Sẻ chia trong cơn bĩ cực

Sẻ chia trong cơn bĩ cực
TP - Sau khi Tiền Phong đăng bài: Thôn Tu Nim (Sơn Động, Bắc Giang) - giáp Tết, nhiều nhà hết gạo, một số doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh Bắc Giang đăng ký và trực tiếp tới thăm, động viên, tặng quà người nghèo trong thôn Tu Nim.
Sẻ chia trong cơn bĩ cực ảnh 1
Trao quà cho người nghèo ở Tu Nim. Ảnh: N.T

Ngày 23 - 1, Sơn Động sụt sùi mưa. Nhìn từ xa, thôn Tu Nim như chìm trong sương núi mờ ảo. Đoàn xe ô tô của Trung tâm thẩm mỹ Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chậm chạp nhích từng chút một trên con đường bé nhỏ, đầy những ổ gà, trơn trượt như láng một lớp mỡ.

Chị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Dù biết mấy hôm nay trời mưa, đi lại khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết định đến Tu Nim vì đã hẹn với người dân rồi, không thể thất hứa. Nhất là nghĩ đến người nghèo, mình càng phải thấy có trách nhiệm hơn”.

Gần 10 giờ, đoàn mới tới được trung tâm của thôn. Hộ đầu tiên mà chúng tôi tới thăm là nhà chị Lương Thị Lịch. Căn nhà vách đất, rộng khoảng hơn chục mét vuông trống hoác, chẳng có mấy thứ đồ đạc đáng giá run lên bần bật trong mưa. Gió lạnh ào vào qua những khe hở của tường nhà.

Chị kể, quê chị ở Thái Nguyên, lấy chồng rồi về đây. Cả vụ vừa rồi chỉ thu hoạch được 5 thúng thóc và đã ăn hết rồi. Cái đói, cái nghèo thôi thúc nên chồng chị phải đi phát rừng thuê tận bên Quảng Ninh để kiếm tiền nuôi gia đình.

“Đến nay đã 10 ngày rồi chưa thấy về, mà trời thì mưa gió thế, không biết có kiếm được đồng nào không” – Chị Linh thở dài.

“Chị phải ăn cháo lâu chưa?” - Tôi hỏi. “Ở đây hầu như nhà ai cũng phải ăn cháo. Em ở nơi khác về làm dâu ở đây nên lúc đầu không chịu nổi, còn bây giờ thì mỗi ngày phải ăn một đến hai bữa nên thành quen” - Chị trả lời chân thành.

Tại nhà bà Lý Thị Đại, một số bà cụ già ngồi bên bếp lửa. Trên đó là chiếc nồi đang toả hơi nghi ngút. Nhiều người trong đoàn tò mò lấy thìa khoắng thử thì mới biết đó là nồi cháo loãng.

Bà Đại cho biết, cả nhà bây giờ chỉ còn hai gánh thóc mà có tới năm khẩu ăn. Nếu không ăn cháo hôm nay thì ngày mai biết lấy gì để ăn? Rồi bà cẩn thận chỉ cho cả đoàn xem chiếc hòm cáng chỉ còn lớp thóc mỏng dưới đáy. “Dự trữ của gia đình chỉ còn chừng đó thôi vớ”.

Chị Hà gọi mấy đứa trẻ trong đoàn lại bên thúng ngô vừa mới thu hoạch, chỉ cho chúng tôi xem mỗi chiếc bắp chỉ có lác đác vài hạt non, giảng giải: “Các con quen sống sung sướng rồi, hãy nhớ lấy những hình ảnh này. Đây là thức ăn của người dân nơi đây. Các con có nghe họ nói không, cả chục ngày mới có được bữa cơm có thịt lợn để ăn”. Ánh mắt của lũ trẻ như chùng xuống, có đứa nhẹ gật đầu…

Dù buổi trưa, mưa không hề giảm nhưng những người dân nghèo vẫn tụ tập rất đông tại lớp học mẫu giáo của thôn để nhận những món quà đón Tết mà Trung tâm thẩm mỹ Thu Hà vận động khách hàng, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đóng góp. 36 hộ nghèo trong thôn, mỗi hộ được 20 kg gạo tẻ, 5 kg gạo nếp, hai chiếc chăn bông, một hộp mì tôm, 100 nghìn đồng tiền mặt và mấy túi kẹo.

Chị Đinh Thị Phú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Kim Cương Tuyệt Mỹ (Hà Nội), một thành viên trong đoàn, cũng hứa với lãnh đạo xã, thôn có mặt tại buổi trao quà sẽ đỡ đầu cho 10 cháu có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các cơ sở có điều kiện làm việc tốt, đủ các chế độ bảo hiểm, ăn trưa và mức lương hợp lý trong thời gian tới.

“Đây là cách mà chúng tôi hy vọng có thể giúp người dân nơi đây chiếc “cần câu” để họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn một cách bền vững” - Chị Phú cho biết.

