Tiền phong với thuở ban đầu của tôi

Tiền phong với thuở ban đầu của tôi
TP- Tôi không còn nhớ mình đã đến với Tiền phong từ lúc nào, nhưng trên bước đường đến với văn chương của tôi, Tiền phong đã cắm một “cột mốc” không thể nào quên.
Tiền phong với thuở ban đầu của tôi ảnh 1
Một phần bài giới thiệu tập ký sự “Vì sự sống con đường” đăng trên Tiền phong năm 1968

Tròn 40 năm trước - năm 1968, cuốn sách đầu tay của tôi (tập ký sự Vì sự sống con đường) viết về cuộc chiến đấu anh hùng trên đường 12A được NXB Thanh niên ấn hành. Ngay lập tức, anh Hồ Xuân Sơn đã viết bài giới thiệu cuốn sách trên báo Tiền phong với sự ưu ái đặc biệt.

Đã đành, sự ưu ái ấy trước hết là do con đường 12A lên đèo Mụ Dạ ở miền Tây Quảng Bình - Đoạn đầu mối quan trọng nhất của đường Hồ Chí Minh lúc đó, nổi tiếng không chỉ trong nước mà trên cả thế giới với rất nhiều các anh hùng và đơn vị anh hùng (trong đó có Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thị Kim Huế, đại đội TNXP 759, tiểu đoàn 2 công binh…); trước đó, năm 1967, báo Tiền phong đã dành cả 1 trang lớn đăng bài của tôi viết về đại đội TXNP anh hùng 759.

Sự động viên kịp thời của báo Tiền phong với một “lính mới” trên văn đàn chưa mấy ai biết tên tuổi như tôi, nghệ thuật thì còn non nớt, đã góp phần thúc đẩy tôi tiếp bước trên con đường văn chương đòi hỏi rất nhiều công phu và không ít thử thách.

Cho đến nay, tôi vẫn cất giữ trang báo cũ ố vàng có bài viết về cuốn sách đầu tay ấy như là một kỷ niệm đẹp trong bước chập chững đến với văn chương của mình.

Không chỉ với tôi, trong nhiều năm qua, báo Tiền phong đã luôn quan tâm đến đội ngũ sáng tác trẻ, tổ chức cuộc thi nhằm phát hiện những cây bút mới.

Còn nhớ 20 năm trước, khi Tô Nhuận Vỹ và tôi còn làm tạp chí Sông Hương, chúng tôi đã có lần gặp Tổng biên tập báo Tiền phong để bàn phối hợp trong việc giúp đỡ những “Trang viết đầu tay”… thì Tiền phong cũng luôn kiên định thái độ ủng hộ những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật, ngay cả khi nó chưa được nhiều người đồng tình.

Những sáng tác của Lê Đạt, Trần Dần, Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu… và những bài viết về các tác giả này được giới thiệu trân trọng trên Tiền phong những năm gần đây đã chứng tỏ điều đó. Không phải tất cả những sáng tác và những bài viết đó đều hay, đều có giá trị, nhưng trong văn học nghệ thuật, thái độ ủng hộ những tìm tòi sáng tạo là hết sức cần thiết.

Điều đó phù hợp với tiêu chí, với bản chất của Tiền phong - Tiếng nói của những người đi trước, mở đầu… và cũng đúng với đường lối văn nghệ của Đảng. Từ nhiều năm trước, cũng như trong Nghị quyết gần đây về văn học nghệ thuật, Đảng đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tìm tòi sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Nhân nói đến vai trò của người đi trước, mở đầu… xin được “lạc đề” sang một địa hạt khác nhưng theo tôi Tiền phong rất nên quan tâm tìm cách để đột phá, “mở cửa” mạnh hơn nữa về phía Nam. Có một sự thực không nên né tránh: Đất nước đã thống nhất hơn 30 năm rồi, nhưng Tiền phong chủ yếu vẫn dành cho bạn đọc phía Bắc.

Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ mà tôi vừa có dịp vào, cũng như ngay tại TP Hồ Chí Minh, rất khó tìm được tờ Tiền phong trên các sạp báo. Đây không chỉ đơn thuần là công việc của người phát hành mà quan trọng hơn là phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ về phương hướng, nội dung tờ báo.

Thiết nghĩ, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập báo, Tiền phong đặt vấn đề hướng mạnh vào phía Nam nhiều hơn nữa là hợp thời đại và cũng là trách nhiệm của một cơ quan là tiếng nói của tuổi trẻ cả nước.

MỚI - NÓNG