Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên

TPO - Nhắc đến sâu muồng, nhiều người rợn tóc gáy nhưng khi chúng hóa thành nhộng lại là món ăn hấp dẫn được ví như “tôm rừng” Tây Nguyên.

Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên ảnh 1

Sâu muồng ken đặc trên từng nhánh cây

Tháng tư về cũng là mùa sinh sôi nảy nở của loài sâu muồng Tây Nguyên. Hàng nghìn con sâu có màu vàng đen óng ánh bám dày đặc trên thân cây muồng, ăn trụi lá từ gốc đến ngọn. Chúng ăn với tốc độ “thần tốc”, nhả chất thải đen xuống đất đến nỗi bất cứ ai đứng gần gốc cây đều nghe rõ âm thanh này.

Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên ảnh 2

Những cây muồng trụi lá vì sâu

Thời gian này đi dọc các con đường trên quốc lộ hay trên các rẫy cà phê, tiêu, dễ thấy những cây muồng bị ăn trụi lá và trên đó chi chít hàng nghìn con sâu với nhiều màu sắc.

Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên ảnh 3

Những chú sâu dần hóa thành nhộng muồng

Ăn xong, “đội quân” sâu nấp vào lá tiêu bám trên thân cây muồng tạo kén hóa nhộng. Amí Đăng (buôn Cuôr Đăng, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, mùa này đang thu hoạch tiêu. Vừa hái tiêu, người dân không quên mang theo chiếc giỏ hoặc gùi bên mình để thu những con nhộng muồng bám trên lá tiêu.

Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên ảnh 4

Nhộng muồng bám trên lá tiêu

Thời điểm bắt nhiều nhộng nhất là ban trưa, do lúc này trời nắng gắt, nhộng di chuyển từ các cành cây xuống lá tiêu hoặc bất kỳ loại lá nào bám được như lá cà phê, lá chuối... Bắt xong nhộng, người dân nấu ăn ngay tại rẫy. 

Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên ảnh 5

Nhộng muồng bám đầy trên lá chuối

 Chỉ cần cho ít dầu, gia vị vào đảo đều trên bếp lửa chừng 15-20 phút là món nhộng rang hấp dẫn. Những con nhộng vàng ươm béo núc ngọn thơm, bổ dưỡng không kém nhộng tằm, đặc biệt chúng có mùi thơm đặc trưng của lá muồng.

Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên ảnh 6

Người dân nấu món nhộng muồng ngay tại rẫy

Nhộng sâu muồng là món ăn đặc trưng của người đồng bào Tây Nguyên, chỉ có từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5. Với những người yếu bóng vía, sợ sâu bọ sẽ thấy rợn người; còn người thích món côn trùng sẽ vô cùng phấn khích khi được nhâm nhi món “tôm rừng” Tây Nguyên.

Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên ảnh 7

Sâu nhộng muồng không gây hại đến cây trồng

Loài “tôm rừng” này không hề gây hại đến cây trồng, thậm chí còn đem ra nguồn thu nhập kha khá cho nhiều hộ gia đình bằng việc bắt nhộng sâu bán. Món ăn nghe rợn người nhưng độc lạ này trở thành “đặc sản” trong thực đơn sang trọng tại các nhà hàng thành thị.

Rợn người món 'tôm rừng' Tây Nguyên ảnh 8

"Tôm rừng" là món ăn đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên

Sau vòng đời chuyển hóa trong thời gian ngắn ngủi từ bướm-ấu trùng-sâu-nhộng, chúng lại hóa thành những cánh bướm xinh đẹp bay rợp cả vùng trời Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG