Sống cùng đất lở, đá lăn

Sống cùng đất lở, đá lăn
TP- Bao năm nay, những cư dân quanh thị trấn Quy Đạt và xã Trung Hóa của huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) luôn sống trong thấp thỏm lo âu vì ẩn họa của đá rơi, đất lở.

Mỗi khi có thông tin mưa bão, họ lại căng mình lên lo đối phó, nhưng tai họa trên trời vẫn cứ rơi xuống.

Sống cùng đất lở, đá lăn ảnh 1
Anh Hồng chỉ khối đá rơi suýt nữa đè nát ngôi nhà của anh

Nơi này đá rơi

Chúng tôi tìm về thôn Bình Minh 1, xã Trung Hóa trong những ngày đầu tháng 10, khi cơn bão số 7 vừa tràn qua.

Đường vào thôn lởm chởm đá tai mèo dưới lớp bùn nhão nhoét, lầy lội. Dù chỉ nằm cách đường Hồ Chí Minh chưa đầy 1 km, nhưng người dân nơi đây sinh sống gần như biệt lập với trung tâm xã.

Anh Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng thôn Bình Minh 1 thông tin khái lược: Thôn có 86 hộ với 436 nhân khẩu, trong đó có 11 hộ với 68 nhân khẩu sống nép mình dưới lèn Giang. Cứ đến mùa mưa bão hàng năm, các hộ dân này đều nơm nớp lo sợ vì nạn đá rơi, đá lở.

Anh Tuấn kể: Một ngày cuối tháng 6/2005, thôn đang tổ chức họp chi bộ thì bỗng nghe một tiếng ầm khủng khiếp. Đất như rung lên. Mọi người giật mình nhìn lên ngọn lèn Giang. Thật không thể tin vào mắt mình. Đỉnh lèn Giang nứt toác.

Liền sau đó là hàng trăm tảng đá lở rơi xuống ầm ầm vẹt cả một mảng đồi. Nhiều tảng đá ước tính hàng chục khối đè nát hàng sào hoa màu và bẻ gãy hàng trăm cây cối, may không có thiệt hại về người..

Từ đó đến nay, hiện tượng đá lở ở khu vực này xảy ra thường xuyên, đặc biệt vào mùa mưa bão. Thôn Bình Minh 1 đã nhiều lần làm tờ trình xin xã và huyện hỗ trợ cho 11 hộ dân này được di dời, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Bác Đinh Minh Thứ, một người trong thôn, góp chuyện: “Trước UBND xã dự định chuyển các hộ dân ra vùng cây Xoài ở thôn Bình Minh 2, tuy nhiên vùng này thường bị ngập lụt vào mùa mưa lũ nên người dân cũng không muốn di dời.

Huyện có hứa hỗ trợ cho mỗi hộ 4,5 triệu đồng, để bà con chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Thế mà đến giờ cũng chẳng thấy mô cả. Mỗi khi bão lũ đến bà con đều dắt díu nhau tìm đến nhà người thân xa khu vực lèn Giang lánh nạn. Đợi cho khi bão tan gió lặng mới dám trở về sống chung với... đá lở”.

Anh Đinh Xuân Hồng cũng là cư dân của thôn đá lở này vẫn còn ám ảnh lần chết hụt năm 2005, kể: “Khi tui đang đánh vật với mảnh vườn sau nhà thì một tảng đá to chừng 10 m3 bị lở khỏi đỉnh lèn Giang trên độ cao 100 m bay vèo qua ngọn cây mít rơi uỵch trước mặt nhà. Tui hoảng quá, chẳng thiết mần ăn chi nữa, thúc hối vợ con thu vén đồ đạc đi tìm chỗ ở mới”.

Vốn được hình thành bởi đá vôi, nên kết cấu của lèn Giang khá lỏng lẻo. Mỗi mùa mưa bão đến thì đá mẹ, đá con rơi rào rào, nhanh như ngựa phi. Bà con quanh đây chẳng biết đường nào mà lần. Sống trong nỗi sợ hãi thường trực, bà con chỉ muốn xã và huyện có chính sách hỗ trợ di dời phù hợp, để được an cư để phát triển kinh tế.

Nơi kia đất lở

Tương tự, 16 hộ dân ở tiểu khu 2, 4, 5 thị trấn Quy Đạt phải đối mặt với sự xói lở xâm thực ghê gớm của các khe suối trong vùng. Nguyên nhân sâu xa là độ che phủ của những cánh rừng đầu nguồn ngày càng bị cạo trọc, nên sức tàn phá của khe suối trở nên hung hãn và lạnh lùng.

Ông Đinh Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Các hộ dân này đều tập trung sinh sống gần khe Quy Đạt, vốn là tuyến dẫn nước chính từ đập Ba Nương về cung cấp cho diện tích đất canh tác của thị trấn.

Về mùa mưa bão nước từ thượng nguồn dâng cao, nên đã gây ra tình trạng xâm thực cục bộ với nhiều đoạn như ở tiểu khu 4 và tiểu khu 5. UBND thị trấn đã đề nghị huyện thoả thuận với các hộ dân, để cấp đất và hỗ trợ di dời 5 triệu đồng/ hộ, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thực hiện được, bởi vì phụ thuộc vào tiến độ cấp đất của UBND huyện”.

Hiện tượng xói lở dọc tuyến khe Quy Đạt, bắt đầu diễn ra mạnh trong năm 2007 ngay sau cơn bão số 5. Các bậc cao niên ở đây cho rằng cơn bão này đã gây nên trận đại hồng thủy khủng khiếp nhất trong 40 năm trở lại đây. Nước lũ dâng cao kéo ngã hàng trăm cây cổ thụ, gây xói lở hàng ngàn mét khối đất đá và nhiều công trình kiến trúc của các hộ dân.

Anh Hồ Sĩ Hóa nói: “Tui làm nhà từ năm 2002, nhà cao hơn mực nước khe là 7m. Năm ngoái cơn bão số 2 và số 5, làm nước khe dâng cao cuốn trôi toàn bộ công trình phụ, nhà chính bị nứt nhiều chỗ. Vừa rồi UBND thị trấn có động viên tui di dời, ngoài 5 triệu đồng tiền hỗ trợ, tui phải trả 50% số tiền của 200 m2 đất ở được cấp, trong khi không có 1 triệu đồng làm vốn, thì làm chi có tiền mà nộp, nên lực bất tòng tâm”.

Anh Hóa đành phải trụ lại với ngôi nhà đã hư hỏng và đành liều làm tờ trình gửi UBND thị trấn cam kết sẽ chịu mọi hậu quả do bão lũ gây ra.

Cạnh nhà anh Hóa, gia đình anh Hà Quốc Dũng và chị Trần Thị Kim Phúc cũng đang cận kề miệng thủy thần. Mặc dù rất muốn di dời nhưng anh chị cũng đành chịu, vì thu nhập từ nghề thợ xây của anh Dũng chỉ đủ lo miếng ăn cho cả gia đình.

Chuyện đất lở, đá rơi đe dọa cuộc sống của cư dân huyện miền núi Minh Hóa vẫn là câu chuyện dài. Bao giờ người dân nơi đây mới an cư lạc nghiệp?

MỚI - NÓNG