Sản xuất được, tại sao phải mua?

Sản xuất được, tại sao phải mua?
TP - Mấy năm gần đây, ngành chăn nuôi thật là xui xẻo; liên tục đối phó với dịch bệnh, hết cúm gà đến lở mồm long móng ở bò, heo rồi lại đến dịch “heo tai xanh” khiến cho người chăn nuôi đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt.

Đã thế, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) lại liên tục tăng đến chóng mặt, góp phần đẩy nhanh những người chăn nuôi đang cố sức gượng gạo càng lâm vào cảnh khốn cùng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, giá TACN đã tăng đến… 8 đợt, với tỷ lệ tăng 20-30%.Giá tăng liên tục đã đẩy người chăn nuôi luôn đối mặt với thua lỗ.

Để khỏi mất cả chì lẫn chài, nhiều chủ trại đã đầu tư chuồng trại đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng rốt cuộc có người đành phải bỏ quyền làm chủ, chuyển sang nuôi gia công cho các Cty chăn nuôi lớn.

Nhưng nguyên nhân đẩy giá TACN tăng liên tục khiến người chăn nuôi điêu đứng thì thật khó tin: “Quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu”, mà đó lại là những thứ có thể sản xuất dễ dàng trong nước. Theo Cục Chăn nuôi, mỗi năm Việt Nam phải chi ra cả tỷ USD để nhập nguyên liệu sản xuất TACN; trong đó phải đổ ra khoảng 750 triệu USD để nhập ngô, 400 triệu USD đậu nành, hơn 100 triệu USD bột cá…

Điều đáng nói là trong khi đó, tổng diện tích trồng ngô ở nước ta không nhỏ (hơn 1,1 triệu ha), nhưng vì năng suất quá thấp, kém gần 3 lần so với khu vực và thế giới, nên thiếu hụt khoảng 500.000 tấn/năm ngô nguyên liệu.

Chỉ cần đầu tư cho người trồng ngô một hệ thống thủy lợi tương đối để họ khỏi phải lệ thuộc vào nước trời là có thể giải được phần chính yếu của bài toán thiếu hụt này. Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu thủy sản thế giới, có một đội tàu đánh bắt hàng ngàn chiếc, với một bờ biển dài hơn 3.000 km sao lại phải đi nhập khẩu bột cá.

Tình trạng này không phải không thể khắc phục được bởi ít nhất 2 mặt hàng ngô và bột cá trong nước hoàn toàn đủ khả năng cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất TACN.

Như vậy sẽ tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia, tạo thêm thu nhập và việc làm cho người lao động, tăng tính cạnh tranh trong giá cả, chắc chắn giúp ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, người chăn nuôi không còn cảnh đuối sức vì giá TACN ngày một leo thang.

Nước ta là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, nhưng lại phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập hàng loạt nông sản mà chúng ta hoàn toàn đủ khả năng sản xuất được, về làm nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi thì quả là vô cùng nghịch lý! 

MỚI - NÓNG