khoảng năm 1945. Trước đây, nghĩa trang cách xa bờ sông cả trăm mét, nhưng vài năm trở lại đây bờ sông sạt lở ngoạm dần vào. Nguyên nhân, theo ông Hường có một phần của việc khai thác cát. Lo ngại bị ảnh hưởng, từ năm 2014-2017, xã đã thông báo cho người dân đến di chuyển mồ mả vào trong. Phần mộ nào không có người đến nhận, xã sẽ tổ chức di chuyển. 

Hiện nay, theo Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, trên địa bàn có 2 DN được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát sỏi, gồm: Cty TNHH khai thác khoáng sản Hưng Thịnh, Cty CP đầu tư và phát triển Phúc Thịnh. Riêng Phúc Thịnh trước đây được cấp phép 52,75ha (gồm cả địa bàn các xã Vân Du, Hùng Quan, Phú Lâm), sau do nhiều khu vực khai thác vi phạm khiến đất đai bị sạt lở nên DN phải tạm nghỉ.

Cuối năm 2019, tỉnh Phú Thọ mới cấp lại giấy phép cho DN này chỉ được gia hạn tiếp tục khai thác 19,51ha, còn hơn 33ha phải trả lại cho tỉnh để bảo đảm an toàn bờ sông.  
Cty Phúc Thịnh trước đây được cấp phép khai thác gần 70ha, nay chỉ được gia hạn khai thác tiếp 32,6ha, phải trả lại 32,2ha cùng lý do trên. Hiện, nước sông khu vực này đang cạn đáy nên cả 2 DN trên đang phải tạm dừng khai thác. 

Ai phản đối, coi chừng!

Trong quá trình thực tế từ thị trấn Đoan Hùng xuôi xuống các huyện Phù Ninh, Việt Trì, phóng viên Tiền Phong ghi nhận tại hầu hết các mỏ khai thác cát thường xuyên có 2-3 chiếc ô tô biển Hà Nội, Phú Thọ dừng đỗ. Chỉ cần thấy người lạ mặt là có 2-3 gã đàn ông to cao, bặm trợn ra dò xét. Khoảng 16h30 ngày 5/3, tại địa phận khu 9, xã An Đạo, trong lúc chúng tôi đang ghi hình phỏng vấn ông Hoàng Hồng Thái (SN 1960, trú tại khu 11), lập tức có 2 người đàn ông đội mũ cối đi xuống đứng cạnh, dằn mặt ra hiệu cấm ông Thái nói chuyện. Phóng viên có hỏi: “Các anh là người bên Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ à”, song hai người này lắc đầu. 

Sau đó, chúng tôi cùng ông Thái đi lên khu vực trên đê. Lúc này, một chiếc xe bán tải biển Hà Nội chạy tới, một người đàn ông đội mũ cối có viết chữ “Luyện” xuống xe, bước tới và đề nghị muốn mời phóng viên lên khu mỏ công ty nói chuyện. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị anh này đứng ngay tại chỗ để trao đổi thông tin, trước sự chứng kiến của bà con. Đáng chú ý, trong lúc người này tiếp cận phóng viên, ba gã khác tiến tới vị trí ông Thái. Một gã đội mũ cối nhổ nước bọt vào mặt ông này, dọa nạt khiến ông phải lên xe bỏ chạy. 

“Tôi là Nguyễn Quảng Ba, quản lý kỹ thuật của Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ”, người đàn ông tiếp cận phóng viên cho hay. Khi được hỏi vì sao người dân ở đây bức xúc cho rằng DN khai thác xâm phạm diện tích hoa màu của họ? Ông Ba cho biết, người dân ở đây mỗi người một ý, đòi các mức giá đền bù đất đai khác nhau dù đất đã được tỉnh cấp phép cho DN này làm điểm mỏ. 
Theo ông Ba, tổng số có 100 hộ dân bị ảnh hưởng, công ty đã đền bù tương đối. Hiện một số hộ vẫn không đồng tình với mức bồi thường này. 

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ được cấp mỏ cát sông Lô tại 2 xã An Đạo và Bình Bộ (huyện Phù Ninh) với diện tích 18,8ha, độ sâu tối đa 2m, thời hạn 3 năm từ 22/1/2019. Theo giấy phép, công ty chỉ có 2 tàu cuốc khai thác (1 chiếc dự phòng), 2 cầu gầu dây (1 chiếc dự phòng), 3 xà lan loại 200 tấn. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên liên tiếp mấy ngày đầu tháng 3 vừa qua, tại mỏ công ty này ở khu 9 xã An Đạo luôn có 6 chiếc cẩu gầu dây, trong đó 4 chiếc luôn hoạt động hết công suất, xung quanh đó cả gần chục xà lan chở đầy ắp cát.  

Trả lời vấn đề này, ông Ba khẳng định chỉ có… 4 chiếc của công ty, còn 2 chiếc khác không hay biết. “Vậy tại sao công ty lại để cho 2 tàu đó đứng trong phạm vi mỏ của mình” - phóng viên hỏi và được ông Ba lý giải: “Tàu neo đỗ thế nào là quyền của họ. Chúng tôi không đuổi đi được. Còn công ty chỉ có 4 tàu thường xuyên hoạt động”. (Còn nữa)

Theo giấy phép, công ty Gia Thịnh Phú Thọ chỉ có 2 tàu cuốc khai thác (1 chiếc dự phòng), 2 cầu gầu dây (1 chiếc dự phòng), 3 xà lan loại 200 tấn. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên liên tiếp mấy ngày đầu tháng 3 vừa qua, tại mỏ công ty này ở khu 9 xã An Đạo luôn có 6 chiếc cẩu gầu dây, trong đó 4 chiếc luôn hoạt động hết công suất. 

Quằn quại một dòng Lô: Có hay không bảo kê? ảnh 1

Ông Nguyễn Quảng Ba, nhận là quản lý kỹ thuật của Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ trao đổi với PV Tiền Phong cạnh vị trí trước đây sạt lở khiến 2 thanh niên câu cá tử vong

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.