Sống mòn bên bãi rác Nam Sơn

Toàn cảnh bãi rác thải Nam Sơn.
Toàn cảnh bãi rác thải Nam Sơn.
TP - 2h sáng ở thôn Ðông Hạ. Không khí đặc quánh, mùi hôi của các loại vật chất đang phân hủy như xít lại, ộc vào mặt mũi, vào cổ họng, cực kỳ khó thở. Anh Vũ Xuân Thủy, 35 tuổi, một người dân trong thôn, bảo: “Bây giờ là cao điểm xe rác vào bãi. Chúng tôi chịu cảnh này 20 năm rồi”.

Gia đình anh Thủy là một trong khoảng 500 hộ dân của xã Nam Sơn, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động của khu liên hiệp xử lý rác Nam Sơn (Sóc Sơn Hà Nội).

Và Nam Sơn là một trong ba xã chịu ảnh hưởng môi trường từ hoạt động của bãi rác, cùng với Hồng Kỳ và Bắc Sơn, đều thuộc huyện Sóc Sơn.  Theo anh Thủy, mỗi ngày có khoảng 4.000 tấn rác thải được tập hợp về đây. Khu xử lý rác Nam Sơn bắt đầu được vận hành từ năm 1999 đến nay.

Rẽ vào con đường thuộc thôn Ðông Hạ, Nam Sơn, điều đầu tiên mà PV cảm nhận được là mùi rác thải nồng nặc. Anh Thủy nói hôm nay mát trời, mùi như thế là còn “dễ chịu”. Những hôm trời nắng to, mọi người trong thôn phải ở trong nhà, đóng kín các cửa, bịt hết các lỗ thông hơi.

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ðông chỉ cách bãi rác khoảng 100m, cả ngày phải đóng cửa, các ô thoáng đều phải bịt kín mít. Trẻ con không được cho ra ngoài vì sợ mắc bệnh. “Những ngày trời nắng 40 độ vừa rồi thì thật không thể chịu đựng nổi”, bà Ðông nói. Ba năm trước chồng bà Ðông qua đời vì ung thư phổi cấp. Người trong nhà thường xuyên bị ho, viêm da. “Ngày đã khổ, đêm còn khổ hơn vì là cao điểm xe rác hoạt động. Nằm trong nhà mà nặng mùi như đang ở giữa chuồng trâu”, bà Ðông nói.

Phía sau nhà bà Ðông, một núi rác ấy ngồn ngộn. Khu xử lý rác cho phủ bạt, nhưng mùi hôi thì không gì ngăn được.

Nhà anh Thủy, làm nghề kinh doanh máy lọc nước, chỉ cách khu xử lý rác khoảng 300m. Anh bảo, có thời điểm nắng nóng, mùi hôi phát ra quá mạnh, gia đình buộc phải sang xã Trung Giã cách nhà hơn 3km thuê nhà cho người già và trẻ em lánh nạn. “Những người còn trụ lại chỉ biết đeo khẩu trang cả ngày, vì vẫn phải làm việc kiếm ăn, không thể ru rú trong nhà mãi được”, anh nói.

Mẹ anh Thủy nói, mỗi tháng khu xử lý rác hỗ trợ 66 ngàn đồng/người đối với những ai sống trong phạm vi cách bãi rác 500m. “Cả năm mỗi người chưa được đến 2 triệu đồng, tiền mua thuốc còn không đủ”, bà nói.

Cách nay đúng một năm, người dân sống quanh khu xử lý rác Nam Sơn đã chặn các xe chở rác tiếp cận khu xử lý rác Nam Sơn, yêu cầu chính quyển xử lý rốt ráo tình trạng ô nhiễm. Trước đó cũng khoảng một năm (cuối tháng 5/2016), Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã có buổi tiếp xúc với đại diện người dân ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, chịu ảnh hưởng từ hoạt động của khu xử lý rác, sau khi vì bức xúc, người dân lại chặn xe rác.

Lúc đó, ông Chung thay mặt cá nhân, lãnh đạo thành phố cũng như người dân Hà Nội cám ơn và chia sẻ với sự hy sinh của người dân xã Nam Sơn vì lợi ích chung, vì Hà Nội xanh - sạch - đẹp khi phải sống chung với Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn. Ông hứa sẽ sớm có biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàn - Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết, mong muốn của đa số người dân sống quanh khu xử lý rác là nhanh chóng được di dời.

Theo anh Thủy , trong vài năm qua, một số người dân trong vùng bị “bần cùng hóa” vì trót theo “phong trào” xây dựng, cơi nới chờ đền bù. “Xung quanh đây toàn mái lợp tôn, khung thép. Làm gì mà nhiều thế, trong khi đâu có nhà xưởng gì”, anh nói. Theo anh, một vài hộ vay tiền ngân hàng về xây sửa cơi nới, nay mãi không thấy đền bù, nợ cứ ngày một dày…
MỚI - NÓNG