Trans fat không chỉ có trong bơ thực vật

Không chỉ bơ thực vật, cả kem phết lên bánh cũng được xác định có thể chứa trans fat
Không chỉ bơ thực vật, cả kem phết lên bánh cũng được xác định có thể chứa trans fat
TP - Ngay sau khi Tiền Phong đăng bài “Tá hỏa vì quả bom trans fat” trên số 152 ngày 1-6-2010, nhiều ý kiến khác nhau được gửi về tòa soạn trong đó có ý kiến cho rằng trans fat thực ra chỉ có trong bơ thực vật và ảnh hưởng của nó đến người tiêu dùng Việt Nam là rất nhỏ.
Không chỉ bơ thực vật, cả kem phết lên bánh cũng được xác định có thể chứa trans fat
Không chỉ bơ thực vật, cả kem phết lên bánh cũng được xác định có thể chứa trans fat.

Phản hồi bài đã dẫn, một số ý kiến cho rằng trans fat thực ra chỉ có trong bơ thực vật mà thôi. Hơn nữa, do tập quán ăn uống và điều kiện kinh tế xã hội hiện tại, bơ thực vật được tiêu thụ rất ít ở Việt Nam. Bởi vậy cảnh báo về trans fat như bài trên báo Tiền Phong là “quá đáng”. Ý kiến của một nhà khoa học dự hội thảo do Báo Khoa học&Đời sống tổ chức ngày 31-5 ở Hà Nội thậm chí còn đề nghị Tiền Phong phải có bài nói lại vấn đề này.

Bài đăng trên báo Tiền Phong có đoạn “Với không ít quốc gia, cụm từ trans fat… bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa thực phẩm có sử dụng dầu thực vật”. Khảo sát sơ bộ một số cửa hàng bán thực phẩm đóng gói ở Hà Nội sáng 3-6, chúng tôi thấy có khá nhiều mặt hàng trên nhãn dinh dưỡng có ghi thành phần trans fat chứ không chỉ mặt hàng bơ thực vật (margarine).

Chẳng hạn, bỏng ngô fun popcorn của Cty Liên doanh TNHH Crown bán tại một cửa hàng ở quận Ba Đình chứa đến 4,3 gam trans fat/hộp, gấp đôi ngưỡng cho phép ở Mỹ, Đan Mạch (2 gram/sản phẩm). Một số loại bánh quy bơ của Trung Quốc, bột chiên giòn Gold Label hay kẹo dạng viên M&M của Thái Lan cũng đều công bố thành phần trans fat, v.v.

Tài liệu của Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam, cung cấp cho hội thảo nêu trên, cho thấy trans fat hay chất béo chuyển hóa không chỉ có trong bơ thực vật mà còn “có hầu hết trong các loại bánh quy, bánh nướng, bánh ngọt, khoai tây chiên, các loại thức ăn nhanh, dầu thương phẩm và đặc biệt trong shortening...

Ngoài ra còn được tìm thấy trong một lượng nhỏ nơi trữ bơ sữa, thịt và các thực phẩm khác có nguồn gốc từ động vật như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, do quá trình hydro hóa từng phần”.

Tại các nước Âu-Mỹ, nơi trans fat được cảnh báo từ bốn năm nay, người ta cũng liệt kê hàng loạt đồ ăn thức uống có nguy cơ chứa trans fat. Chẳng hạn, trang chủ www.medicinenet.com liệt kê sáu loại thực phẩm điển hình có chứa trans fat như bánh quy, bánh quy giòn, các đồ rán, khoai tây chiên, bánh rán, và thực phẩm liệt kê cuối cùng mới là bơ thực vật.

Không dừng ở đó, người ta còn liệt kê nhiều đồ ăn khác nữa thuộc nhóm nguy cơ cao chứa trans fat như kem (icing), loại dạng bột nhão thường phủ lên bánh ga tô hoặc các loại bánh, đồ ăn nhẹ đóng gói (packaged snack foods), bỏng ngô (microwave popcorn), chocolate, patisserie, mì gói, bánh trung thu. Thậm chí những thỏi cốm ngọt (nutri bars) mà quảng cáo nói là rất bổ dưỡng cũng có chứa trans fat trong đó

Tóm lại, các sản phẩm sản xuất theo lối công nghiệp, bán ở các tiệm hoặc nhà hàng, các loại thực phẩm đóng gói, hầu như đều chứa trans fat, chứ không chỉ giới hạn ở sản phẩm bơ thực vật.

Đã làm hết trách nhiệm?

Với mức sống được thay đổi đáng kể những năm qua, các đồ ăn nêu trên hầu như không còn xa lạ ở hầu hết mọi vùng quê Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến núi cao, từ gói bỏng ngô chế biến trong lò vi sóng, chiếc bánh rán, bánh trung thu, đến chiếc bánh ga tô phết kem mừng sinh nhật, v.v.

Đúng là nếu chỉ để ý đến bơ thực vật không thôi thì chưa có gì đáng lo ngại vì số lượng tiêu thụ ở Việt Nam chưa nhiều và, vì thế, việc tiêu thụ trans fat từ loại sản phẩm này cũng chưa đáng kể.

Tuy nhiên, như đã đề cập trong bài báo trước, ngay cả với bơ thực vật được nhập khẩu cũng như sản xuất tại Việt Nam, không cơ quan có trách nhiệm nào của Việt Nam trả lời được câu hỏi lượng trans fat tiêu thụ ở Việt Nam là bao nhiêu. Với các đồ ăn đã dẫn, tình hình cũng như vậy.

Ngành y tế cảnh báo về sự gia tăng các bệnh nhà giàu ở Việt Nam, vốn là một nước nghèo, những năm gần đây trong đó có tim mạch, ung thư, đột quỵ, tiểu đường dạng 2, v.v. Không thể đổ lỗi cho trans fat, hoạt chất bị quy cho là có nguy cơ cao gây các bệnh không lây trên, nhưng cũng không thể không tính đến yếu tố này, theo PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVS Thực phẩm, Bộ Y tế.

Vấn đề là các cơ quan có trách nhiệm trong khi chưa có bất cứ nghiên cứu, tìm hiểu nào về tình trạng sử dụng trans fat cũng như ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe ở Việt Nam, việc một số người cho trans fat chưa là gì ở nước ta liệu đã làm hết trách nhiệm với cộng đồng?

MỚI - NÓNG