Tai nạn giao thông dai dẳng do... thiếu hiếu biết về luật

Tai nạn giao thông dai dẳng do... thiếu hiếu biết về luật
TP - Lâu nay ta cứ kêu gào mọi người tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Kêu hết năm này qua năm khác, vậy nhưng tai nạn giao thông không giảm, lại còn tăng. Đó là vì rất nhiều người đâu có hiểu luật đâu mà bảo “tự giác”?
Tai nạn giao thông dai dẳng do... thiếu hiếu biết về luật ảnh 1
Đào tạo nghiêm túc sẽ giúp giảm thiểu TNGT

Một nhóm thanh niên đi xe máy, nam có, nữ có phăm phăm định băng vào một ngã tư. Bỗng một người trong nhóm kêu lên: Ê, đường cấm, một chiều, coi chừng công an phạt!

Cả nhóm giật mình dừng lại: Đâu? Sao biết cấm? Trước mặt đó. Cái bảng đỏ có vạch trắng cắm ở góc đường sờ sờ mà không thấy à? Hả…đó là bảng báo đường một chiều? Nhiều người trong nhóm …tròn mắt vì  “hiểu biết” mới.

Thấy cảnh ấy, tôi bật cười. Ai cũng đi xe máy cả. Vậy mà cái biển báo đơn giản…vô cùng tận thế mà không “đọc” được.

Nhưng một người bạn cùng đi với tôi thì bỗng cau mày… “triết lý”: Cái bất hạnh của xã hội ta là ở chỗ đó! Lâu nay ta cứ kêu gào mọi người tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Kêu hết năm này qua năm khác, ngày nọ qua ngày kia. Vậy nhưng tai nạn giao thông không giảm, lại còn tăng. Đó là vì rất nhiều người đâu có hiểu luật đâu mà bảo “tự giác”? Ngay như mấy vị nam thanh nữ tú đó, mặt mày ai cũng sáng ngời ngời, vậy mà…

Tôi chột dạ. Ngẫm ra thì bạn tôi không phải là không có lý. Chắc chắn là không hiểu luật, không đọc được biển báo giao thông nên nhiều người đến khi bị công an thổi rồi vẫn…nhoẻn cười; vì cứ mười mươi cho rằng mình không vi phạm gì.

Rất nhiều trường hợp các đường, sau khi phân luồng, cắm biển báo, lực lượng công an vẫn phải chốt ở 2 đầu đường để nhắc nhở, tạo thói quen.

Vậy mà sau đó rất lâu, khi mà thói quen cứ ngỡ đã được tạo lập, nhưng hễ không bắt thì thôi, bắt là giờ nào cũng có người vi phạm đi ngược chiều. Trong số đó, nhiều người vi phạm không phải vì cố tình mà vì…không hiểu cái biển báo nói gì (!)

Và không chỉ riêng cái biển báo một chiều, bây giờ ra đường hỏi tốc độ tối đa trong thành phố mà họ được phép chạy là bao nhiêu? Với đường có vạch phân cách ngắt quãng, hoặc liền vạch, người điều khiển phương tiện giao thông được phép gì, không được phép gì?

Qua giao lộ, nếu có đảo giao thông thì phải nhường quyền ưu tiên cho xe từ phía nào tới; và không có đảo giao thông thì thế nào; vượt xe về phía tay phải hay tay trái; dùng còi, dùng đèn ra sao v.v…

Tôi dám đoán chắc, số người trả lời được sẽ không tới 50%. Chính vì thế mà người tham gia giao thông vi phạm luật; tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên là điều không tránh khỏi.

Vậy thì phải làm thế nào? Ngoài việc duy trì các chương trình ANGT, blog giao thông trên truyền hình, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm như hiện nay, theo chúng tôi, cần phải coi trọng việc thu hồi hoặc tạm “treo” bằng lái, buộc người vi phạm phải ôn lại luật.

Thứ nữa, các trường giao thông vận tải trong quá trình đào tạo, cấp bằng, hơn trường nào hết, cần phải đặc biệt coi trọng 2 tiêu chí trong nội hàm “4 không” mà ngành giáo dục-đào tạo phát động, đó là “nói không với tiêu cực trong thi cử và nói không với đào tạo không đạt chuẩn”.

Một giải pháp nữa mà chúng tôi nghĩ là rất hiệu quả và rất nên được nhân rộng, đó là tăng thêm thời lượng tuyên truyền, giáo dục luật giao thông ở trường học; nghiên cứu để nó trở thành những tiết học bắt buộc đối với học sinh lại càng tốt.

Không nên lo chương trình nặng và khô cứng. Bởi, nếu biết cách tổ chức thì đây là môn học không kém phần sinh động, cuốn hút và dễ ngấm. Và khi đã “ngấm” rồi thì việc chấp hành luật lệ giao thông của các thế hệ công dân tương lai sẽ rất tự nhiên.

MỚI - NÓNG