Trận lũ bất thường ở Nha Trang: Con người tiếp tay cho thảm họa

Các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả trận lũ xảy ra hôm 18/11. Ảnh: C.T
Các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả trận lũ xảy ra hôm 18/11. Ảnh: C.T
TP -  “Chính con người đã tiếp tay cho thảm họa xảy ra. Nên không thể đổ cho thiên nhiên”, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Hội trưởng Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa khẳng định về thiên tai khủng khiếp bất ngờ ập xảy ra ở Nha Trang hôm 18/11. 

Ông Lộc cho rằng, thành phố Nha Trang như là một thung lũng, bốn bề được bao bọc bởi các dãy núi cao, mặt trước hướng ra biển. Đây cũng là một vị thế đẹp kích thích mắt nhìn của các nhà đầu tư. Ngày càng nhiều dự án đua nhau mọc trên các tầng cao của núi, triền đồi. Dự án nào cũng muốn “tranh giành” tận hưởng cảnh quan thiên nhiên. Chính điều này đã khiến thiên nhiên có những biến chuyển, mất liên kết ổn định bề mặt trái đất.

Theo ông Lộc, chỉ riêng trên đỉnh núi Cô Tiên đã có khoảng 15-20 dự án lớn bé mọc đan xen nhau. Thậm chí các dự án còn không phân định nổi ranh giới, vô cùng lộn xộn. Cả khu rừng phòng hộ cũng không thoát khỏi lưỡi cày của hàng chục máy xúc công trình.

“Các dự án mọc lên trên nóc thành phố như nấm, đất rừng bị xắn ra làm đường khiến thành phố không còn khả năng chống đỡ với thiên tai. Một số công trình dự báo sẽ dễ gây ra hậu quả nếu thực hiện, chúng tôi đều kiên quyết can ngăn. Như dự án Nha Trang Sao, phía mặt biển đất còn rất ít, nhưng lại muốn xây nên một dãy nhà cao tầng, mất cân bằng đường biển”, ông Lộc cho biết.

Thượng tá Lê Thanh Sơn, Trưởng ban Chỉ huy quân sự TP Nha Trang, cảnh báo khu vực gần chân núi ở TP Nha Trang còn rất nguy hiểm, rất có thể xảy ra các vụ sạt lở khác. Dưới vách núi còn nhiều hộ dân sinh sống tự phát. 

MỚI - NÓNG