Rắc rối quanh việc xác minh tên liệt sĩ

Anh Hoàng Văn Đạt chỉ vào tên ông Nguyễn Văn Lập tại Bảng vàng liệt sĩ Nghĩa trang đồi A1
Anh Hoàng Văn Đạt chỉ vào tên ông Nguyễn Văn Lập tại Bảng vàng liệt sĩ Nghĩa trang đồi A1
TP - Hơn 10 năm qua, gia đình quân nhân Nguyễn Văn Lập (quê Phú Thọ) đi nhiều nơi để tìm câu trả lời: Người thân của mình và liệt sĩ Nguyễn Văn Lập (quê Vĩnh Phúc) chỉ là một. Tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

> 40 năm mơ các con về

Anh Hoàng Văn Đạt chỉ vào tên ông Nguyễn Văn Lập tại Bảng vàng liệt sĩ Nghĩa trang đồi A1
Anh Hoàng Văn Đạt chỉ vào tên ông Nguyễn Văn Lập tại Bảng vàng liệt sĩ Nghĩa trang đồi A1.
 

Điện Biên: Chỉ có liệt sĩ Lập quê Vĩnh Phúc

Trong đơn gửi Tiền Phong, anh Hoàng Văn Đạt (trú tại xã Vĩnh Chân, Hạ Hoà, Phú Thọ) trình bày: Năm 1999, bà Bùi Thị Ấm (sống cùng địa phương, bà ngoại anh Đạt) nói với tôi rằng năm 1985 do cháy nhà nên mọi giấy tờ liên quan đến chồng mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Lập, hy sinh năm 1954 tại Điện Biên Phủ bị mất hết. Việc mất giấy tờ trên khiến nhiều năm nay bà luôn áy náy trong lòng, nay muốn nhờ tôi đi xin cấp lại những giấy tờ này của ông ngoại.

Năm 2005, qua tìm hiểu từ những người cao tuổi trong xã, anh Đạt được biết, khi hy sinh ông Lập được chôn tại Mường Pồn, Điện Biên. Anh Đạt chưa kịp lần theo nguồn tin trên thì bà ngoại mất một năm sau đó. Năm 2007, anh Đạt đến Mường Pồn, may mắn gặp được ông Lường Văn Đin, nguyên Trưởng công an xã Mường Pồn, nơi ông Lập đóng quân trước đây.

Ông Đin cho biết, khi ông Lập cùng một số đồng đội khác hy sinh, bản thân ông đã tham gia chôn cất họ tại địa phương. Một thời gian sau giải phóng Điện Biên, cấp có trách nhiệm đã về bốc mộ những người đã hy sinh trên để chuyển về an táng tại nghĩa trang ở trung tâm TP Điện Biên, ông Đin không rõ cụ thể là nơi nào.

Đến TP Điện Biên, sau vài ngày tìm kiếm, anh Đạt mừng rỡ khi thấy trên Bảng vàng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 có tên trùng tên ông ngoại mình, song quê quán lại đề thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Khi anh Đạt xin xác nhận tên người trên Bảng vàng và ông ngoại mình là một người, được Sở LĐ-TB&XH Điện Biên trả lời: Qua tra cứu danh sách cho thấy ông Nguyễn Văn Lập, quê quán Tân Trào, Hạ Hòa, Phú Thọ chưa có tên trong Sổ vàng ghi tên các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ do Sở LĐ-TB& XH Điện Biên quản lý; mà chỉ có tên liệt sĩ Nguyễn Văn Lập, quê quán Vĩnh Phúc, cấp bậc chiến sĩ, đơn vị C45 D84 E36 F308, hy sinh năm 1954 do bị bom lấp tại Điện Biên Phủ.

Đến năm 2008, Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ có văn bản trả lời ông Nguyễn Văn Lập quê Phú Thọ chưa được xác nhận liệt sĩ. Ngày 7-1-2009, Sư đoàn 308 cũng có văn bản trả lời, trong danh sách liệt sĩ của sư đoàn chỉ có liệt sĩ Nguyễn Văn Lập quê Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc: Không có tên liệt sỹ Lập

Đáng lưu ý, trong danh sách liệt sĩ được các cơ quan trên lưu giữ, tên ông Nguyễn Văn Lập chỉ ghi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, mà không đề cập cụ thể ở xã, huyện nào nên rất khó xác minh xem địa phương đó trước đây có thuộc Phú Thọ hay không.

Anh Đạt hỏi sang Vĩnh Phúc. Điều bất ngờ là, ngày 27-12-2010, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc có văn bản trả lời, hồ sơ lưu giữ tại Sở không có tên liệt sĩ Nguyễn Văn Lập thuộc đơn vị C45 D84 E36 F308, quê Vĩnh Phúc, hy sinh năm 1954 tại Điện Biên Phủ. Như vậy, ngay tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng không có liệt sĩ Nguyễn Văn Lập, trong khi tên ông có ở tỉnh Điện Biên và Sư đoàn 308.

Ông Lập quê Vĩnh Phúc và Phú Thọ chỉ là một?

Trong quá trình xác minh sự việc, anh Đạt được gặp 2 cán bộ chủ chốt trước đây của Sư đoàn 308. Ngày 13-5-2011, Thiếu tướng Nguyễn Hiền, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 308 (từ tháng 5-1970 đến tháng 12-1975), hiện là Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ Sư đoàn 308 ở tỉnh Phú Thọ đã xác nhận việc ông Nguyễn Văn Lập quê Phú Thọ hy sinh là đúng.

Ngày 9-6-2011, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trong chiến dịch Điện Biên năm 1954 là Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 cũng xác nhận ông Nguyễn Văn Lập, quê xã Vĩnh Chân (Hạ Hòa, Phú Thọ), chiến sĩ C45 D84 E36 hy sinh năm 1954 là chính xác.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ có trách nhiệm của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho biết: Hiện không có bằng chứng xác định việc ông Nguyễn Văn Lập (quê Phú Thọ) trước đây từng được công nhận liệt sĩ, vì không cơ quan có trách nhiệm nào lưu giữ hồ sơ. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế tên ông Nguyễn Văn Lập (quê Vĩnh Phúc) có trong hồ sơ lưu của Cục Chính sách, nên đây là trường hợp đặc biệt cần làm rõ.

Để giải quyết sự việc, ngày 12-7-2011, Cục Chính sách có văn bản chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ chủ trì phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan kiểm tra hồ sơ lưu trữ, kết luận sự việc liên quan đến quân nhân Nguyễn Văn Lập, quê xã Vĩnh Chân (Hạ Hoà, Phú Thọ) có đi bộ đội năm 1953, hy sinh năm 1954 tại Điện Biên Phủ?

Trường hợp có căn cứ kết luận liệt sĩ Nguyễn Văn Lập quê Vĩnh Phúc và quân nhân Nguyễn Văn Lập quê Phú Thọ chỉ là một người (do việc sáp nhập, tách tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ, có thể nhầm lẫn trong sao chép danh sách, dẫn đến sai lệch quê quán liệt sĩ), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ sẽ hoàn chỉnh hồ sơ gửi Cục Chính trị Quân khu 2 để báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG