Thừa Thiên Huế: Gia tăng trẻ suy dinh dưỡng vì lũ

Thừa Thiên Huế: Gia tăng trẻ suy dinh dưỡng vì lũ
TPO - “Năm nào cũng mưa lũ, ngập úng, nên trẻ con trong xã suy dinh dưỡng rất nhiều. Suốt đợt lũ có khi cả nhà gặm mì tôm chứ có gì ăn đâu.” – Chủ tịch UBND xã Phú Hồ thở dài.

Chúng tôi tới xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi được mệnh danh là rốn lũ của cả tỉnh – khi đợt lũ thứ 5 trong năm vừa đi qua.

Được ngày nước rút, Trung tâm Y tế xã tổ chức đợt uống vitamin A và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi. Gọi là nước rút, nhưng mới chỉ là rút khỏi nhà.

Đường tới Trung tâm Y tế xã Phú Hồ hai bên vẫn là những cánh đồng ngập trắng trong nước. Trước cửa Trung tâm, một vài vạt rau muống – loại rau được trồng phổ biến tại đây do dễ sống - vàng ủng, còi cọc do ngâm nước quá lâu. Mưa vẫn lắc rắc lạnh buốt trên những mái nhà ngói lô xô còn chưa kịp sửa lại.

Bế đứa con nhỏ ngủ gà gật trên tay, chị Nguyễn Thị Hằng, 32 tuổi, thôn Si Lỗ Đông, có mặt tại Trung tâm Y tế xã từ sáng sớm. Nghe nói xã tổ chức uống vitamin A và phát viên đa vi chất, chị mừng lắm.

“Mong có thêm chút gì cho con chứ đời sống cực khổ lắm. Từ tháng Ba tới nay nhà lúc nào cũng thiếu ăn. Nước ngập vào nhà, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên một cái sạp tre bắc tạm, củi không có mà đun. Cả nhà chỉ ăn cháo và mì cua (mì tôm) được phát, thỉnh thoảng có tiền mới mua thịt ăn.” – Chị Hằng cho biết.

Chồng chị Hằng đi làm thợ nề, bữa nào nắng thì có việc, mưa lũ lại nghỉ dài.

Chị Nguyễn Thị Kim, 30 tuổi, thông Đông Chánh, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang kể chuyện phải chèo đò đi lấy rơm mang về đun vất vả thế nào. Nấu nướng khó khăn nên đứa nhỏ chủ yếu ăn cháo ăn liền. 9 tháng tuổi mà cháu nặng chỉ 6kg, được xác định là suy dinh dưỡng độ một.

Hỏi có cho con uống sữa không, chị Kim lắc đầu buồn. Bữa nhiều lắm cả nhà mới tiêu hết 9000đ tiền thức ăn, bình thường có gì ăn nấy, lấy tiền đâu mua sữa.

Thừa Thiên Huế: Gia tăng trẻ suy dinh dưỡng vì lũ ảnh 1
Cán bộ Y tế xã Phú Hồ hướng dẫn người dân sử dụng Cloramin B để khử khuẩn nước. Ảnh: Mỹ Hằng.

Ông Đặng Khắc Cáu, Chủ tịch UBND xã Phú Hồ, cho biết, 5 đợt lũ vừa qua, toàn xã có 80 hộ bị nước ngập vào nhà. Có nhà bị ngập tới 1,5m, phải bắc sạp để ngủ, nấu ăn cũng trên đó. Do nước ngập nên mì gói trở thành thực phẩm chủ yếu.

Chính quyền địa phương đã cố gắng trợ giúp lương thực, thực phẩm cho dân với 9 tấn gạo và 30 ngàn gói mì tôm phát đến từng hộ gia đình, nhưng do nước ngập quá lâu nên nhiều hộ vẫn không tránh khỏi cảnh thiếu ăn.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng ước tính thiệt hại của toàn xã sau 5 đợt lũ lên tới 2 tỷ đồng. 

Cuối tháng 11/2007, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Huế và Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, tổ chức phát vitamin A và viên đa vi chất cho trẻ dưới 5 tuổi tại xã Phú Hồ, huyện Phú Vang. Đây được đánh giá là xã vùng sâu có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng khá cao.

Ngập lụt khiến khó nấu ăn, tắm giặt đã đành, khâu vệ sinh cũng lắm phiền toái. Nhìn ra ruộng nước mênh mông, chị Hồ Thị Phương, 30 tuổi, thôn Di Đông, trần tình: “Thì chống sào đi ra xa nhà để giải quyết chứ còn biết đi đâu!”.

Nhà nào ngập cũng trong cảnh “chống xào ra xa nhà” để “giải quyết” nên bệnh tật là không tránh khỏi. Con chị Hồ Thị Phương 20 tháng tuổi vừa mới nhập viện 10 ngày do tiêu chảy cấp. Hiện giờ bé cân nặng có 9kg, được xác định suy dinh dưỡng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, thừa nhận, xã Phú Hồ có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất huyện Phú Vang.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở độ tuổi dưới 5 tính đến tháng 6/2007 là 24%; tỷ lệ bà mẹ mang thai suy dinh dưỡng là 1/84. Thôn Trung An có tỷ lệ bà mẹ và trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất, 33%.

“Điều này phản ánh vấn đề nuôi dưỡng của gia đình đối với trẻ, đặc biệt trong những ngày lũ, là chưa đảm bảo.” – Ông Quang khẳng định.

Cũng do đây là vùng trũng, ngập lụt nhiều, tỷ lệ chị em mắc bệnh phụ khoa rất cao. “Do hay bị viêm nhiễm nên nhiều chị cứ đặt vòng rồi lại tháo vòng khiến tỷ lệ sinh con thứ ba chiếm tới 60% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ” – Một cán bộ Trung tâm Y tế xã cho biết.

Sau đợt lũ, chính quyền xã đã phát 3000 viên Cloramin B cho dân để khử trùng nguồn nước. Nhưng với 8 thôn, 4500 dân, mỗi viên Cloramin B khử trùng được cho khoảng 25l nước thì con số này vẫn quá ít ỏi.

MỚI - NÓNG