Thu nhập đi đường “cặp táp” thì thu hồi tài sản tham nhũng thế nào?

“Các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường “cặp táp”, của chìm của nổi, nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để kê biên. Thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong đời sống xã hội, làm cho công tác nhận diện tài sản tham nhũng là rất khó khăn...”- TS. Dương Thanh Biểu đặt vấn đề.

Trao đổi với PV , TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, công cuộc đấu tranh đối với các loại tội tham nhũng đã thu được những kết quả quan trọng. Nhiều vụ đại án đã được đưa ra xét xử, đáp ứng mong muốn của nhân dân, thể hiện tinh thần đấu tranh “không có vùng cấm”. Tuy nhiên việc thu hồi tài sản sau các đại án vẫn để lại những dấu hỏi đáng lo.

- Cụ thể là gì, thưa ông?

- Theo số liệu vừa qua, các vụ án tham nhũng đã gây thiệt hại 1.521 tỷ đồng và 77.057 m2 đất, nhưng mới thu hồi được 329 tỷ, 314.000 USD và 3700 m2 đất (về tiền thì đã thu hồi đạt 22%, về đất đạt khoảng 4,8%).

Báo cáo 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng cũng cho thấy, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát, thu hồi được.

Chúng ta đã từng nghe báo chí nêu nhiều vụ án tham nhũng, nhất là các vụ đại án vừa qua, Tòa án tuyên buộc bị cáo phải bồi thường rất lớn nhưng chẳng thu hồi được bao nhiêu.

Vụ án Vinashin trước đây, tòa án tuyên các bị cáo phải bồi thường 1.000 tỷ, trong đó Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch Vinashin) phải bồi thường thiệt hại cho Vinashin hơn 500 tỷ đồng, nhưng đến nay thi hành được rất ít ỏi.

Toà cũng từng tuyên Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Vinalines phải bồi thường cho Vinalines 110 tỷ đồng và lãi trả chậm, nhưng đến nay mới thi hành được trên 21 tỷ đồng. Cách đây không lâu cơ quan thi hành án dân sự Hà Nội còn ra quyết định chưa thu hồi được số tiền trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng vì “đã hết tài sản”.

Trong đại án liên quan đến “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM có khoảng 9.000 tỷ đồng không có khả năng thi hành án...

Và gần nhất, trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vừa kết thúc xét xử sơ thẩm cách đây ít ngày, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN bị TAND Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù và buộc bồi thường 600 tỷ đồng; 6 bị cáo khác liên đới bồi thường 200 tỷ đồng cũng chắc chắn sẽ khiến cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn.

Thu nhập đi đường “cặp táp” thì thu hồi tài sản tham nhũng thế nào? ảnh 1 Ông Đinh La Thăng tại một phiên toà (Ảnh: TTXVN).

- Trả lời báo chí, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nhiều lần nhấn mạnh rằng các vụ án đó không có tài sản bị kê biên, phong toả trong quá trình điều tra, truy tố. Vì thế khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án dân sự rất vất vả để xác minh, thu hồi tài sản; nhiều vụ án phải thu hồi số tiền rất lớn nhưng không có tài sản đảm bảo, hoặc có rất ít ỏi. Còn theo ông, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất?

- Theo tôi tình trạng trên đây có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất: Việc quản lý tài sản của cán bộ, công chức còn bất cập. Số liệu của năm 2017 cho thấy tới trên 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016). Kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, phản ánh của báo chí cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.

Với số liệu này nhiều người chưa thật sự hài lòng về kết quả kê khai tài sản đối với tài sản của cán bộ, công chức. Chính vì vậy, chúng ta phải định hướng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần minh bạch hóa các giao dịch kinh tế và phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, việc quản lý đồng tiền của chúng ta còn lỏng lẻo, các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường “cặp táp”, của chìm của nổi, nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để kê biên. Thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong đời sống xã hội, làm cho công tác nhận diện tài sản tham nhũng là rất khó khăn...

Thứ ba, việc kê biên tài sản của bị can, bị cáo trong các vụ án gây thiệt hại lớn đến tài sản nhà nước. Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự quy định về kê biên tài sản chưa phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể tại Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chỉ mới quy định về điều kiện kê biên, thẩm quyền và các giai đoạn kê biện. Trong lúc đó, luật không quy định nghĩa vụ, trách nhiệm kê biện và những điều kiện bắt buộc phải kê biên. Cho nên thực tiễn cho thấy còn rất nhiều trường hợp không được kê biên. Khi tòa án tuyên buộc bị cáo phải bồi thường tài sản, nhưng các cơ quan pháp luật không biết thi hành thế nào.

Các vụ án Vinashin, Vinalines,... trước đây không thu hồi được tài sản cũng có nguyên nhân là không kê biên, phong tỏa tài sản. Gần đây, TAND TP Hà Nội tuyên buộc ông Đinh La Thăng phải bồi thường 630 tỷ đồng trong hai vụ án nhưng Đinh La Thăng không bị kê biên tài sản thì không hiểu sau này, khi bản án có hiệu lực việc thu hồi tài sản số tiền rất lớn đó sẽ như thế nào!

Thu nhập đi đường “cặp táp” thì thu hồi tài sản tham nhũng thế nào? ảnh 2 Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình phải thi hành án 500 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ nộp lại rất ít ỏi.

- Ông có kiến nghị giải pháp gì để khắc phục ngay tình trạng trên?

- Chúng ta cần coi trọng việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Nếu không thu hồi tài sản được thì công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không đạt yêu cầu như mong muốn.

Cho nên, tôi kiến nghị cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 với tinh thần: Vụ án nào gây thiệt hại về tài sản là bắt buộc phải kê biên, phong tỏa tài sản từ lúc khởi tố vụ án, thậm chí trước khi khởi tố mà có căn cứ tẩu tán tài sản thì phải tiến hành kê biên.

Ví dụ, khi có đơn tố cáo, người bị tố cáo gấp rút tẩu tán tài sản để chạy trốn thì phải tiến hành kê biên, phong tỏa tài sản. Nếu vì lý do không kê biên tài sản để bị can bị cáo tẩu tán tài sản thì cơ quan và người tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm.

Hơn nữa, cần hoàn thiện chính sách pháp hoàn thiện về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức theo hướng mở rộng đối tượng kê khai và phải thực hiện việc công khai, minh bạch cho nhân dân, nhất là nhân dân nơi cư trú của người bị kê biên tài sản. Đây là biện pháp góp phần giúp việc kê khai tài sản đúng thực chất và xử lý nghiêm túc những người không trung thực khi tiến hành kê khai tài sản.

Đồng thời cần nghiên cứu hoàn thiệt pháp luật, hạn chế sử dụng tiền mặt như hiện nay, nhằm phù hợp với định hướng của Nhà nước về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần minh bạch hóa các giao dịch kinh tế và phòng, chống tham nhũng.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.