Trộm tiêu hoành hành trên Tây Nguyên

TP - Ngoài lo lắng về dịch bệnh, người trồng tiêu ở Tây Nguyên còn phải đối mặt nạn trộm tiêu đang hoành hành.
Trộm tiêu hoành hành trên Tây Nguyên ảnh 1

Phần gốc tiêu đã bị trộm giật hết dây

Chuẩn bị vào mùa thu hoạch tiêu, người trồng tiêu các huyện Krông Pắk, Cư Kuin, Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) vô cùng hoang mang bởi đây là thời điểm kẻ gian hái trộm, chặt tiêu lấy hạt. Trộm tiêu còn đào cả những gốc tiêu giống mới trồng. 

 
Ông Nguyễn Lệ Thắng (thôn 1/5, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) có rẫy cà phê trồng xen tiêu, với 120 trụ tiêu cao trên 6m vừa bị chặt. “Đây là tiêu đã vào tuổi kinh doanh, mỗi trụ một năm cho thu hoạch cả chục kilôgam tiêu hạt, tính theo giá hiện tại thì gia đình tôi thiệt hại khoảng 150 triệu đồng”, ông Thắng nói. Từ đầu năm đến nay, huyện Cư Kuin phát hiện hàng chục vụ trộm tiêu tại các xã Hòa Đông, Ea Tiêu, Ea Bhốk. Dây làm giống vừa trồng xuống trộm cũng không tha. Anh Đậu Văn Quý (thôn Hòa Trung, xã Hòa Đông) đầu tư 250 trụ tiêu trồng xen trong rẫy cà phê, nhưng 2 ngày sau, kẻ gian đã đào mất 187 trụ, không lâu sau, nhổ và chặt nốt số tiêu còn lại.

Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, cho biết: “Từ đầu năm 2014 đến nay, trộm đã chặt phá 437 trụ tiêu, trong đó 187 trụ kinh doanh, 250 trụ mới trồng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tiêu bị chặt phá vào ban đêm, chủ yếu là tiêu xen canh trong vườn cà phê nên rất khó phát hiện. Trước mắt, địa phương khoanh vùng đối tượng, tăng cường tuần tra và báo cáo lên huyện để có biện pháp ngăn chặn”.

Rẫy tiêu nhà anh Trần Văn Đương (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) cách nhà 5km nên anh ít khi lên rẫy, kẻ gian đã lợi dụng điểm này để đột nhập vườn trộm tiêu. “Hồi tháng 2, bọn trộm tiêu vào vườn nhà tôi lựa những trụ tiêu sai quả hái trộm mấy chục kilôgam tiêu hạt. Mấy tháng trước, nhiều gia đình còn bị trộm chặt tiêu lấy dây làm giống”, anh Đương nói. 

Trong 9 tháng đầu năm, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông xảy ra khoảng 20 vụ cắt trộm tiêu, hàng trăm trụ tiêu bị mắt cắp. Tại Gia Lai, nạn trộm tiêu chưa phổ biến, mới lác đác ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông.

Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, việc điều tra các đối tượng trộm tiêu rất khó, bởi các vườn tiêu bị trộm nhòm ngó thường nằm xa khu dân cư, hiện trường ít dấu vết. Mặt khác, người bị hại có tâm lý sợ bị trả thù, không trình báo hoặc trình báo chậm.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, người dân nên có các biện pháp tự bảo vệ vườn tiêu, khi phát hiện tiêu bị phá, sớm trình báo chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. 

MỚI - NÓNG