Phản hồi bài 25 năm-Nỗi đau của 7 gia đình bị “treo án” vượt biên:

Sở GT-VT Quảng Bình sẽ vào cuộc

Sở GT-VT Quảng Bình sẽ vào cuộc
TP - Sau khi Tiền phong đăng phóng sự trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở GT-VT Quảng Bình về quan điểm của ngành trong việc xử lý các vấn đề liên quan trong “nghi án” vượt biên đã tồn tại suốt 25 năm qua.

>> 25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên

Sở GT-VT Quảng Bình sẽ vào cuộc ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Long: “Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm”

Ông Nguyễn Văn Long bày tỏ: Khi đọc bài báo 2 kỳ đăng trên Tiền phong về số phận của 7 thành viên trên con tàu BTT-07, chúng tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề khách quan của báo về thân phận các thân nhân của 7 thuyền viên trên con tàu xấu số này.

Chúng tôi nhận thấy, đây là vụ việc phức tạp và đã  kéo dài suốt 25 năm qua. 25 năm ấy có rất nhiều biến động. Cho dù hiện nay, Cty đó đã giải thể, phiên hiệu đã bị xoá, nhưng chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm trong “nghi án” này.

Ông Long cho biết: Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành xem lại hồ sơ về họ khi chia tách tỉnh đã được chuyển ra cho ngành giao thông vận tải Quảng Bình chưa.

Nếu đã được chuyển ra thì thuận lợi. Còn nếu không chuyển ra thì chúng tôi sẽ cử người vào các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế để tìm lại hồ sơ cán bộ của họ làm cơ sở cho các bước giải quyết sau này.

Cũng theo ông Long, vấn đề không còn dừng lại ở chuyện lương bổng, chế độ nữa mà là sinh mệnh chính trị không phải của một người mà của cả dòng họ...

Theo những gì mà chúng tôi được biết thì, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, làn sóng vượt biên từ vĩ tuyến 17 trở vào diễn ra rất phức tạp. Nhưng trường hợp là đảng viên, được tôi luyện trong trận mạc, sinh ra trên quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” mà vượt biên thì tôi chưa gặp bao giờ.

Sở GT-VT Quảng Bình sẽ vào cuộc ảnh 2
Bà Phạm Thị Thanh (vợ thuyền trưởng Lê Thanh Bùi) và các con 25 năm qua bị “treo” án chồng, cha là kẻ “vượt biên” - Ảnh: Minh Toản

Hồi đó, khi ra khơi mà không quay trở về người ta thường bị ám ảnh rằng là họ đã vượt biên. Kinh tế thời kỳ đó vô cùng khó khăn, nên việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ không được quan tâm và rất hạn chế.

Có lẽ thế chăng, nghi án vượt biên này cũng nằm trong bối cảnh lịch sử đó. Mà khi công an đã có kết luận là vượt biên, phản bội Tổ quốc thì khó có cơ quan nào can thiệp hoặc có động thái để minh oan cũng như làm chế độ chính sách cho họ. Đó là một thực tế lịch sử.

Còn bây giờ, trong bối cảnh mở cửa, đổi mới và hội nhập, trước sự đòi hỏi rất chính đáng của gia đình và thân nhân của 7 thành viên trên tàu BTT-07, Sở GT-VT sẽ chủ trì một cuộc gặp với những người từng công tác ở Cty đó để có thêm thông tin đầy đủ về 7 thành viên trên tàu bị mất tích này.

Từ đó, Sở sẽ có văn bản gửi các cấp, ngành chức năng yêu cầu làm rõ vụ việc và rất có thể họ được minh oan.

Chắc chắn, Sở GT-VT với chức năng của mình sẽ ủng hộ các gia đình và thân nhân của các thành viên trên tàu BTT-07 cùng với họ chứng minh thân phận của những người mất tích.

Trước mắt, ngành sẽ tổ chức cuộc gặp mặt với gia đình và thân nhân của 7 người trên tàu BTT-07, với nghĩa cử nhân ái, sẻ chia và trách nhiệm trước những gì mà họ đã phải gánh chịu trong suốt 1/4 thế kỷ qua.

7 thuyền viên tàu BTT - 07 không có tội

Sở GT-VT Quảng Bình sẽ vào cuộc ảnh 3
Ông Lê Minh Tâm
Sau khi báo đăng, tôi nhận được điện thoại từ Văn phòng Interpol Việt Nam cho biết, Văn phòng đã nhận được công văn của chúng tôi. Họ cho biết đã có công văn gửi cho Công an tỉnh Quảng Bình để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Là một luật sư, phải hiểu là khi nhận được đơn yêu cầu tư vấn từ phía các gia đình của các thân nhân trên tàu BTT-07, tôi thấy việc Công an Bình Trị Thiên có Công văn 342 cho rằng các thủy thủ tàu BTT-07 đã lợi dụng phương tiện của Nhà nước để vượt biên, đã phạm vào tội phản bội Tổ quốc được quy định tại các điều 98 và 135 của BLHS nước CHXHCNVN (Luật trước năm 1985), là không có cơ sở.

Bởi kết luận trên chưa được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn và chưa được TAND đưa ra xét xử. Nghĩa là chưa có bản án kết tội. Cũng có nghĩa, cho đến lúc này họ chưa hề phạm tội “phản bội Tổ quốc” như kết luận của cơ quan công an.

Có công thì thưởng, có tội thì phạt, oan sai thì sửa. Nếu không đủ cơ sở để chứng minh họ vượt biên, phản bội Tổ quốc, thì ngược lại, phải hiểu là họ gặp nạn trong khi đi làm nhiệm vụ và mất tích. Như thế thì chế độ, chính sách của họ phải được giải quyết theo Luật Bảo hiểm, Luật Lao động...  

Ông Lê Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Hướng Dương      

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.