Sẻ chia trong cơn bĩ cực ảnh 2
Bên nồi cháo đang nấu, bữa trưa của người dân Tu Nim

“Chúng tôi cần nước…”

Không diễn đạt nhiều bằng những từ hoa mỹ, những người dân thôn Tu Nim chỉ luôn miệng cảm ơn những người đến tặng quà, dù đối với họ, chắc chắn chưa hết nỗi lo thiếu ăn trong những ngày sắp tới. Nhận quà, bà Nịnh Thị Xẻng vui lắm nhưng cũng thật thà cho biết, chừng đó gạo sẽ giúp được gia đình bà đủ ăn trong 5 - 6 ngày thôi.

Bên cạnh những lời cảm ơn bạn đọc Tiền Phong, cảm ơn các doanh nghiệp, đơn vị đã hỗ trợ người nghèo trong thôn, trong bài phát biểu chưa kịp đọc trong buổi tặng quà mà Bí thư chi bộ Mễ Văn Sệnh đưa cho phóng viên Tiền Phong, chúng tôi vẫn thấy một sự trăn trở, ở người mà nhân dân trong thôn quen gọi là “già làng” ấy.

Ông viết: “Đối với tôi, chỉ còn hơn chục ngày nữa là 73 mùa xuân mà vẫn có tên trên tờ báo Tiền Phong cũng rất biết hổ thẹn với người dân, không biết làm thế nào để thoát khỏi nỗi khổ này. Nhân dân lao động rất cần cù nhưng thu nhập thất thường bởi năm 2009 mất 2/3 diện tích là do hạn hán kéo dài, nguyên nhân chính là thiếu nước thôi”.       

Diện tích canh tác hơn 30 mẫu của thôn Tu Nim chỉ có khoảng 12 mẫu cấy được hai vụ lúa nhưng sản lượng thất thường và thường kém hơn hẳn so với các thôn khác trong xã. Năng suất trung bình của mỗi vụ khoảng 1,2 tạ thóc/sào, trong khi các thôn khác là 1,8 tạ/sào. Có những vụ chỉ đạt khoảng 30 - 40 kg/sào. Thống kê trong thôn cho thấy, cứ ba năm thì Tu Nim có một vụ mất mùa.

Cây ngô lai được coi là cứu cánh ở đây nhưng cũng rất khó phát triển. Các loại cây rau màu khác hầu như Tu Nim không có. Tất cả là vì không có đủ nước tưới. Cả thôn chỉ có khoảng năm, sáu ao nhỏ, đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu làm nước gieo mạ và tưới khoảng 2 - 3 lần/vụ còn lại thì “trời cho bao nhiêu biết bấy nhiêu”.

Rừng trên đầu nguồn bị tàn phá từ lâu cộng với loại đất ở đây chủ yếu là đất pha cát nên việc giữ nước càng khó khăn. “Mới đây, thôn đang được đầu tư công trình thủy lợi nhưng chắc cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ diện tích canh tác khu vực gần sông thôi” - Ông Vũ Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Lệ Viễn cho biết.

Theo tính toán của cán bộ thôn Tu Nim thì cả vụ vừa rồi, sản lượng cho thu hoạch của tất cả cây lương thực trong thôn chỉ đạt 64 tấn. Tính ra, bình quân mỗi khẩu trong thôn được 13 kg. Còn tính riêng lúa thóc thì chỉ được khoảng… 9 kg/người.

Đến nay, nhiều nhà đã bắt đầu phải ăn đong. Trong khi đó, thôn không có nghề phụ nên ngoài lúc gieo cấy và thu hoạch, những ai có sức khỏe đều tỏa đi khắp nơi để làm thuê kiếm sống, sang Quảng Ninh, Lạng Sơn làm ô-sin, “cửu vạn”, phát rừng thuê…, người ở nhà thì kiếm củi, chăn trâu. Bản thân vợ của Trưởng thôn Mễ Văn Hải cũng vừa phải đi làm thuê ở Quảng Ninh về cách đây chưa lâu.  

Không chỉ có vậy, nguồn nước sinh hoạt ở đây cũng khó khăn. Các giếng nước của hộ dân vào mùa này đều khô kiệt. Nhiều người phải đi gánh nước sông, suối về dùng. Nhà nào có điều kiện hơn thì bắc đường nước từ tít trên khe núi, cách nhà vài trăm mét mới có đủ nước ăn, nước để tưới rau hầu như không có.

“Chúng tôi khẳng định nếu như có một số công trình trữ nước đủ lớn, người dân Tu Nim sẽ không thể nghèo đói như vậy. Tuy nhiên, mức đầu tư cũng phải đến hàng trăm triệu đồng mà chúng tôi không biết lấy ở đâu ra…?” - Ông Sệnh trăn trở.

MỚI - NÓNG