Tiền hỗ trợ lao động thất nghiệp đi đâu?

Nhiều lao động thất nghiệp trong danh sách này không đi học nhưng tiền đào tạo nghề vẫn được duyệt chi
Nhiều lao động thất nghiệp trong danh sách này không đi học nhưng tiền đào tạo nghề vẫn được duyệt chi
TP - Tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nhiều trường hợp lao động thất nghiệp không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ các khóa đào tạo nghề được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sau khi mất việc nhưng trên sổ sách thể hiện tiền vẫn được chi đủ.   

Không học vẫn chi tiền

Tại Bắc Giang, lần theo danh sách ông Nguyễn Văn Huế, GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh Bắc Giang, cung cấp, phóng viên chọn ngẫu nhiên 3 trường hợp thì có 2 trường hợp không đi học nhưng vẫn được duyệt chi. 

Chị N. T. M  (huyện Hiệp Hòa) có quyết định hỗ trợ học nghề vào tháng 10/2017. Khi TTDVVL tỉnh Bắc Giang giới thiệu chị đến cơ sở đào tạo, thấy quá xa nơi ở nên chị xin rút hồ sơ. Thế nhưng, chị vẫn có tên trong danh sách chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề. “Trung tâm đào tạo cách nhà tôi 50 - 60 cây số nên tôi chủ động xin dừng đi học nghề. Tôi có liên hệ với TTDVVL Bắc Giang để xin nghỉ từ thời điểm trước khi ra quyết định hưởng trợ cấp đào tạo nghề”, chị M khẳng định.

Anh N.V.M (huyện Hiệp Hòa) có quyết định hỗ trợ học nghề từ 1/2017. Mặc dù có đăng ký đi học nghề lái xe, nhưng anh M xác nhận với phóng viên rằng anh không đến cơ sở đào tạo học dù chỉ một buổi. Vậy nhưng TTDVVL tỉnh Bắc Giang vẫn đưa tên anh M vào danh sách những người nhận hỗ trợ toàn khóa học. Kiểm tra tại danh sách của BHXH Bắc Giang (cơ quan trực tiếp chi trả) cho thấy, cả hai trường hợp trên đã được chi trả kinh phí hỗ trợ học nghề.

Tại Bắc Ninh, trong năm 2017, toàn tỉnh có hơn 570 người lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; sáu tháng đầu năm 2018, số lao động được hỗ trợ học nghề là hơn 630 người. Cũng như Bắc Giang, địa phương này cũng xuất hiện nhiều trường hợp không học nghề nhưng vẫn được làm hồ sơ thanh toán từ tiền Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. 

Chị T.T.D (thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, Tiên Du) đăng ký học lái xe từ tháng 1 tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Bắc Hà. TTDVVL tỉnh Bắc Ninh cho hay, chị T được đề xuất hỗ trợ toàn bộ khóa học (3 tháng) là 3 triệu đồng. Tuy nhiên, chị D khẳng định với phóng viên: “Tôi chỉ đăng ký qua cổng thông tin điện tử của TTDVVL tỉnh Bắc Ninh học nghề vào thời điểm trước Tết Nguyên đán năm 2017. Nhưng sau đó không được thông báo về khóa học và thực tế tôi cũng không đi buổi nào”.

Chị N. T. H (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong) đăng ký tham gia lớp học nghề tin học, thời gian học từ tháng 3/2017 tại TTDVVL tỉnh Bắc Ninh. Chị chỉ học 2- 3 buổi đầu khóa học, sau đó thì dừng hẳn. Thế nhưng, trong danh sách của TTDVVL Bắc Ninh vẫn đề xuất duyệt chi cho chị là 2,8 triệu đồng cho khóa học 3 tháng.  Anh V. N. H  (ở phố Vũ, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) chỉ học 4- 5 buổi nghề tin học, nhưng TTDVVL tỉnh Bắc Ninh vẫn đưa anh vào danh sách để cơ quan BHXH chi mức hỗ trợ cho cả khóa học của anh là 2,8 triệu đồng.

Đơn vị lập danh sách là TTDVVL nhưng đơn vị chi tiền là Bảo hiểm xã hội tỉnh (quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ở cấp tỉnh). Sau nhiều lần hẹn gặp để xác minh 3 trường hợp trên, Bảo hiểm xã hội Bắc Ninh cho hay, chị N.T. H ở thị trấn Chờ đã được bảo hiểm chi trả 1,9 triệu đồng (chị H chỉ mới học 2 buổi). Còn trường hợp chị T.T. D và anh V.N.H thì BHXH Bắc Ninh nói rằng, chưa nhận được hồ sơ. Tuy nhiên, bà Ngô Thị Hải Thanh, Phó GĐTTDVVL tỉnh Bắc Ninh, nói rằng đã chuyển hồ sơ sang BHXH Bắc Ninh.

Lao động không ký vẫn chi tiền

Lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH cho hay, hồ sơ và danh sách lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề do TTDVVL các tỉnh đưa lên lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH ký duyệt rồi chuyển cho các cơ sở  đào tạo theo từng nghề. Danh sách đề nghị chi trả tiền hỗ trợ học nghề được các cơ sở dạy nghề lập, phải có đầy đủ chữ ký của học viên mới được đưa sang cơ quan BHXH thẩm định và duyệt chi. Sau đó, số tiền này được chuyển thẳng cho các cơ sở đào tạo cho các học viên. Mỗi buổi học, học viên phải ký xác nhận, đồng thời việc nhận tiền chi trả đào tạo cũng phải có chữ ký của từng học viên. Quy trình chặt chẽ là vậy nhưng các trường hợp chi không có đối tượng học vẫn xảy ra như trên. 

Bà Ngô Thị Hải Thanh, Phó GĐTTDVVL Bắc Ninh, cho biết, các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm quản lý học viên đi học thực tế, còn TTDVVL khó có thể đi kiểm tra xem học viên có đi học hay không. Việc thanh tra và kiểm tra số buổi học thực thực tế do thanh tra của Sở LĐ-TB&XH kết hợp với BHXH thực hiện.

MỚI - NÓNG