Sữa học đường - Vì sao nóng chuyện tươi hay bột? Bài cuối:

Quyết định nào công tâm?

Tổ chức Nông lương Quốc tế khuyến cáo và đa số các nước đều dùng sữa tươi. Với nước ta, việc sử dụng sữa tươi có thể thực hiện hay không?

Đã thừa sữa tươi cho sữa học đường

Như đã nêu trong các bài trước, FAO (tổ chức Nông lương liên hợp quốc) khuyến khích các nước sử dụng sữa sản xuất tại địa phương – tức sữa tươi cho sữa học đường. Toàn bộ 28 nước trong liên minh Châu Âu – nơi sản xuất nhiều sữa nhất thế giới dùng sữa tươi cho trường học. Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới (1,4 tỷ người), dù không có truyền thống nuôi bò sữa cũng dành sữa tươi cho trẻ em. Thái Lan - quốc gia cùng khu vực, có điều kiện kinh tế - tự nhiên gần giống nước ta cũng dùng sữa tươi học đường và đã có những thành công vượt trội về dinh dưỡng cũng như ngành chăn nuôi. Với Nhật Bản – đất nước thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên, lao động đắt đỏ vẫn phát triển chăn nuôi bò sữa để đáp ứng nhu cầu cho người dân và học sinh.

Ở nước ta, cuộc tranh luận tươi hay bột cho sữa học đường còn một số điểm cần thống nhất. Thứ nhất, Việt Nam đã đủ sữa tươi phục vụ cho sữa học đường hay chưa?

Như đã nêu, năm 2018, nguyên thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long từng có văn bản đề nghị dùng sữa bột pha lại vào chương trình sữa học đường vì ông cho rằng nguồn cung sữa tươi trong nước không đủ. Ngay sau đó, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) lên tiếng: “Nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày nhân với 260 ngày đến lớp nhân với khoảng 11 triệu học sinh (mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho chương trình sữa học đường khoảng 514.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng sữa năm 2018 đã đạt khoảng 960.000 tấn, vì vậy, nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho chương trình sữa học đường hoàn toàn có thể đáp ứng được”.

Như vậy, nếu triển khai toàn quốc, lượng sữa học đường chiếm 1/2 lượng sữa tươi đang có. Trong khi đó, hiện nay, toàn quốc chưa có đến 10 tỉnh thành triển khai sữa học đường. Vì thế, lượng sữa tươi học đường không thiếu, mà còn dư thừa.

Quyết định nào công tâm? ảnh 1 Hầu hết các nước cho trẻ dùng sữa tươi cho sữa học đường, vì sao tại nước ta lại xảy ra tranh luận sử dụng sữa bột hay sữa tươi? 

Một câu hỏi khác được đặt ra: Điều kiện kinh tế nước ta con nghèo, sữa tươi đắt hơn sữa bột, vậy sao không dùng sữa bột? Ở thời điểm hiện tại, giá sữa tươi tiệt trùng bán trên thị trường trên dưới 30.000 đồng/lít, sữa bột pha lại quanh mức 28.000 đồng/lít.

PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ môi trường của Quốc hội cho hay: Nếu sữa bột hoàn nguyên thành sữa nước phải bổ sung thêm các chất dinh dưỡng để tốt được như sữa tươi thì giá thành sẽ cao hơn cả sữa tươi.

Trong khi đó, giá sữa tươi nguyên liệu của nông dân bán ra hiện nay trung bình khoảng 12.000 – 15.000 đồng/lít. Có thời điểm, giá sữa tươi nguyên liệu xuống mức 8.000 đồng/lít.

Cần minh bạch, tăng cạnh tranh trong sữa học đường  

Như đã phân tích và chứng minh bằng số liệu, nên ưu tiên sữa tươi cho chương trình sữa học đường và cần tuân thủ quy định đã ban hành trong chương trình này.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay: Với sữa học đường, ngoài yếu tố chất lượng, các địa phương không nên đưa ra các điều kiện hạn chế việc tham gia của các hãng sữa. Nên công khai, minh bạch từ khâu xây dựng tiêu chí đến đấu thầu mới tránh được móc ngoặc.

Quyết định nào công tâm? ảnh 2 Nông dân nuôi bò tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh

Ông Thiên đề nghị: “Nếu có đưa ra điều kiện, chỉ nên là điều kiện ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước để khuyến khích sản xuất, để trẻ em thấy tự hào, biết ơn khi được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa được làm ra trên những cánh đồng của Việt Nam. Việt Nam có những hãng sữa lớn, thừa khả năng đáp ứng”.

Mỗi năm nhập khẩu sữa gần 1 tỷ USD

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018, cả nước nhập khẩu gần 963 triệu USD đối với các mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa. Trong hai tháng đầu năm 2019, Tổng cục Hải Quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa đạt 155 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc xây dựng ngành chăn nuôi lấy sữa ở nước ta được các doanh nghiệp quan tâm. Các đơn vị lớn như TH true Milk, Vinamilk… đều triển khai những dự án nuôi bò sữa lớn ở nhiều địa phương.

MỚI - NÓNG