Tái định cư để thất nghiệp?

Tái định cư để thất nghiệp?
TP - Dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) kỳ vọng đổi đời sau khi dời làng Cù Dù, giao đất xây khu du lịch cao cấp Laguna. Tuy nhiên, sau hơn một năm tái định cư, cuộc sống của hàng chục hộ dân trở nên khốn khó do không còn đất canh tác, tiền hỗ trợ đền bù vơi kiệt.
Tái định cư để thất nghiệp? ảnh 1
Trưởng khu tái định cư, ông Trần Tàu: Nhà cửa khang trang nhưng nhiều người đang thất nghiệp, nguy cơ thiếu đói

Lọt giữa vùng trảng cát chói chang nắng nóng, qua tháng Chín, khu tái định cư Lộc Vĩnh vẫn hứng từng đợt cát biển thốc lên theo gió mạnh từ vịnh biển Chân Mây bay thẳng vào nhà dân. Dân Cù Dù bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi đất đai cằn cỗi, khắc nghiệt.

Khu tái định cư Lộc Vĩnh có 31 hộ dân thôn Cù Dù cũ chuyển đến, nhà cửa khang trang, nhưng tất cả nông dân không còn một tấc ruộng, chăn nuôi đình đốn. Dân sống ven biển, nhưng không biết ra khơi vì chỉ quen với con trâu, tay cày.

Hiện giờ, nhiều thanh niên lần lượt bỏ xứ tha phương tìm việc làm. Vài gia đình ngậm ngùi đóng cửa nhà mới dắt díu vào Nam kiếm sống. Cảnh tượng những nông dân trung niên suốt ngày bó gối nhìn nhau, ăn mòn tiền bồi thường hỗ trợ không có gì lạ ở nơi này.

Ông Trần Tàu, trưởng khu tái định cư, thất vọng: “Khi vận động dời sang nơi ở mới để xây khu Laguna, nông dân Cù Dù được hứa bố trí lại đất sản xuất. Giờ tất cả là hứa hão, ruộng đất không có, thiếu đói sắp tới nơi rồi”.

Tương tự, do bàn giao mặt bằng xây khu Laguna, 60 hộ dân thôn Cảnh Dương có ruộng ở Cù Dù cũng không còn một tấc đất canh tác.

Điều kiện đi lại học hành cũng trở nên khó khăn hơn đối với hàng chục học sinh. Chị Nguyễn Thị Bòng, thắc thỏm: “Hồi còn ở vùng sâu, con em có trường lớp tại chỗ hẳn hoi, nay về vùng gần, các cháu đi học xa nhà cả chục kilômét, chưa quen đi lại bằng xe đạp nên cha mẹ rất lo”.

Con trẻ nhọc nhằn chuyện học, người lớn khổ sở với cái ăn, nước uống. Bà Ngô Thị Cát, lo lắng: “Nơi ở mới phát sinh quá nhiều khoản chi phí. Ngọn rau, mớ gạo, chút chất đốt cũng phải mua, không thể tự tay làm ra như ngày xưa. Đất cấp định cư đủ làm nhà, lại quá cằn cỗi đến cây tràm, cây chổi không mọc nổi thì mần răng trồng được đám rau, nuôi con gà, con heo”.

Hơn một năm nay, dân khu tái định cư Lộc Vĩnh lội bộ từng ngày vào rừng cách nơi ở hơn ba kilômét để đèo nước khe về uống. Hộ cao tuổi, mất sức cam chịu dùng nước giếng khoan nhiễm phèn và các tạp chất sau khai thác ti tan cho sinh hoạt hàng ngày.

Giữa tháng Chín, nguồn nước máy lần đầu tiên được đưa về khu tái định cư. Gần một nửa số hộ tái định cư tiếp tục chấp nhận uống nước phèn vì tiền bồi thường không còn đủ để bắc nước máy.

Tái định cư để thất nghiệp? ảnh 2
Dân tái định cư đóng cửa đi Nam kiếm sống

Nguy cơ tái nghèo

Ông Bùi Ngọc Ga, Bí thư Đảng  ủy xã Lộc Vĩnh, thẳng thắn: “Không còn ruộng, nhiều nông dân khu tái định cư thất nghiệp, tỷ lệ kiếm việc làm ổn định sau tái định cư quá thấp, đặc biệt là những người trung niên. Dân còn chi tiêu lạm cả phần tiền dành dụm mua thêm chút đất ở (ngoài hạng mức tái định cư) vì đông con, nên cả khu tái định chỉ có hai hộ làm được sổ đỏ”.

Theo ông Ga, muốn tránh thất nghiệp, dân tái định cư cần được quan tâm đào tạo nghề gia công hàng hoá tiểu thủ công nghiệp tại chỗ. Tuy nhiên, địa phương vẫn mờ mịt trong định hướng nghề nghiệp cụ thể cho dân.

Sắp tới, tại Lộc Vĩnh có thêm 43 hộ dân tái định cư để giao đất phát triển khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và tránh sạt lở. Ông Ga cảnh báo, tình trạng thất nghiệp trên địa bàn sẽ gia tăng, do đất ở và đất sản xuất các hộ dân nơi khác cũng bị thu hồi 100 phần trăm tương tự thôn Cù Dù, quỹ đất bố trí tái sản xuất không còn. Không ruộng vườn, ao chuồng, không nghề nghiệp, dân tái định cư Lộc Vĩnh đang tiến gần trở lại với đói nghèo. 

MỚI - NÓNG