Trò trao đổi với Thầy về đổi mới đề thi Ngữ văn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Sau khi tòa soạn đăng bài viết "Đổi mới đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2014 – chuyện bình thường" của giảng viên Đào Ngọc Đệ, tác giả của "Thư ngỏ của một giáo viên vô danh gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục" và "Dạy, học, thi văn: những điều trông thấy mà đau đớn lòng" trao đổi lại về vấn đề này.

Kính gửi Thầy ĐÀO NGỌC ĐỆ!

Quan điểm của bạn về vấn đề này, xin gửi ý kiến về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Trước tiên, em chân thành cảm ơn những góp ý thẳng thắn của Thầy. Em chính là tác giả của hai bài viết "Thư ngỏ của 'một giáo viên vô danh' gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục" và "Dạy, học, thi văn: những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Cho phép em được thưa lại về những ý kiến của Thầy và cả những ý kiến cùng phía với Thầy.

Thứ nhất: Thầy bức xúc vì người viết bài đã giấu tên, dù những "ý kiến đó là chính đáng".

Xin thưa: em xem mình là "một giáo viên vô danh"..." với hàm ý mình không phải người tiếng tăm, danh vị, vua biết mặt chúa biết tên; mà chỉ là một giáo viên bình thường, thấp cổ bé họng; là lớp người nhỏ bé nhất của hệ thống giáo dục; hằng ngày luôn được (bị) gánh nhận phần áp lực nhất (nếu như có một đổi thay nào đó dội xuống từ bên trên).

Điều đó phù hợp, thống nhất với giọng điệu và trạng thái tinh thần của bài viết: thất vọng, bất lực, bất mãn… (bạn đọc tinh ý sẽ nhận ngay ra điều này).

Thứ hai: Thầy nói : "Thời gian làm bài cũng giảm từ 180 phút xuống 150 phút”.

Dạ thưa, Thầy đã không cập nhật việc này: Thời gian làm bài thi Tốt nghiệp là 150 phút từ rất lâu rồi và năm học này thời lượng rút xuống còn 120 phút. Không hiểu việc rút ngắn thời lượng này là căn cứ vào cơ sở khoa học nào? Có quan tâm đến tính đặc thù của bộ môn không? Hay rút ngắn chỉ vì cần làm cái gì khác trước, rút ngắn để được xem là đổi mới, bất chấp cơ sở khoa học lẫn tính đặc thù của bộ môn?

Và Thầy còn nhủ: “Giảm thời gian làm bài thì tất nhiên giảm nội dung kiến thức đề thi, lo gì! ".

Chúng em không ảo tưởng đâu ạ. Căn cứ vào những đề mẫu mà các chuyên gia/chuyên viên ở cơ quan bộ đề xuất, thì khối lượng nội dung kiến thức không những không giảm, trái lại, còn tăng lên rất nhiều lần so với trước.

Thầy cho rằng : "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy bạn GV giấu tên và nhiều GV cho rằng: Việc đổi mới đề thi Văn phải “có lộ trình”! Tôi thấy các bạn không “thực tế’ chút nào”.

Em thật ngạc nhiên về ý kiến này. Bất cứ việc thay đổi lớn nào, muốn đi vào thực tiễn đời sống, không thể không có lộ trình được. Phải có lộ trình thì mới là “thực tế”.

Việc áp dụng một hình thức thi cử đào tạo trong giáo dục chỉ có thể có kết quả tốt, khi thực tế đã có sự sẵn sàng. Thực tế, phổ thông trung học trên toàn quốc năm học này chưa có được sự sẵn sàng đó (Không phải ngẫu nhiên mà giáo viên trực tiếp đứng lớp khắp trong Nam ngoài Bắc, từ thành thị đến nông thôn lại phản đổi rầm rầm như vậy?). Muốn sẵn sàng, không thể không có lộ trình. Lộ trình đơn giản là:

1) Cần thí điểm trong diện hẹp trước, rồi tổng kết, rút kinh nghiệm, kết quả có tốt mới nhân rộng ra đại trà.

2) Muốn thay đổi ở cuối năm học, thì phải có thông báo từ đầu năm học mới để cho cơ sở còn đủ thời gian chủ động chuyển hướng trong việc dạy việc học.

Thiếu các bước của lộ trình tất khó tránh khỏi hậu quả :

1) Mắc vào tình trạng cưỡng bức thực tế một cách quan liêu, ảnh hưởng đến tâm lí xã hội lẫn chất lượng giáo dục đào tạo.

2) Rơi vào tình trạng nóng vội, tùy tiện, "sơ suất" như vụ “34 ngàn tỉ đồng”; không chỉ chuốc lấy thất bại mà còn bị thiên hạ chê cười, làm “mất điểm” ngành giáo dục.

