Trách nhiệm người đứng đầu: Người dân mong muốn gì?

Trách nhiệm người đứng đầu: Người dân mong muốn gì?
TP- Dự thảo Nghị định quy định chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Có khá nhiều ý kiến đã gửi về website Chính phủ để góp ý cho dự thảo nghị định này.

Điều đó thể hiện những mong muốn chính đáng của người dân trong việc hoàn thiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước một cách rõ ràng, mạch lạc góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả. Tiền phong xin trích đăng một số ý kiến:

'Bí thư Đảng cùng cấp phải chịu trách nhiệm đầu tiên'

Hiện nay theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ..., thì trong một góc độ nào đấy cơ quan quản lý nhà nước kể cả ở T.Ư và cơ sở đều có những vướng mắc mà không một đồng chí nào đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước dám đề xuất, góp ý vào các quy chế làm việc (Mối quan hệ giữa cơ quan Đảng và cơ quan hành chính).

Vì: Hiện nay, mọi hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước đều có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy cấp trên hoặc cấp tương đương.

Có một số công việc quan trọng, nhiều công việc phức tạp cấp ủy Đảng cấp trên hoặc Đảng  ủy cùng cấp chỉ đạo cụ thể cho cơ quan quản lý nhà  nước...

Khi phục tùng tổ chức thực hiện có những sai phạm thì cấp ủy Đảng chỉ điều chỉnh qua Điều lệ Đảng còn người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước  sẽ là trung tâm của sự điều chỉnh bằng pháp luật.

Theo ý kiến của tôi thì: Khi Đảng đã lãnh đạo toàn diện thì Bí thư Đảng của cấp đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì: 1/ Chọn người không có năng lực trình độ 2/ Chưa làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho đảng viên của mình 3/ Chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của cá nhân...

Chỉ khi nào tổ chức Đảng đủ mạnh (mạnh cả về đạo đức, mạnh cả về chuyên môn) để lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì các hiện tượng vi phạm sẽ giảm.

Nguyễn Lê Sơn 
63/119 đường Giáp Bát, Hà Nội

'Không nên quy định trách nhiệm của cấp phó'

Đồng ý rằng có đôi lúc chuyện sai trái cũng do cấp phó gây ra do tự ý quyết định mà không xin ý kiến lãnh đạo cấp trên nhưng  trường hợp đó rất ít.

Do vậy nếu quy định về trách nhiệm của cấp phó như dự thảo Nghị định đã nêu thì có gì đó không ổn lắm, trong khi cấp phó chỉ là người giúp việc cho người đứng đầu, mọi chuyện từ lớn đến nhỏ đều phải xin ý kiến nếu được chấp thuận mới được thực hiện.

Vậy thì theo dự thảo Nghị định này, người đứng đầu lúc bấy giờ là người có quyền lực cao nhất trong một cơ quan, đơn vị nhưng trách nhiệm thì gần như dồn cho cấp phó, vì sau khi Nghị định có hiệu lực thì chắc chắn một điều là người đứng đầu sẽ ủy quyền cho các cấp phó phụ trách từng mảng công tác trong đơn vị, còn mình thì chịu trách nhiệm chung, vậy nếu có việc gì thất bại xảy ra thì trách nhiệm chính vẫn là người cấp phó phụ trách trong khi thật sự thì không có quyền quyết định gì cả.

Như vậy, dần dần sẽ tạo ra những vị đứng đầu cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu bản lĩnh, dám làm mà không dám chịu trách nhiệm và có đôi khi còn mất đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo, vì có khi chỉ đạo không nghe hoặc làm cầm chừng vì sợ trách nhiệm (ăn lương lính ở tù quan)... dẫn đến trì trệ hơn.

Nguyễn Hoàng 
Đồng Tháp

'Cơ quan xảy ra việc nghiêm trọng nên tạm dừng công việc thủ trưởng'

Theo tôi, nếu ở cơ quan nào đó xảy ra một vấn đề nghiêm trọng thì điều cần phải làm trước tiên là đình chỉ/tạm dừng công việc của người thủ trưởng cơ quan đó.

Nếu chỉ đợi đến khi có kết luận rõ ràng mọi nguyên nhân vụ việc thì mới đình chỉ công tác của thủ trưởng cơ quan, tôi cho rằng có phần không thỏa đáng, bởi bản thân người thủ trưởng nếu vẫn còn điều hành công việc ở cơ quan thì sẽ không bao giờ chấp nhận cho việc điều tra dẫn đến các kết luận có hại cho chính bản thân mình.

Vì vậy, chỉ với lý do “đã để xảy ra vấn đề nghiêm trọng trong cơ quan” thì đã phải được coi là một lý do để quyết định đình chỉ công việc của thủ trưởng cơ quan.

Khi không có người thủ trưởng đó điều hành công việc, việc điều tra sẽ diễn ra khách quan hơn, và nếu đã có kết luận là “nguyên nhân xảy ra vụ việc không thuộc trách nhiệm của người thủ trưởng đứng đầu” thì khi đó, sự trở lại làm việc của người thủ trưởng cơ quan sẽ là rất quang minh chính đại, hợp lòng dân.

Phạm Hồng Hải
11 ngõ 59 Núi Trúc, Hà Nội

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.