Thư gửi ông Liên Bộ

Thư gửi ông Liên Bộ
TP - Gần đây mỗi khi xăng dầu tăng giá, người tiêu dùng thường được nghe qua phương tiện thông tin đại chúng ông Liên Bộ giải thích.
Thư gửi ông Liên Bộ ảnh 1
Dân đổ xô mua xăng khi xăng dầu rục rịch tăng giá.  Ảnh: Hoàng Hà

Tháng Bảy năm ngoái, khi giá xăng nhảy vọt lên 19.000 đồng/lít, qua tivi ông Liên Bộ an ủi người tiêu dùng giá đó “vẫn còn thấp hơn ở Campuchia 3.000 đồng/lít”. Gần đây khi tăng giá xăng lên 14.200 đồng/lít, khi nghe chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, người tiêu dùng lại được nghe: “Vẫn thấp hơn giá xăng ở Campuchia”.

Ông thích lấy số liệu ra so sánh, nhưng chỉ so sánh với những nước có lợi cho doanh nghiệp xăng dầu. Nếu so sánh giá xăng dầu của ta với giá cả ở Malaysia, Indonesia, Venezuela hoặc Mỹ…  thì có hay hơn không?

Tôi cảm thấy băn khoăn với những lời giải thích lúc thì “lên giá để chống buôn lậu qua biên giới”, khi thì không xuống giá để trích lập quỹ nọ, quỹ kia và để doanh nghiệp bù lỗ trước đó.

Không rõ do quan hệ nhân quả hay còn do nguyên nhân nào khác mà các lĩnh vực không do Nhà nước quản lý cũng tìm cách lách luật: “Ông lên được, thì tôi cũng lên được”, “do ông lên mà tôi phải tăng chi phí”, đẩy giá lên bất hợp lý.

Lĩnh vực giá cả ở ta đang hình thành hai cực chính: Cực giá cao ngất ngưởng hoặc đắt nhất thế giới thì người tiêu dùng Việt Nam phải chịu. Còn cực kia, bị kiện là bán phá giá, thì chỉ người tiêu dùng nước ngoài được lợi.

Ai đã đi ô tô qua các nước trong Cộng đồng Châu Âu (EC) đều nhận thấy giá xăng ở Áo và Lúcxămbua thấp hơn hẳn giá xăng ở các nước xung quanh, cho dù biên giới quốc gia thông thương, không có sự ngăn cách, giống như mốc giới giữa các tỉnh ở ta.

Dân ở các nước khác gần biên giới với hai nước trên vẫn thường đánh ô tô sang mua đầy bình xăng về (tất nhiên là không đổ vào can, vào túi nylon để buôn lậu như ở ta). Vì sao vậy?

Còn nhớ chuyện giá bán một số loại lịch mà hầu như gia đình Việt Nam nào cũng liên quan. Chỉ xin dẫn chứng một loại phổ biến là blốc lịch đại (khổ 20,5cmx14,5cm) in màu.

Từ năm 2006 về trước, năm nào cũng được nghe về sự thương lượng gay go, không thành công giữa cơ quan quản lý và các nhà xuất bản về việc phân bổ số lượng lịch được in, trong đó có blốc lịch đại. Cơ quan quản lý cứ khăng khăng “Nếu không có sự phân bổ số lượng, sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa, lãng phí giấy!”. Kết quả, khi đó ở Hà Nội, người tiêu dùng phải mua 44.000đ/blốc lịch đại.

Năm 2006, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xin rút ra, tự làm, tự chịu. Năm 2007 giá chỉ còn 34.000 đồng/blốc. Đến năm 2008, 2009 còn 29.000 - 30.000 đồng/blốc. Đấy mới thực sự là người tiêu dùng được hưởng lợi.

Hiện nay chín ông xăng dầu chiếm có một phần mười thị phần sợ ông xăng dầu lớn chiếm hơn một nửa thị phần như sợ cọp. Câu chuyện xem ra còn xấu hơn việc dàn xếp in lịch những năm trước đây nhiều.

Thủ đô Bangkok, Thái Lan, có hai hệ thống đường giao thông. Một hệ thống giao thông quốc gia do nhà nước xây dựng, xe cộ đi trên đó không mất tiền. Một hệ thống đường cao tốc, thường do tư nhân, do vay vốn hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng, đi vào hệ thống này phải mất tiền. Người tham gia giao thông (ô tô) được quyền lựa chọn mất tiền đi đường tốt hơn hoặc không mất tiền đi đường kém hơn.

Ở ta, dù là cao tốc hay không, xe cộ đã qua trạm thu phí, dù chỉ mất chục mét rồi rẽ vào đường làng,  vẫn phải mất tiền. Trạm thu phí thì quá nhiều, quá dầy.

Cũng do độc quyền, đặc quyền này mà ở tất cả các đường nhánh của đường thu phí, đều dựng lên những khối bê tông, cột bê tông hoặc trạm phụ với một, hai nhân viên thu tiền khi có ô tô rẽ vào, dù số tiền thu được đó không chắc có đủ tiền đầu tư cho trạm và trả lương cho nhân viên ở đó hay không.

Người tiêu dùng chưa nhìn thấy rõ cái lợi cụ thể khi nhà máy lọc dầu Dung Quất cho ra sản phẩm, so với trước đây khi ta chưa có nhà máy lọc dầu.

Trong khi đó, người tiêu dùng đang thấy rất rõ cảnh thu nhập còn thấp mà phải chịu nhiều loại giá cao ngất ngưởng, đắt nhất thế giới như thuốc chữa bệnh, sữa, đường, giấy và nhiều hàng hóa khác nữa, cũng như chịu nhiều loại phí, lệ phí, phí chồng lên phí như phí qua xăng dầu và phí qua trạm thu phí ?

Nguyễn Xuân
(Số B28 KH-ĐT, ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội)

MỚI - NÓNG