Tổ ấm của người khuyết tật

Tổ ấm của người khuyết tật
TP - Tổ ấm ấy không phải do Nhà nước lập ra, cũng không phải nhờ các doanh nhân, những người giàu có động lòng trắc ẩn đứng ra làm từ thiện. Nó được xây dựng bởi một phụ nữ tròn tuổi 30 với hai bàn tay trắng và hai đứa con nhỏ.
Tổ ấm của người khuyết tật ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (đứng thứ hai từ trái qua) tổ chức đám cưới cho 3 cặp (cô dâu là người khuyết tật đang làm việc tại “cơ sở Nguyễn Nga”)

Đó là cơ sở dạy nghề miễn phí cho người tàn tật của chị Nguyễn Thị Thanh Nga tức “Cơ sở Nguyễn Nga” ở TP Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.

Nguyễn Thị Thanh Nga sinh ra ở thị trấn Đập Đá, bên cạnh thành Đồ Bàn cổ kính thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Vốn là một thiếu nữ xinh đẹp nhưng hơi bướng bỉnh, học hết phổ thông Nga lấy chồng, dù cha mẹ không đồng ý.

Có với nhau hai mặt con, một gái một trai thì vợ chồng chia tay, Nga dắt con ở nhờ nhà bạn, học nghề đan len để sống tạm. Em gái bị tai nạn giao thông cụt chân, Nga đưa em đi nhiều bệnh viện.

Tiếp xúc với nhiều người không may bị khuyết tật do bom đạn, do chất độc hóa học, do đủ thứ tai nạn bất chợt mà bị thiệt thòi, mất khả năng lao động, từ đó Nga nảy ý định lập cơ sở dạy nghề đan len, thêu cho người khuyết tật, trong đó có em gái mình.

Ban đầu chỉ khoảng dăm người ở quanh thị trấn đến học. Sau đông dần, người trong tỉnh, các tỉnh lân cận cũng đến học. Tháng 7/1993, Thanh Nga dời cơ sở xuống Qui Nhơn, thu hút nhiều hơn người theo học.

Nga vừa dạy nghề vừa tổ chức sản xuất. Học thành nghề, ai muốn ở lại sản xuất với cơ sở cũng được chấp nhận, tiền lương hưởng theo sản phẩm. Một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm thêu, đan len được mở ở Qui Nhơn giúp cơ sở có thu nhập để trang trải.

Mỗi ngày người khuyết tật đến với “Cơ sở Nguyễn Nga” nhiều hơn, nhất là các em ở tuổi đi học. Từ đó, Nga nghĩ đến việc phải dạy văn hóa cho các em trước khi học nghề. Mà dạy văn hóa cho các em thiểu năng trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị là vô cùng khó.

Bản thân Nga phải đi học và cử giáo viên đi học kỹ năng dạy khiếm thính khiếm thị cho các em. Cơ sở của chị ngày càng có nhiều du khách đến thăm, nhiều tổ chức từ thiện quốc tế quan tâm giúp đỡ. Hàng năm, cơ sở cho ra đời 12.000 sản phẩm, doanh thu khoảng 360 triệu đồng.

Từ cơ sở ban đầu, Nga lập “Trung tâm câm điếc”, mỗi năm thu hút hàng chục trẻ câm điếc đến học. Nga thuê thầy dạy, tổ chức cho các em ăn ở nội trú với 140.000 đồng/em/tháng, bán trú 75.000 đồng/em/tháng nhưng gia đình các em chỉ phải đóng góp 20.000 đồng/tháng.

Coi  cơ sở chính là mái ấm của mình nên chị Nga vẫn ở chung với các em, các cháu dưới một mái nhà. Đến nay, chị đã đứng ra tổ chức 5 đám cưới cho các em khuyết tật cùng làm việc tại cơ sở, lo phòng hạnh phúc cho họ. Hiện tổ ấm của đôi vợ chồng Ánh – Tuyết mà chị Nga đứng ra tổ chức đã có một cháu gái hơn 2 tháng tuổi....

Gần 14 năm xây dựng, cơ sở Nguyễn Nga đã dạy dỗ, đào tạo cho hơn 600 người tàn tật có văn hóa, có nghề nghiệp, có việc làm và thu nhập đủ sống. Gần 200 em khác vẫn đang học tập, làm việc tại cơ sở.

Chị Nga thổ lộ: “Những chị em tật nguyền, những trẻ em câm điếc đã chiếm trọn tình cảm của tôi. Những gì tôi đã và đang làm cho họ tuy bé nhỏ nhưng thật cần thiết.

Nó cần được duy trì, phát triển ở qui mô lớn, phạm vi rộng để tạo nên cuộc sống bình đẳng, đảm bảo những quyền cơ bản của con người cho người khuyết tật. Sự nỗ lực của cơ sở không thể lâu bền nếu không có sự hỗ trợ của xã hội”.

“Cơ sở Nguyễn Nga” rất mong được sự hỗ trợ tích cực của các cấp các ngành và toàn xã hội, để nơi đây mãi là tổ ấm của những người khuyết tật.

MỚI - NÓNG