Thả thuốc sâu bắt tôm cá

Thả thuốc sâu bắt tôm cá
TP - Tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, hai năm qua, xuất hiện một số người lén lút ném thuốc sâu xuống sông Vàng, sông Trót và nhiều suối tại xã Trà Kót bắt tôm, cá. 

“Cứ về thôn 2B, mọi người sẽ thấy có mấy thanh niên dùng thuốc trừ sâu đổ xuống sông cho tôm cay mắt, bò vào sát bờ rồi bắt về bán hoặc để nhậu!” -  Anh Đỗ Văn Beo, trú thôn 2B, xã Trà Kót cho biết.

Cách trung tâm huyện lỵ Bắc Trà My chừng 40 km, chúng tôi có mặt tại làng Trà Kót, nơi có dòng sông Vàng, sông Trót.

“Việc đánh bắt tôm, cá bằng cách đổ thuốc sâu xuống sông là có thật, một số thanh niên bị xử phạt hành chính. Còn gần đây chúng tôi chưa nghe bà con phản ánh nên không biết” - Ông Huỳnh Tấn Bường, Bí thư Đảng ủy Xã Trà Kót nói.

“Giờ mà đánh bắt số lượng nhiều thì không còn cá nữa đâu. Cách đây hai năm tui từng đổ bốn gói thuốc sâu Actara (loại một gram/bao - PV) xuống sông Vàng và bắt được năm kg tôm một lúc dễ như trở bàn tay. Nhưng để làm được việc đó phải đợi, canh lúc nắng nóng, nước trong, khi ấy dễ phát hiện tôm. Tất nhiên, người đánh trộm cá, tôm bằng thuốc sâu cũng phải đợi lúc vắng người, kể cả vào ban đêm để tránh bị cán bộ phát hiện” - Anh Beo khoe.

Chúng tôi theo chân các thủ lĩnh diệt tôm xuống lãnh địa mới phát hiện có nhiều tôm, cá còn sót lại của hai con sông Trót và sông Vàng. Ở đây, nhóm thanh niên có sẵn trong tay hai gói thuốc sâu mang nhãn hiệu Actara và Risopla II.

Đến những đoạn sông có nhiều tôm, chưa từng bị xả thuốc dù chỉ một, hai lần, nhóm thanh niên hòa tan bao thuốc trừ sâu với phân hữu cơ. Đem ra đổ giữa dòng sông, lên bờ ngồi chờ.

Khoảng 5-10 phút sau, những chú tôm kềnh bắt đầu lừ đừ và bò vào sát bờ sông. Đây cũng là lúc mọi người nhảy ra rà soát dọc hai phía bờ sông nhặt tôm, cá không còn khả năng di chuyển. Chiến lợi phẩm sau chuyến đi khoảng nửa kg tôm và, trong nháy mắt, đoạn sông hơn trăm mét nhuốm màu thuốc.

Cấp cứu để mang đi tiêu thụ

Như biết được sự độc hại của thuốc, các tôm tặc nhanh chóng  cấp cứu những chú tôm đang lừ đừ kia. “Cho một nắm muối hột hòa tan với 0,5 lít nước, sau đó cho tôm vào ngâm trong khoảng 5-10 phút, rồi vớt ra rửa lại bằng nước sạch. Có thể chế biến tùy ý, hoặc mang ra chợ là có đồng ra đồng vào ngay” - Chị Trần Thị Mai, xã Trà Kót, cho biết.

Hỏi về địa chỉ bán thuốc sâu dùng bắt tôm, anh Beo hồ hởi : “Cứ ra mấy cửa hàng tạp hóa ở trung tâm xã, nhưng phải bảo với chủ quán bán cho loại thuốc bắt tôm chứ đừng nói thuốc sâu mà họ đưa nhầm thuốc phun lúa. Thuốc phun lúa không đủ độ mạnh để bắt tôm, cá”.

Hỏi một quán tạp hóa loại thuốc mang nhãn hiệu mà đám thanh niên nói, thì nghe bảo đã hết : “Cứ mạnh dạn đi, chỉ mười mấy ngàn có đáng là mấy. Một chai loại này mà em đổ xuống sông thì được cả mấy kg tôm, lời quá rồi” - Chủ quán sốt sắng.

Tình trạng đánh bắt tôm cá dọc theo các con sông, suối bằng thuốc sâu không chỉ ở Trà Kót mà lan rộng đến nhiều xã của huyện  bắc Trà My. Một quan chức chính quyền xã nói: “Thấy họ bỏ thuốc xuống sông để bắt tôm cá nhưng không biết là thuốc gì”.

Các sông nêu trên là nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cho không ít cư dân địa phương, nhất là những gia đình không có giếng phải dùng nước sông để sinh hoạt hằng ngày.

MỚI - NÓNG