Thả bò trong di tích quốc gia

Thả bò trong di tích quốc gia
TP - Lăng Dinh Hương (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) là di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận từ năm 1965.
Bò gặm cỏ trong lăng Dinh Hương
Bò gặm cỏ trong lăng Dinh Hương.

Lăng được xây dựng từ năm 1727, trong lăng lưu giữ thi hài Quận công La Quý Hầu. Do có nhiều công lao với triều đình, năm 1754 ông được vua phong là Phúc thần trung cẩn đại vương. Lăng Dinh Hương do chính ông xây dựng tại quê nhà khi còn sống.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, quần thể lăng Dinh Hương là một kiệt tác nghệ thuật chế tác đá của thế kỷ 18 và là một công trình điêu khắc đá tiêu biểu hạng nhất ở Bắc Giang cũng như cả vùng Kinh Bắc. Nét độc đáo của các cổ vật trong lăng chính là các họa tiết được chạm khắc tỉ mỉ, sống động, thể hiện tài năng về điêu khắc của người Việt xưa cùng sự bố trí, sắp xếp khoa học giữa các khu vực trong lăng.

Theo khuynh hướng nghệ thuật tả thực, các tượng quan, người hầu và con vật trong lăng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc và tỉa công phu. Đặc biệt, với việc chú trọng vào cách tạo khối trên thân ngựa và các biểu hiện trên khuôn mặt người, đôi tượng quan giữ ngựa ngay trước lăng được chạm khắc sống động, đậm chất hiện thực. Nhiều tượng người và vật ở đây đã được xây dựng phiên bản để đặt tại Bảo tàng Bắc Giang.

Tượng voi phục bị vẽ bậy
Tượng voi phục bị vẽ bậy.

Ông Nguyễn Văn Độ, trưởng thôn Dinh Hương cho biết: Lăng Dinh Hương là biểu tượng tâm linh của cả xã Đức Thắng và một số xã lân cận như Danh Thắng, Thường Thắng. Hằng năm, vào ngày giỗ của Quận công La Qúy Hầu, làng đều mở hội to, thu hút hàng nghìn khách tham quan, vãn cảnh.

Lăng Dinh Hương hiện không người trông coi, không có cánh cổng. Ở khu thờ tự, cây dại chen chúc mọc trên những phiến đá ong hàng trăm năm. Trong khu mộ táng, nơi lưu giữ thi hài La Qúy Hầu, cỏ và cây dại mọc cao quá đầu người. Bên ngoài, cỏ cũng mọc um tùm, bò thả tự do, phóng uế khắp nơi.

Trên các tượng người, tượng voi trong lăng vốn rất đẹp bị viết nhằng nhịt bằng bút xóa. Nhiều tượng bị vỡ, phải đắp lại bằng xi măng. Ông Độ cho biết thêm, trước đây tường bao xung quanh đều bằng đá ong nhưng sau đó bị nhiều người lấy về xây nhà.

Cách đây 6 năm, được Ban quản lý di tích lịch sử tỉnh cho 60 triệu đồng mới có tiền xây được một nửa tường bao xung quanh. Trước lăng còn có một chiếc hồ rộng, gọi là hồ Lăng được kè bằng đá, nay cũng không còn lớp đá này. Khoảng năm 1979, khu mộ táng còn bị kẻ gian đào xới, lật cả áo quan của người chết để tìm cổ vật.

Gần đây, có nhiều người đến xem và định lấy luôn mấy bức tượng nữ quan, may mà người dân phát hiện kịp thời. Sau đó, thôn phải đổ bê tông ngay dưới đế các bức tượng này để giữ mới khỏi mất.

Ông Nguyễn Văn Luận, một người dân trong thôn cho rằng, lăng không được bảo vệ tương xứng với vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của nó. Ông đã đi nhiều nơi nhưng chưa từng thấy một di tích quốc gia nào lại không có người bảo vệ, trông nom như lăng Dinh Hương.

Toàn bộ diện tích đất trong lăng thậm chí còn cho người dân đấu thầu để trồng vải thiều. Còn trưởng thôn Độ thừa nhận, người dân trong thôn không có tiền nên cũng không thể đóng góp, tu bổ và cử người trông coi lăng một cách thường xuyên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG