Tiếp tục chia sẻ với người nghèo Tu Nim

Tiếp tục chia sẻ với người nghèo Tu Nim
TP - Sau bài “Thôn Tu Nim (Sơn Động, Bắc Giang) - Giáp Tết nhiều nhà hết gạo” và “Sẻ chia trong cơn bĩ cực” trên báo Tiền Phong, tiếp tục có thêm nhiều đơn vị hỗ trợ người dân Tu Nim gạo, tiền và quần áo đón Tết.

Đây là sự động viên mạnh mẽ để người dân nơi đây vươn lên thoát khỏi đói nghèo trong thời gian tới.

Tiếp tục chia sẻ với người nghèo Tu Nim ảnh 1
Đại diện Đoàn công tác trao tiền hỗ trợ cho hộ nghèo trong thôn


Dẫn thủy nhập điền

Khi biết tin Ngân hàng Liên Việt cùng Công đoàn báo Tiền Phong dự định lên thăm và tặng số tiền 10 triệu đồng cho đồng bào thôn Tu Nim, tôi đã gọi điện ngay cho Bí thư chi bộ thôn Mễ Văn Sệnh.

Không cần suy nghĩ lâu, ông Sệnh cho biết: “Với số tiền ấy, để tặng người dân nghèo thì họ ăn vài ngày rồi cũng hết.  Cho nên, hãy để dành tiền cho chúng tôi làm một cái ao trữ nước tạo điều kiện đủ nước tưới cho cây trồng. Đây là cách để giúp được cho tất cả người dân Tu Nim có cuộc sống ấm no hơn”.

Gần trưa ngày 5-2, đoàn chúng tôi có mặt tại nơi dự kiến sẽ đào ao để  người dân Tu Nim trữ nước. Ở đó đã có rất nhiều người dân tụ tập trước để chuẩn bị cho buổi lễ khởi công. Không băng rôn, không khẩu hiệu chào mừng nhưng trên gương mặt mỗi người đều nhận thấy rõ sự háo hức.

Ông Lý Nhân Đồng, 67 tuổi cho biết: “Tất cả cây trồng ở đây đều phải trông vào nước trời thôi à. Mùa này thì Tu Nim thiếu nước lắm. Kể cả con trâu cũng phải múc nước giếng cho nó uống. Năm vừa rồi, nhà tôi có 4 sào ruộng mà chỉ được có một gánh thóc cũng là do thiếu nước mà thôi. Cho nên được biết tin này tôi rất mừng, chắc chắn chiếc ao này sẽ giúp cho chúng tôi rất nhiều”.

Với sự thông cảm và tấm lòng sẻ chia sâu sắc, thay mặt cho hai đơn vị, bà Lư Kim Ngân, Chủ tịch công đoàn Hội sở, Giám đốc Trung tâm thanh toán (Ngân hàng Liên Việt) và nhà báo Trung Hiền (Chủ tịch Công đoàn báo Tiền Phong) đã trao tặng thôn Tu Nim số tiền 10 triệu đồng để bà con làm ao.

Bà Ngân tâm sự: “Mình ở đô thị quen, đôi khi thấy 10 triệu đồng thật nhỏ bé, nhưng về đây mới thấy đối với người dân nghèo thì số tiền ấy quý biết chừng nào”.

Theo kế hoạch của thôn, ngay ngày hôm sau sẽ thuê máy móc đồng thời huy động sức dân trong thôn đào ao để hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Ông Sệnh tính toán: “Tổng diện tích ao là một sào bốn thước, chúng tôi sẽ đào sâu thêm 1,5 m nữa, như vậy chúng tôi sẽ có hàng trăm mét khối nước dự trữ. Ngay phía dưới là công trình thuỷ lợi đang được xây dựng, chúng tôi sẽ dẫn nước về ao, mỗi lần tưới cũng được hơn chín sào. Hết nước chúng tôi lại bơm từ dưới sông lên và dùng máy bơm dã chiến tăng bo lên các ruộng thì sẽ bảo đảm cho hàng chục mẫu ruộng.

Về cây trồng chúng tôi sẽ chuyển phần lớn diện tích sang trồng ngô để bảo đảm tận dụng tối đa đất đai hiện có”. Và ông khẳng định: “Nếu thôn có khoảng chục chiếc ao như thế này, vài năm nữa chúng tôi sẽ thoát nghèo”.

Thêm nhiều tấm lòng thơm thảo

Cũng nhân dịp này, Công đoàn báo Tiền phong cũng đã dành 100 bộ quần áo dành tặng cho người dân Tu Nim. Nhà báo Nguyễn Thúy Hiền, Ban Bạn đọc, báo Tiền phong cũng gửi tặng 10 hộ nghèo nhất trong thôn, mỗi hộ 300.000 đồng.

Bà Lý Thị Phùng rưng rưng khi cầm số tiền được trao tặng. Bà cho biết, với số tiền này, Tết Canh Dần đối với bà sẽ ấm áp hơn, đủ đầy hơn rất nhiều. Đây cũng là mong ước của bà bao nhiêu năm nay.

Ông Mễ Văn Sệnh cũng cho biết: Đến nay đã có nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến thăm, tặng quà thôn Tu Nim sau khi báo Tiền Phong đưa tin về tình hình khó khăn của người dân trong thôn.

Ngoài Trung tâm thẩm mỹ Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội), Ngân hàng Liên Việt, Công đoàn báo Tiền phong đã có các đơn vị như: Cty TNHH Kiểm toán và tư vấn A&C (40, Giảng Võ, Hà Nội) ủng hộ 40 hộ gia đình trong thôn, mỗi hộ 10 kg gạo và 150 nghìn tiền mặt; Trường Trung cấp Văn hoá - thể thao và du lịch tặng 27 hộ trong thôn 80 bộ quần áo, 10 hộ nghèo nhất được hỗ trợ 240 nghìn đồng/hộ; một doanh nghiệp tư nhân tại Quảng Ninh tặng mỗi nhân khẩu trong thôn 15 kg gạo.

Ngoài ra doanh nghiệp này còn hỗ trợ các hộ một số thực phẩm thiết yếu như mì chính, bột canh… Đây thực sự là một sự sẻ chia nghĩa tình khó quên đối với người dân nghèo Tu Nim.     

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.