Thưa thầy, cái "lộ trình" mà em muốn nói đến là như vậy. Quyết định của những người có thẩm quyền dù có tích cực và đúng đắn đến đâu cũng không thể nóng vội, bất chấp sự ngơ ngác, hoang mang, trở tay không kịp của cả một thế hệ học trò, nhất là khi kì thi Tốt nghiệp đang cận kề. Điều đó trái với niềm tin vào cuộc sống mà văn học đã dậy chúng đấy ạ!

Thứ ba: Thầy bày tỏ "GV Văn THPT hiện nay, tôi quả thật rất không hài lòng, khi nội dung chương trình môn Văn THPT hiện hành không có gì là quá cao xa, không phức tạp, không nhiều nhặn gì, lại còn có cả sách hướng dẫn giảng dạy bộ môn được biên soạn rất chi tiết và rất nhiều tài liệu tham khảo như hiện nay, mà rất nhiều GV lại KHÔNG DẠY TỐT môn Văn! Đây là sự yếu kém rất đáng phê phán".

"GV chúng tôi phải nghiền ngẫm bài văn trong SGK, rồi tự soạn bài lên lớp, bằng… cái đầu của mình! Không có sách hướng dẫn gì hết - Tôi nhắc lại!"

Thầy ơi, vấn đề ở chỗ Thầy "nhắc lại" đấy ạ. Em không bàn đến dung lượng kiến thức. Chính sách hướng dẫn của Bộ (được xem là kiến thức chuẩn) và đáp án chi tiết đến 0,25 điểm đã khiến việc học văn trở thành nỗi "ám ảnh kinh hoàng" với trò và nỗi mệt nhọc, day dứt của người làm thầy.

Khi văn chương qui chuẩn về một cái "khung" thì đó là thứ văn chương máy móc, khô cứng, triệt tiêu tính nhân văn và cảm xúc của người tiếp nhận. Nhưng đó là thực trạng phũ phàng!

Thứ tư: Thầy có so sánh đề thi tốt nghiệp theo hướng mở với đề thi học sinh giỏi toàn miền Bắc năm 1962.

Thưa thầy: đề thi theo hướng mở là tích cực, rất đáng hoan nghênh, là việc cần và phải làm từ rất lâu rồi. Nhưng, không thể đem so sánh hai kì thi này: một dành cho học sinh giỏi (tinh hoa), một dành cho học sinh đại trà (phổ cập).

Lấy kì thi học sinh giỏi quốc gia ra làm gương để đòi hỏi một kì thi tốt nghiệp là “lệch pha” và phiến diện. Thêm nữa, từ năm 62 của thế kỉ 20 đến năm 14 của thế kỉ 21, đã có quá nhiều khác nhau trong tư duy và phương cách giáo dục rồi ạ.

Cuối cùng, đọc lời kết của Thầy, thấy giáo viên Việt Nam được đặt trên trục so sánh với hai cường quốc Singapore và Mỹ; em và các đồng nghiệp của em vô cùng chua xót: “Đổi mới thì đổi mới chứ làm sao phải lo. Công suất làm việc của giáo viên Việt Nam so với Singapore và Mỹ chưa bằng 20%. Cần phải thay đổi”. Ý kiến của bạn Trần Việt thật đáng trân trọng!".

Có lẽ, nên mời giáo viên các nước phát triển ấy sang Việt Nam: ăn cơm nước mình, hưởng lương nước mình, sống cái đời giáo viên của một trong những nước nghèo nhất thế giới, làm việc trong một môi trường không có gì là định hướng bền vững xem công suất làm việc của họ ra sao? Có khi, sau đó giáo viên Singapo và Mỹ còn tôn vinh giáo viên Việt Nam giỏi nhất thế giới (giỏi dạy, giỏi sống, giỏi chịu đựng...) Thầy nhỉ?!

Thưa Thầy, Thầy là một Giảng viên đại học, Thầy quan tâm đến tầm "vĩ mô". Còn chúng em ở tầng thấp hơn, hàng ngày thực hiện những cái "vi mô" để hoàn thành nhiệm vụ của Giáo dục. Vì thế, nếu chúng ta có những quan điểm, nhận định, trải nghiệm trái chiều nhau, âu cũng là lẽ thường.

Em không được học Thầy, nhưng trước Thầy, em xem mình là cô học trò nhỏ. Đây chính là lời giãi bày của chúng em, thế hệ giáo viên dạy văn hiện nay. Em có lời nào sơ suất, mong Thầy lượng thứ.

Kính chúc Thầy sức khoẻ và thành công!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giá, một giáo viên dạy Ngữ văn.

Học trò Nguyễn Lam Thi

MỚI - NÓNG