Sông Hồng cạn, nhiều người thất nghiệp

Sông Hồng trơ đáy Ảnh: Xuân Phú
Sông Hồng trơ đáy Ảnh: Xuân Phú
TP - Suốt ba tháng qua, nhiều người dân làm nghề vận chuyển vật liệu, lái đò, gánh gạch thuê ở đoạn sông Hồng từ xã Cổ Đô, Phú Cường đến xã Phú Châu, huyện Ba Vì - Hà Nội) gặp khó khăn, mất việc vì nước sông Hồng cạn.

> Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Hồng: Vênh nhau do lấy mẫu

Sông Hồng trơ đáy Ảnh: Xuân Phú
Sông Hồng trơ đáy. Ảnh: Xuân Phú.

Từ bến đò Chiểu Dương (thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường) nhìn sang thành phố Việt Trì giờ chỉ còn bãi cát trắng nổi. Hai tháng nay, bến đò Chiểu Dương phải chuyển xuống phía dưới cách bến cũ gần 500m (thuộc địa phận xã Tản Hồng) để đưa khách sang sông.

Nếu như trước đây, khi nước chưa cạn, từ bến đò Chiểu Dương sang Việt Trì chỉ mất 10-15 phút, nay do bãi nổi chắn luồng lạch, lái đò phải chạy vòng xuống phía thôn La Thiện, xã Tản Hồng rồi vòng lên (hình chữ u) để sang Việt Trì, đi mất khoảng 45 phút, có hôm tới gần 1 tiếng. Chị Lan, người thu vé đò cho biết: “Mùa nước, chạy đò sang bên kia sông chỉ mất 1 lít xăng, nay phải mất 3 lít xăng, xăng lại tăng giá nên người lái đò gặp không ít khó khăn”.

Bà Thà, người có kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề lái đò cho biết: “Vào mùa cạn, luồng lạch ở đoạn dưới Ngã ba sông này lung tung lắm, không theo quy luật. Năm ngoái, sông Hồng cũng cạn trơ đáy nhưng vẫn có luồng để bơi sang Việt Trì. Năm nay, do hết luồng nên phải chuyển bến xuống xã Tản Hồng. Từ khi chung nhau bến, những người lái đò của hai xã phải sắp xếp lại lịch bơi, mỗi xã bơi 15 ngày, do vậy sẽ giảm lượt bơi và giảm thu nhập”.

Hiện tượng nước sông cạn ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm dịch vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, gánh gạch thuê và đánh bắt cá. Nhiều chủ tàu thở dài vì suốt từ Tết Tân Mão đến nay, tàu vẫn nằm không. Ông Trương Việt Hà - chủ tàu 40 tấn ở xã Phú Cường cho biết: “Hơn ba tháng nay, chúng tôi và những người gánh gạch đã thất nghiệp, tàu của gia đình tôi hiện bỏ không dưới bãi”.

Dân vạn chài ở xã Cổ Đô cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ phải chạy thuyền lên tận sông Lô, sông Đà để đánh bắt cá kiếm sống. Còn một số thuyền đánh bắt cá thuộc xã Phú Châu thì tụ tập ở một lạch nhỏ.

Chủ tàu Trương Việt Hà thất nghiệp vì nước cạn
Chủ tàu Trương Việt Hà thất nghiệp vì nước cạn.

Một lái tàu ở xã Phú Châu cho biết, trên sông Hồng đoạn từ xã Phú Cường, Tản Hồng, Châu Sơn, Phú Phương, Phú Châu là khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ dòng chảy của 3 con sông (sông Lô, sông Đà, sông Hồng) nên luồng lạch thay đổi theo từng ngày, tàu thuyền qua đây rất nguy hiểm.

Năm ngoái, tại khu vực xã Phú Châu có hàng chục tàu, thuyền bị mắc cạn, dày đặc cả khúc sông, có ngày tới 4-5 tàu bị đắm. Tuy không thiệt hại về người nhưng có chủ tàu mất hàng trăm triệu đồng để trục vớt tàu lên.

Theo ông Tạ Ngọc Thắng, chủ tàu ở xã Phú Châu, nếu tàu trị giá 1 tỷ đồng bị đắm thì khi thuê trục vớt phải mất tới 300 triệu đồng, chưa tính việc sửa chữa tàu. “Năm ngoái, tàu tôi chỉ chở cát khoảng 1/3 trọng tải (loại tàu 100 tấn) mà phải đi mất 7 ngày từ Phú Thọ mới về tới đây, khoảng cách chỉ có 10 km.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).