Trăm năm làng ngói âm dương

Ngói máng luôn gắn bó với nhà sàn truyền thống Bắc Sơn. Ảnh: Doãn Tuấn
Ngói máng luôn gắn bó với nhà sàn truyền thống Bắc Sơn. Ảnh: Doãn Tuấn
TP - Chúng tôi đến châu (huyện - PV) Bắc Sơn khi cánh hoa đào đã bật lên sắc đỏ. Những lò ngói rực cháy ngày đêm để cho những sản phẩm riêng có của người xứ Lạng.

Ở khu căn cứ cách mạng huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), có làng sản xuất ngói âm dương tồn tại trăm năm nay.

Giữ nghề

Từ chân đèo Tam Canh gần thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn rẽ trái chưa đầy 50m xuất hiện hai bên đường san sát lán trại. Ở đó có 4 lò ngói và hơn 20 “nhà” làm ngói. Vài năm nay, hội ngói máng ở xã Long Đống- Quỳnh Sơn được thành lập, quy tụ khoảng hơn 70 hộ dân tham gia.

Ông Dương Công Hùng (SN 1964), dân tộc Tày, vui vẻ đón tiếp và hướng dẫn chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất. Trong các lán có từng hàng ngói máng thô mộc xếp đều tăm tắp đang chờ vào lò nung. Cách đó là những lò ngói rực đỏ, trên đỉnh khói tỏa như sương.

Trăm năm làng ngói âm dương ảnh 1  Cho ngói vào lò. Ảnh: Doãn Tuấn

Ông Hùng giới thiệu: Ngói âm dương (hay còn gọi là ngói máng), là vật liệu xây dựng truyền thống để lợp những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Để làm mái ngói tốt thì khâu đầu tiên phải chọn được đất. Đất sét ở Bắc Sơn mịn được thái nhỏ để loại bỏ đá sỏi, tưới nước ủ 20 ngày sao cho đất dẻo quánh. Sau đó, dùng chân người giẫm đạp để đất được trộn đều, dẻo.

“Sau khi làm dẻo, đất sẽ được những người thợ ở đây đóng vào khuôn. Người Quỳnh Sơn đã sáng tạo làm khuôn hình chữ nhật. Mỗi lần đưa đất vào khuôn có thể làm được hai viên ngói đều nhau chằn chặn”, ông Hùng nói.

“Người dân tộc Tày có câu “Mừng chắc, câu chắc, pài ngọa chắc” (mày biết, tao biết, mái ngói biết). Nghĩa là mái ngói như một nhân chứng lặng thầm, không chỉ chở che cho con người những ấm lạnh mà còn cả những vui buồn, ký ức tốt đẹp theo tháng năm”. 


Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT &DL Lạng Sơn

Quy trình làm ngói âm dương mất khá nhiều thời gian. Để hoàn thiện sản phẩm phải mất 3 - 4 tháng. Ngói được nung liên tục trong khoảng 10 ngày 10 đêm, khi nguội mới đưa ra khỏi lò.

Ông Hùng chỉ cho chúng tôi thấy mái đình Nông Lục (xã Hưng Vũ, Bắc Sơn). Nơi đây diễn ra cuộc họp quyết định phát động khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 10/1940. “Hầu hết vật liệu xây đình đều được khai thác từ chính vùng đất bản địa. Khi bước vào trong đình, mọi người cảm nhận được sự dịu mát của mái ngói âm dương Quỳnh Sơn- Long Đống. Những viên ngói có sự bền chắc hàng thập kỷ không sứt mẻ, không xô lệnh bởi thời gian, mưa bão”, ông Hùng hào hứng cho biết.

Thăng trầm

Các già làng kể lại, nghề làm ngói du nhập vào Bắc Sơn từ cuối thế kỷ 19. Người có công trong việc này là ông Lý Khoát, người xã Quỳnh Sơn. Ngày đó, ông Khoát đón hai người thợ ở tỉnh Cao Bằng về quê tìm đất xây lò làm ngói. Thật may mắn là vùng đất thuộc khu giáp ranh hai xã Long Đống và Quỳnh Sơn có loại đất sét rất phù hợp với yêu cầu, kỹ thuật làm ngói. Các nghệ nhân xưa đã mày mò học hỏi kiểu dáng mái ngói âm dương ở các huyện trong tỉnh Lạng Sơn rồi sang cả Khu tự trị dân tộc Choang Trung Quốc nghiên cứu, sau đó sáng chế ra những viên ngói âm dương đặc trưng miền sơn cước xứ Lạng.

Ông Hùng lau những giọt mồ hôi trên trán, tâm sự, làm ngói này khá nhiều công đoạn, vất vả, tốn thời gian, trong khi đó, có thời điểm người dân đổ xô sử dụng tấm lợp xi măng, ngói ta, tôn. Nhất là sau sự kiện khởi nghĩa Bắc Sơn 1940, giặc Pháp đốt phá, lùng bắt những cán bộ khởi nghĩa, trong đó có cả người thợ làm ngói nên công việc bị đình trệ một thời gian dài.

Theo người thợ già, ngói máng Long Đống - Quỳnh Sơn sản xuất bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu chưa ổn định, đội ngũ lao động lành nghề ít. Người dân Bắc Sơn lại không có kinh nghiệm quảng bá sản phẩm, khó cạnh tranh với các loại ngói hiện đại. Theo ông Hùng gần đây, loại ngói truyền thống này vẫn được nhiều người ưa chuộng nên hàng chục hộ gia đình tiếp tục sản xuất. Ông Hùng tính toán ngói âm dương hiện nay có giá bán là 1.000 đồng/viên, một ngày gia đình ông đóng được trên dưới 3 vạn viên ngói, nếu làm cật lực cũng cho thu nhập khá. Năm nay, có rất đông người mua đến từ các huyện trong tỉnh Lạng Sơn cũng như khách phương xa như  Hà Nội, Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Yên Bái, Hà Nam đến đặt hàng. Cuối năm, ngói máng Bắc Sơn sản xuất ra không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp và người dân làm công trình, nhà cửa.

Giữ gìn bản sắc

Những ngày áp Tết Canh Tý 2020, người mê mải giẫm đất, người cẩn thận cắt xén những vuông đất nhỏ. Họ trân quý mảnh đất đã làm nên hồn cốt quê hương.

Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn, cho biết, xã Quỳnh Sơn, cách trung tâm huyện Bắc Sơn 2km có tuyến đường 243 đi qua, giao thông đi lại thuận tiện, là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên đẹp, với cánh đồng bằng phẳng, dòng suối uốn lượn tạo nên phong cảnh hữu tình. Đặc biệt, làng nghề ngói máng âm dương đã thu hút sự chú ý của du khách. “Năm 2019, số lượng khách đến Bắc Sơn là trên 3.000 lượt gồm cả trong nước và khách quốc tế. Họ thường đến khu du lịch cộng đồng và làng nghề làm ngói máng Quỳnh Sơn - Long Đống. Khách được trải nghiệm quy trình làm ngói, tận tay nhào nặn những khối đất sét nâu óng, dẻo mát”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cho biết, nhờ có các làng nghề sản xuất, phát triển du lịch nên 1.844 nhân khẩu, đa số là người Tày, sống quần cư tại 6 thôn bản ở xã Quỳnh Sơn đã có cuộc sống no ấm, khá giả.

MỚI - NÓNG