'Sao nhà báo không đưa cháu về'

'Sao nhà báo không đưa cháu về'
TP - Sau phóng sự “Tận cùng nỗi đau” đăng trên Tiền Phong, hàng trăm cuộc điện thoại đổ về bày tỏ sự xót thương, mong được giúp đỡ bé Thanh Trúc- nhân vật trong phóng sự. Tuy nhiên, có một người vừa bày tỏ mong muốn được giúp đỡ Trúc vừa trách cứ tác giả.

>> Tận cùng nỗi đau, tận cùng chia sẻ

Phóng sự mà tôi viết lúc đầu lấy tít “Cây trúc mảnh giữa đại ngàn giông bão” sau tòa soạn đã đổi thành “Tận cùng nỗi đau”. Hiệu ứng của bài báo là những tấm lòng, chia sẻ của bạn đọc được viết tiếp bằng bài báo “Tận cùng nỗi đau, tận cùng chia sẻ”…

Vì căn bệnh AIDS, bé Trúc đã mất mẹ. Hai tháng ba ngày sau, vào buổi chiều ngày 18/10 âm lịch tức 27/11/2006,  bé Trúc cũng tha thẩn ngoài bờ dậu thì anh Trung - bố của bé Trúc ngậm một kíp mìn vẫn dùng để đánh đá làm than, dùng hai tay đấu hai đầu dây điện với hai quả pin để kích nổ. Để tự kết liễu mình. Khi ấy, bé Trúc mới bốn tuổi. Em được đưa về ở với bác ruột là Bàn Văn Trọng. Sau đó, Trúc bị đem đi vứt bỏ ở bệnh viện Hải Dương rồi được các bác sỹ đưa về nhà.

Kết thúc phóng sự, từ những gì cảm nhận được thật sự đã làm cho chính tôi cũng run rẩy. Đó là tâm trạng của một người vừa chứng kiến một câu chuyện dài đầy máu và nước mắt, nước mắt của đứa trẻ thơ, nước mắt của đứa trẻ có mang trong mình HIV. Nhất là bức ảnh mà tôi ngoái lại để chụp với theo: một mình em lủi thủi, nhỏ bé, cô độc giữa đại ngàn. “Sao nhà báo không đưa cháu về? Cháu nó còn bé như thế lại đi giữa núi rừng trong ngày giá rét. “Sao nhà báo không đưa cháu về?”. Đó là một câu hỏi của bạn đọc, vang lên trong tai tôi, trong tim tôi.

'Sao nhà báo không đưa cháu về' ảnh 1
Bé Trúc bên mộ bố mẹ. Ảnh : Đỗ Sơn

Gió rừng trong ngày giá rét như càng buốt hơn. Tôi lấy trong túi một ít tiền rồi đưa cho cháu để dành mua kẹo (…). Ông Trọng không đưa Trúc về mà phóng xe đi đâu đó. Một mình Trúc lủi thủi đi giữa con đường đất đỏ mịt mờ, xung quanh em là rừng núi. Tôi ngoái theo chụp với lấy một tấm ảnh mà mắt bỗng cay xè…”.

Dẫu sao, tôi cũng cần trả lời câu hỏi mà chị - một bạn đọc của báo đã đặt ra. Quả thực, tôi cũng rất muốn được đưa cháu về. Nhưng tôi lại nghĩ, “Mình có thể đưa cháu về hôm nay thì ngày mai, ngày kia, ai đưa cháu về?”. Tôi rất muốn kết thúc của bài báo làm cho mọi người, trong đó có tôi, có chị đều suy nghĩ, xót xa và từ đó chung tay giúp đỡ bé Trúc có được môi trường sống, được chăm sóc tốt hơn.

Chị, cũng như hàng trăm bạn đọc khác đã đỏ mắt, đã liên hệ tới chúng tôi để mong muốn giúp đỡ bé Trúc. Sau khi báo đăng, Đài Truyền hình Việt Nam đã làm phóng sự,  Đài TNVN, cán bộ ở Ban Tuyên giáo Trung ương, Thanh tra Chính phủ và nhiều bạn đọc khác ở khắp nơi cũng đã liên hệ với tòa soạn để giúp đỡ bé Trúc.

Nhiều báo khác đăng tải lại phóng sự “Tận cùng nỗi đau”. Và, những trái tim ấm nóng đã xoa dịu nỗi đau tận cùng. Bé Trúc nhận được hàng trăm bộ quần áo, mấy chục đôi giày dép, xe đạp, đồ chơi và cả một lọ ruốc to của một bạn đọc từ Hải Dương mang đến tận nhà. 

Ít ngày sau, bé Trúc được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để làm các xét nghiệm, rồi được đưa về Trung tâm Giáo dục Lao động số II Hà Nội  đặt tại xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội.  

Ở đó, bé Trúc được các mẹ chăm sóc cẩn thận, được điều trị bệnh, được đi học và có rất nhiều bạn để vui đùa. Tháng 9 năm nay, bé Trúc sẽ lên lớp hai.

MỚI - NÓNG