Tết phố đầu tiên của làng phong

Tết phố đầu tiên của làng phong
TP - Sau chuyến di dân lịch sử vào tháng 8-2012, làng phong Hòa Vân chuyển vào nơi ở mới tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Mấy chục năm gắn bó với dải đất nằm giữa biển dưới chân đèo Hải Vân, nay dân làng phong đang chuẩn bị đón cái tết đầu tiên nơi phố phường.

> 22 năm dạy chữ ở làng phong
> Tết cuối ở làng phong
> Khắc khoải làng phong

Háo hức

Chúng tôi đến nơi ở mới của dân làng phong vào một sáng ấm trời, những dãy nhà san sát rộn tiếng cười trẻ nhỏ, mấy cụ già đưa ghế ra hành lang ngồi nói chuyện bên những ấm trà. Dường như họ đã bắt nhịp được cuộc sống giữa phố thị mà mới ngày nào, đó là nỗi lo không của riêng ai.

Còn chưa đầy tháng nữa là đến Tết nguyên đán - cái Tết trong đất liền đầu tiên của dân làng phong.

Cụ Bùi Thị Nhạt, hơn 30 năm sống ở làng Vân thủ thỉ: “Xa làng cũ cũng buồn, nhưng bù lại vào đây có phố xá, có không khí hơn. Vả lại hàng xóm láng giềng ở đây cả nên chắc Tết này cũng sẽ ấm cúng thôi”.

Với nhiều cụ khác thì Tết này được gần con gần cháu, không phải để chúng lặn lội từ trong này ra thăm.

Hằng năm, dân làng phong vẫn chuẩn bị Tết như mọi nơi, nhưng họ chỉ quanh quẩn trong khu làng ba bề sóng biển, không đi đâu xa bởi còn mặc cảm với cộng đồng. Nay định cư trong đất liền, nỗi mặc cảm ấy không còn nữa, nhất là khi nghĩ đến con cháu mình. Anh Lê Thanh Tâm, 37 tuổi, tâm sự: “Mấy đứa nhỏ nhà tui rất mừng, vì sắp được đón Tết ở đây”.

Vào đất liền, dân làng Vân vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các tổ chức từ thiện từ nhiều nơi đến tặng quà, thăm hỏi.

Ông Phạm Trưng, cán bộ Ban Văn hóa xã hội UBND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Làng phong mới vẫn luôn là điểm đến ưu tiên trong các đợt ủng hộ vì người nghèo. Tết này, ngoài việc phát quà, chúng tôi sẽ tổ chức gặp mặt, chào cờ đầu năm tại nhà sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các trò chơi để bà con hòa nhập, không thấy buồn khi xa nơi ở cũ. Để có không khí hơn, chúng tôi khuyến khích mỗi gia đình mua một chậu hoa đặt trước nhà”.

Và còn muôn mối lo toan

Bên lò than đang nhóm dở, bà Mai Thị Thối nhớ lại những ngày Tết nơi làng cũ: “Năm mô cũng rứa, chừ là làng tui lục đục chuẩn bị chọn lứa heo ngon thịt nhất để mổ cả làng chia nhau. Rồi gói bánh chưng, gà vịt nhà nuôi cũng thoải mái hơn..., bây chừ vô đây một chút chi cũng phải mua”. Cụ Thối nói riêng và nhiều cụ nữa phải nhận “chi viện” từ con cháu mới đủ sống.

Khoản trợ cấp hơn 400 ngàn đồng/người/tháng cùng tiền đền bù đất là nguồn sống qua ngày của người dân. Nhiều hộ “sợ” Tết bởi trăm thứ phải lo, trong khi không có nguồn thu. Khi còn ở làng Vân, thanh niên trai tráng đi biển, phụ nữ người già ở nhà làm ruộng, chăn nuôi, Tết nào cũng có hàng mang ra chợ bán để sắm sửa.

Vợ chồng anh Nguyễn Đức, chị Nguyễn Thị Hường đang khấp khởi lo cho ba đứa con nhỏ khi Tết đang đến gần: “Vợ chồng tui răng cũng được, nhưng ba đứa con còn nhỏ quá, ít thì cũng phải cho mỗi đứa một bộ đồ mới chứ. Từ ngày vô đây, hai vợ chồng thất nghiệp, thỉnh thoảng đẹp trời mới ra làng cũ đi biển kiếm mớ cá về bán đủ tiền ăn hằng ngày thôi”.

Những gia đình còn lại cũng ngập ngừng đón cái Tết đô thị đầu tiên với tâm trạng như lời cụ Nguyễn Thị Lê, người sống ở làng Vân từ năm 1968 kể: “Không sắm sửa chi nhiều, đĩa hạt dưa với đòn bánh cúng tổ tiên thôi. Giờ được ở gần đường, Tết xe cộ chạy rộn ràng, con cháu được đi đó đi đây chứ không lủi thủi như ngoài kia là hạnh phúc lắm rồi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG