Tiệm giày đặc biệt của ông Ánh

Ông Phạm Ánh chỉnh những đôi giày “kỳ quái” trong tiệm giày sau lưng bệnh viện. (ảnh lớn) Những chiếc giày “thiếu trước hụt sau” do ông Ánh đóng cho người bệnh phong. (ảnh nhỏ). Ảnh: Thanh Trần.
Ông Phạm Ánh chỉnh những đôi giày “kỳ quái” trong tiệm giày sau lưng bệnh viện. (ảnh lớn) Những chiếc giày “thiếu trước hụt sau” do ông Ánh đóng cho người bệnh phong. (ảnh nhỏ). Ảnh: Thanh Trần.
TP - 15 năm nay, ông Phạm Ánh gắn bó với việc đóng giày cho bệnh nhân phong ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Hàng trăm đôi giày của người thợ âm thầm này đã nâng niu từng bước đi cho những người không may mắn.

Thợ giày độc nhất của người phong Đà Nẵng

Căn phòng nhỏ nằm phía cuối bệnh viện xộc lên mùi cồn lẫn mùi keo nồng nặc, ông Ánh cặm cụi ngồi kiểm tra lại các thiết bị điện vừa hỏng hóc. Người đàn ông ngoài 50 tuổi với dáng người “xương xương” nở nụ cười hiền từ, nói tiếng Quảng Nam đặc sệt: “Chỗ ni cũng là chỗ tui đóng giày cho họ đây”.

Ngày trước, ông là thợ điện nước tại làng phong dưới chân đèo Hải Vân, đến năm 2003 thì chuyển vào làm thiết bị y tế, điện nước cho Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, rồi được cử đi học đóng giày cho người phong ở Bệnh viện phong - da liễu Trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Mấy năm đầu, ông cùng một người nữa đảm trách việc đóng giày cho người bệnh toàn Đà Nẵng, cho tới năm 2006, “đồng nghiệp” nghỉ chỉ còn mình ông gắn bó với những đôi giày “chẳng giống ai” đến tận bây giờ. Vừa nhắc lại chuyện, ông vừa gật gù coi đó là mối duyên nợ với người bệnh phong.

Soạn ra trước mặt chúng tôi hàng chục đôi giày với hình thù “kỳ quái”, có chiếc trông như quả bóng nhựa xẹp hơi, chiếc như con thuyền sắp lật vì bên thấp bên cao, ông Ánh bảo mỗi người một chân một cỡ một tổn thương riêng nên chẳng có đôi nào giống nhau. Đóng giày này không khó, tuy nhiên phải kỹ từng ly, trật một chút người ta chẳng mang được. Điều mà mỗi thợ đóng giày phong như ông đều thuộc nằm lòng là không được quên quai hậu vì lỡ chân người bệnh mất cảm giác đánh rơi giày khi nào chẳng hay. Với những đôi chân bị ảnh hưởng nhẹ, chỉ cần đo, vẽ chân lên giấy rồi căn theo vậy mà đóng. Còn chân đã biến dạng nặng, mất hết ngón, lệch xương thì phải dùng khuôn bột, tức là bó bột bàn chân, sau đó xẻ ra đổ thạch cao vào cho cứng rồi đóng giày theo chân giả. Làm khuôn bột thì trúng phóc, mỗi tội tốn công. “Còn thêm một loại giày mà người đang điều trị vết thương rất cần, giày “thiếu trước hụt sau”. Nếu họ bị thương ở phần ngón thì tui chỉ đóng phần từ lòng bàn chân trở lui. Còn bị thương gót thì ngược lại. Giày này họ mang đến khi vết thương lành thì thôi”, ông nói.

 Thời mới vào nghề mỗi năm ông đóng gần trăm đôi, mấy năm trở lại đây chỉ năm sáu chục. Người phong tại bệnh viện hay điều trị ở nhà đều mang giày từ tiệm ông Ánh, bởi ngoài thị trường không có nơi nào chuyên đóng  giày đặc dụng này. Ông đùa vì mình là thợ giày độc nhất nên chân người phong khắp 56 xã phường ông còn thuộc hơn cả chân mình.

Không thương xót, khó nên giày

15 năm ròng rã, ông tự nhủ lòng dù nghề tay trái thôi cũng phải có tâm. Đóng giày không chỉ là đóng, là may, là dán cho nên hình hài mà phải hết sức tinh tế, căn vào tình trạng từng đôi chân để chọn từng cái quai thật mềm, làm đế thiệt cứng và chịu bám tốt, rồi khoét cả lỗ giảm áp lực ngay lòng bàn chân giúp họ đỡ đau. Những đôi chân “quéo” theo từng tháng từng năm, ông linh động tận dụng vật tư còn dư đóng thêm cho họ dù tiêu chuẩn mỗi người chỉ được hai đôi một năm.

Thời gian đóng giày chủ yếu tranh thủ khi việc chính thư thư, đóng xong ông đem tới tận nhà từng người bệnh giao. “Dù mệt tới mấy mà nhìn họ ướm vô chân rồi khen “giày chú Ánh đóng đi êm ru” là tui quên sạch. Mấy người chạy xe thồ, xích lô, hay di chuyển nhiều, nếu không có giày này thì không cách nào đi lại nhanh nhẹn cả. Tui có thời gian ở với họ ngoài làng Vân, biết họ đều khổ phải lao đi làm, mà càng làm càng bệnh nặng, rứa nên tui xót họ lắm, mình tự thúc mình gắng đóng giày thiệt tốt coi như chia bớt khó nhọc từ đôi chân với họ”, ông thủ thỉ.

Trong vô số những người mang giày từ “tiệm”, ông Ánh kể về cụ Phạm Ch. (quận Cẩm Lệ) với đôi mắt còn đầy tiếc nuối. Chân cụ cụt toàn bộ ngón, lệch vẹo qua một bên, cụ đã mang tới mười mấy đôi giày của ông đóng, nhưng đến đôi khuôn bột tỉ mẩn từng ly mới đây thì chưa kịp xỏ vào. “Tui đóng xong rồi, chưa kịp giao thì cụ đi….”. Những câu chuyện bỏ lửng như thế còn nhiều. Thành thử ông thường bứt rứt khi người bệnh thúc đóng nhanh, dù lỗi tại công việc không có nhiều thời gian hay vật tư chưa về kịp. Đôi ba lần, người thợ đóng giày này cũng bị người bệnh coi như nỗi ám ảnh, vì tiếp xúc với ông, mang giày ông đóng chẳng khác gì ra hiệu “tui bị phong” cho người ta biết. Nhưng ông chưa một lần trách móc, vì hơn ai hết ông hiểu nỗi mặc cảm của họ. “Tui chỉ mong họ hiểu tui tới để giúp họ bảo vệ đôi chân của mình, mong họ mang giày để chân bớt đau. Tui vẫn sẽ cố hết sức để bất kỳ người bệnh nào cần, tui đều có thể trao chọ họ đôi giày như ý”, ông trải lòng.

Bác sĩ Văn Kim Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cho hay việc đóng giày phù hợp với tình trạng từng đôi chân giúp người bệnh bớt tổn thương, tạo sự thuận lợi trong quá trình điều trị, phục hồi cũng như sinh hoạt đời thường. Ngoài ra, những đôi giày đặc biệt này còn giúp người bệnh tự tin hơn khi di chuyển. 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.