Thủy điện nhỏ và vừa ở Lai Châu: 'Loạn' dự án sai phép, xâm hại rừng

Chủ đầu tư Dự án Thủy điện Mường Kim II tự ý đào hầm xuyên qua quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông
Chủ đầu tư Dự án Thủy điện Mường Kim II tự ý đào hầm xuyên qua quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông
TP - Với việc cấp phép tràn lan, nhiều dự án thủy điện nhỏ và vừa ở Lai Châu đang phải điều chỉnh lại quy hoạch hoặc chờ xin ý kiến của Chính phủ do xâm hại diện tích rừng phòng hộ. Một số dự án thi công khi chưa có đầy đủ giấy phép, doanh nghiệp tự ý đào hầm xuyên qua quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, nổ mìn gây lún nứt hàng chục nhà dân.

Sau cấp phép, hàng chục thủy điện nhỏ phải điều chỉnh

Lai Châu được xem là một trong những tỉnh có hệ thống thủy điện nhỏ và vừa dày đặc nhất cả nước. Tính từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có 71 công trình thủy điện được phê duyệt chứng nhận đầu tư, trong đó, gần 20 công trình đã hoàn thành và phát điện, các công trình còn lại đang được xây dựng, hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai. 

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, nhiều công trình thủy điện chưa đầy đủ giấy phép đã vội vã thi công, nổ mìn khoan đá, tận dụng vật liệu xây dựng, gây lún nứt nhà dân, xâm hại diện tích rừng phòng hộ. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu cho hay, có 6 dự án đang gặp vướng mắc vì một phần diện tích làm thủy điện xâm hại đến rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Những dự án này muốn hoạt động được phải chờ xin phép Chính phủ hoặc tỉnh điều chỉnh diện tích. Đó là các dự án: Dự án Thủy điện Nậm Củm 1 công suất 10MW của Cty Cổ phần năng lượng Nậm Củm 1, làm ảnh hưởng 1,52ha rừng sản xuất và 6,09ha rừng phòng hộ; Dự án Thủy điện Nậm Củm 2 có công suất 13MW của Cty Cổ phần phát triển điện Mường Tè, ảnh hưởng hơn 5ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ; Dự án Thủy điện Nậm Củm 3 công suất 35MW của Cty Cổ phần phát triển điện Mường Tè, có hơn 16ha rừng sản xuất bị ảnh hưởng; Dự án Thủy điện Nậm Cuổi có công suất 11MW của Công ty Cổ phần thủy điện Nậm Cuổi. Dự án này ảnh hưởng tới hơn 13ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ…

Các công trình thủy điện nhỏ và vừa trên được quy hoạch từ năm 2015, trước thời điểm Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được ban hành ngày 12/1/2017.

Theo một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Lai Châu, các dự án thủy điện này muốn được triển khai phải điều chỉnh diện tích hoặc phải được Chính phủ cho phép, theo Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư. 

Đào hầm xuyên quốc lộ, nổ mìn bừa bãi

Nhà máy Thủy điện Mường Kim II có công suất thiết kế 10,5MW do Cty Cổ phần Thủy điện Than Uyên làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên suối Nậm Kim (bản Ngã Ba, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) và được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 133, ngày 7/2/2018.

Thủy điện nhỏ và vừa ở Lai Châu: 'Loạn' dự án sai phép, xâm hại rừng ảnh 1 Photo: ..

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, đơn vị thi công dự án này đã tự ý đào một đường hầm ngang xuyên qua Quốc lộ 32 để lấy nước từ suối Nậm Kim vào đường ống trong lòng núi. Tuy nhiên, việc này chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng, cao nhất là Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Lê Anh Xuân, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) Lai Châu cho biết, đến nay đơn vị chưa cấp phép để công trình thủy điện Mường Kim II đào hầm xuyên ngang Quốc lộ 32. “Dự án này đã qua tay 3 chủ đầu tư, được cấp phép đào hầm xuyên Quốc lộ 32 rồi nhưng đơn vị thi công làm sai vị trí nên mới ra chuyện. Bây giờ, họ phải xin Tổng cục Đường bộ cấp phép lại, đến nay vẫn chưa thấy phản hồi”, ông Xuân cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tháng 6/2019, thanh tra của sở này cũng đã lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu dừng thi công Thủy điện Mường Kim II (hạng mục xây dựng nhà máy và đập đầu mối sát taluy âm của Quốc lộ 32). Tuy nhiên, công trình này vẫn tiếp tục được xây dựng và đến nay, Nhà máy thủy điện Mường Kim II đã phát điện.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thắng, cán bộ phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Lai Châu) cho biết: “Tháng 7/2019, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Lai Châu do lãnh đạo Sở Công Thương Lai Châu chủ trì tiếp tục kiểm tra lại toàn bộ công trình này. Những hạng mục vi phạm đã được chốt trong văn bản và xử phạt theo quy định. Về việc khắc phục hậu quả do đào hầm xuyên Quốc lộ 32, chủ đầu tư đã làm đơn xin gia hạn để chờ Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét cấp phép cho hạng mục này”.

Khi được hỏi, tại sao cơ quan chức năng xử phạt và cưỡng chế rồi nhưng DN vẫn thi công và đến nay nhà máy đã phát điện? Ông Thắng cho biết: “Việc này không thuộc trách nhiệm quản lý của chúng tôi”. 

Một số dự án thủy điện khác của tỉnh Lai Châu do ảnh hưởng đến rừng tự nhiên nên chủ đầu tư đang phải xin ý kiến các ngành của tỉnh để chuyển đổi rừng tự nhiên sang loại đất làm thủy điện nhỏ. Đó là các dự án: Thủy điện Nậm Cấu Thượng, xã Bum Tở, công suất lắp máy 20 MW, nhà đầu tư là Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển An Việt Lai Châu. Dự án thủy điện Nậm Ma tại xã Mù Cả, công suất 4 MW, nhà đầu tư là Cty cổ phần thủy điện Pắc Ma…

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.