Tết buồn của bệnh nhân chạy thận

Tết buồn của bệnh nhân chạy thận
TPO - Giây phú giao thừa đã cận kề nhưng Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vẫn đông bệnh nhân như thường nhật. Với nhiều bệnh nhân suy thận mãn tính, Tết cũng như không...

Đã 4 năm lên Hà Nội chạy thận, bác Trần Thị Mai (Thanh Liêm - Hà Nam) chỉ về quê ăn tết được 2 đến 3 ngày rồi lại phải lên ngay bệnh viện. Từ ngày ốm đến giờ, chưa có năm nào bác Mai chuẩn bị được Tết cho gia đình, tất cả nhờ vào một tay chồng bác sắm sửa.

Mắt đỏ hoe, bác Mai buồn bã: “Nghĩ đến cảnh Tết mà không có mình ở nhà, chồng lủi thủi ăn Tết thì buồn lắm, nên mệt mấy cũng cố về”.

Bác Mai cho biết, trước khi về, phải chạy thận một lần. Sau đó, 5 ngày “chạy” lần kế tiếp: “Lần này mang tiếng về quê ăn tết nhưng làm gì được ăn. Bình thường cứ cách một ngày chạy thận một lần, chuyến này về quê không biết có chịu nổi không hay lại phải lên bệnh viện sớm”.

“Đáng ra sáng chạy thận nhưng mệt quá đành chuyển đến ca chiều. Chạy xong về, tôi đau nhức cả buổi. Tết nhất đau đớn về nhà mọi người khổ tâm hơn. Nhưng chả nhẽ có 3 ngày Tết lại không về” - bác Mai bộc bạch.

Để có tiền trụ lại chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai, bác Mai phải xin mỗi con viện trợ vài trăm một tháng: “Con cái có gia đình cả rồi nhưng tôi đau yếu nên cũng gánh khó khăn mệt mỏi cùng tôi”.

Cùng chung cảnh ngộ với bác Mai, bác Trần Thị Tuyến ở Bỉm Sơn - Thanh Hóa cũng gắn bó với bệnh chạy thận đã hơn 7 năm. Mỗi tuần 3 lần, mỗi tháng 12 lần, mỗi năm 144 lần chạy thận đều như vắt chanh. Tổng cộng đến thời điểm này, bác phải chịu đau đớn cả gần nghìn lần cả với những đêm mất ngủ, đau đớn.

Trong 7 năm bệnh tật, có năm bác Tuyến phải mấy lần đón tết buồn, cô đơn ở cái xóm trọ nghèo nàn và khổ sở như chính cuộc đời của những bệnh nhân chạy thận: “Có năm mệt quá không thể về quê ăn Tết được mà thấy chán vô cùng. Không ai ở lại, xóm trọ im lìm như chết. Giao thừa nằm một mình, đau nhức xương mà nước mắt cứ chảy ra. Lúc đó chỉ mong sao được về quê ngay lập tức”.

“Ngày 30 tết, tôi mới về nhà, mồng 2 lại lên Hà Nội chạy tiếp. Không biết bao giờ chúng tôi mới được đón một cái Tết yên bình, không đau đớn”, bác Tuyến vừa nói vừa khóc.

Không phải những người già tuổi như bác Mai, bác Tuyến mới khổ sở với căn bệnh suy thận mãn tính này, nhiều người trẻ còn đang đi học, sinh viên phải tạm bỏ dở để chữa bệnh.

Anh Kiên, 25 tuổi  (ở Quế Võ - Bắc Ninh) phải xa nhà lên Hà Nội chạy thận. Còn bố mẹ anh khăn gói vào Bình Dương kiếm tiền nuôi con. Tết này tôi về Bắc Ninh ăn Tết cùng anh em họ hàng.

Còn anh Học, 24 tuổi ở Nam Định ngoài giờ chạy thận trong bệnh viện thì đi đánh giày thêm: “Kiếm tiền đáng được bao nhiêu so với tiền thuốc tiền thang, đi làm cho đỡ buồn thôi chứ phần nhiều phải từ bố mẹ bán đất, chạy vạy ngược xuôi ở nhà gửi lên. Đã bốn cái Tết rồi tôi chưa thấy Tết cũng chẳng mong Tết. Mai chạy nốt lần cuối rồi về nhà cho bố mẹ đỡ buồn thôi”.

Thèm được uống một cốc nước

Tết buồn của bệnh nhân chạy thận ảnh 1
Bác Tuyến trong căn phòng trọ ngày 30 Tết. Ảnh: Đỗ Hợp.

Không cần giàu sang, không cần được ăn ngon mặc đẹp, những bệnh nhân chạy thận chỉ mong một điều duy nhất: có sức khỏe.

Bác Mai cho biết: “Năm mới, tôi chỉ mong có sức khỏe, đi chạy thận về chỉ mong không đau yếu quá, chứ không người nhà lại phải lên chăm sóc thì chết tiền. Tết nhất về mà chả làm gì được, cũng không giúp được chồng mua sắm, tôi cũng thấy áy náy lắm. Nhà mình thật nhưng sao cứ như là khách, tạt qua ở trọ vài hôm rồi lại đi…”.

“Tết nhất chỉ mong được khỏe, về quê ăn Tết lên lại chiến đấu với những ngày chạy thận dài dằng dặc mà chưa biết có ngày dừng lại. Tết, người ta làm cỗ cúng tổ tiên, đằng này mình chỉ nằm giường đợi chồng con làm cho ăn mà vẫn mệt”.

Còn Thái - một học sinh ở Thanh Ba, Phú Thọ, phải bỏ học đi chữa bệnh - lúc nào cũng mong muốn được về nhà, ở bên gia đình: “Dù năm nào em cũng về đón Tết muộn nhưng phải về. Kể cả về nhà một ngày cũng phải về chứ. Về cho gia đình vui vẻ, cả nhà một năm mới có ngày Tết”.

Dù biết chắc rằng về sẽ mệt nhưng nhiều bệnh nhân chạy thận vẫn cố gắng về quê ăn Tết: “Bình thường cách một ngày chạy một ngày nên còn đỡ đau, đằng này về nghỉ cả 4 ngày không được chạy. Mặt khác, không được ăn hoa quả, không được ăn nhiều chất đạm, không được uống nước. Tất cả đều được bác sỹ nói rõ ràng. Nhiều bệnh nhân chạy thận vì thèm một miếng hoa quả mà phải đi cấp cứu đấy” - Thái tâm sự.

Còn bác Mai đón nhận cái Tết cũng chẳng vui vẻ: Ngoài đau đớn về bệnh tật thì người chạy thận khổ trăm bề. Nhiều lúc thèm uống một cốc nước cho thỏa thích cũng có được đâu”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.