Thừa Thiên - Huế: Ào ạt chặt rừng phòng hộ

Thừa Thiên - Huế: Ào ạt chặt rừng phòng hộ
TP - Khi nghe tin có thêm một khu du lịch đầm phá Tam Giang chuẩn bị triển khai, người dân ven biển Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) ra tay triệt hạ rừng phòng hộ ven biển không thương tiếc.
Thừa Thiên - Huế: Ào ạt chặt rừng phòng hộ ảnh 1
Bị đào bới tận gốc, cây rừng phòng hộ ven biển Phú Thuận hết khả năng tái sinh

Bắt ngày, chặt đêm

Rừng phi lao hơn hai mươi năm tuổi ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận bị đốn hạ la liệt từ ba tuần nay. Dân ven biển đua nhau triệt hạ cây rừng chống cát bay, cát nhảy xâm thực vì lo ngại giá đền bù rẻ mạt (7.000 đồng/cây phi lao) giống hai năm trước, khi khu du lịch đầm phá Tam Giang (tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng) chuẩn bị triển khai tại vùng rừng phòng hộ, khu dân cư ven biển và các ốc đảo trên đầm phá thuộc xã Phú Thuận.

Thậm chí, cơ hội tái sinh của hàng trăm gốc phi lao bị đốn hạ ven biển Phú Thuận cũng hoàn toàn bị triệt tiêu, khi dân đào luôn cả gốc đem về làm củi. Nhiều mảng rừng phòng hộ do bị đào bới tận gốc rễ trở nên nham nhở hầm, hố, gia tăng hiểm họa sạt lở bờ biển và nạn cát bay, cát nhảy.

Đưa chúng tôi ra vạt rừng vừa bị phá, ông Ngô Cầu (thôn Hòa Duân) so sánh: “Mỗi cây phi lao giá đền bù chỉ bảy ngàn đồng, còn bán ra ngoài làm củi được hơn 200 ngàn đồng, dân đua nhau chặt làm củi”.

Ông Nguyễn Dài (trên 80 tuổi) thản nhiên: “Cây tui trồng, giá đền bù quá thấp, chừ chặt làm củi bán mua gạo”. Rừng phi lao do dân tự trồng trên đất màu hàng chục năm trước nhưng lại thuộc vành đai phòng hộ bờ biển. Bởi thế rừng được quản lý bởi kiểm lâm và chính quyền địa phương, muốn khai thác phải có sự đồng ý và hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Được phân công cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nguyễn Văn Chường - xã đội trưởng xã Phú Thuận - cũng chỉ khái quát cây rừng bị chặt phá nhiều ngày nay, số lượng lớn, lực lượng chức năng truy bắt ban ngày, dân lén lút chặt rừng vào ban đêm.

Rừng bị phá diện rộng, xảy ra nhiều ngày, nhưng mới có hai trường hợp vi phạm bị phát hiện xử phạt hành chính, buộc trồng lại cây non.

Trở tay không kịp

Ông Hà Xuân Tuấn - kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Phú Vang – trao đổi  với phóng viên Tiền Phong sáng 8/4, do phụ trách nhiều địa bàn dàn trải hơn 30 km, một kiểm lâm không thể kiểm soát hết tình hình; rừng ven biển được hàng trăm hộ dân chăm sóc, khi một vài trường hợp chặt cây, kéo theo nhiều người ồ ạt tàn phá, kiểm lâm không trở tay kịp.

Xã đội trưởng Nguyễn Văn Chường cho biết, địa phương đang kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh mức giá đền bù, hỗ trợ cây cối, tài sản cho dân; tìm hướng giải quyết việc làm, phương cách mưu sinh thích hợp sau khi giao đất sản xuất và nơi ở cho dự án du lịch. Tuy nhiên, ông Chường không biết chắc nay mai ngư dân trong vùng làm gì để sống sau khi treo thuyền gác lưới.

Mặt khác quá trình kê khai đền bù tài sản cho dân vùng dự án, kiểm lâm không được mời tham gia để có phương án bảo vệ; khi rừng bị phá, lực lượng này lại phải gánh.

Đền bù giá thấp, người có rừng lo thiệt thòi đã đành. Nhiều hộ dân lâu nay yên ổn sau những tán rừng phi lao ngút ngàn cũng ngày đêm nơm nớp sợ hãi hiểm họa ngoài biển khơi thình lình ập vào.

Lâu nay, bờ biển Hòa Duân trở thành trọng điểm phòng chống lụt bão hàng năm của tỉnh Thừa Thiên - Huế, là điểm nóng xâm thực biển. Rừng phòng hộ bị chặt phá, mối lo tăng gấp bội.

Bà Nguyễn Thị Bặm (thôn Hòa Duân) phấp phỏng: “Từ ngày rừng bị chặt trụi, gió ngoài biển thổi thẳng vào nhà làm mái lợp, cột kèo rung bần bật, cát bay tứ tung”.

Ngư dân Phan Tiến thì lo xa: “Tụi tui sợ không còn đường ra biển làm nghề cá kiếm sống khi dự án du lịch ôm hết các bờ bãi, ốc đảo, ao đầm và khu dân cư. Ngư dân làm nghề biển, nuôi tôm cá phía trong đầm phá cũng sẽ giải nghệ hàng loạt”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG