Dự án Di chuyển đê Cầu Dâu (Đô Lương, Nghệ An):

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
TP - Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) nói, dự án xây dựng đê không thuộc lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích đầu tư theo hình thức Xây dựng chuyển giao (BT); Sở KH&ĐT Nghệ An lại ra văn bản trình UBND tỉnh, đề nghị tỉnh giao huyện Đô Lương thực hiện theo hợp đồng dạng này.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ảnh 1

Văn bản của Sở KH&ĐT gửi UBND tỉnh  Nghệ An liên quan đến dự án đê Cầu Dâu

Đê Cầu Dâu thuộc tuyến đê Tả  Lam, vành đai xung yếu bảo vệ 415 hộ với hơn 1.600 người dân tại thị trấn Đô Lương.

Năm 2006, UBND huyện Đô Lương có tờ trình xin lập dự án đầu tư, nâng cấp đoạn đê này, dịch chuyển ra phía bờ sông Lam. Tiếp đó, ngày 18-4-2008, huyện Đô Lương có công văn số 411 gửi UBND tỉnh xin chấp thuận dự án đầu tư theo hình thức BT.

“Sau khi đê mới được đắp theo tuyến đường Hồng Lam, sẽ làm tăng giá trị quĩ đất là hơn 20 ha, tránh tình trạng vứt rác thải gây ô nhiễm môi trường, giúp dân không phải sơ tán khi có mưa lũ về và tạo cảnh quan thoáng mát, góp phần chỉnh trang đô thị”, văn bản số 411 giải trình.

Dự án, ngay từ lúc khởi động, đã có sai phạm. Ngày 18-4-2008, UBND huyện Đô Lương vừa gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh chấp thuận đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là liên danh Cty Xây dựng Tổng hợp 19-5 và Cty Cổ phần Xây dựng – Dịch vụ Tổng hợp Lam Sơn, vừa ký biên bản chấp thuận nhà đầu tư đối với hai doanh nghiệp này, trong khi UBND tỉnh chưa có ý kiến phản hồi.

Tháng 7-2008, Phó Chủ  tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi ký công văn số 4390, 4391 gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ KH&ĐT xin ý kiến triển khai xây dựng đê Cầu Dâu bằng hình thức BT.

Theo công văn 4391 ngày 11-7-2008 của UBND tỉnh Nghệ An gửi Bộ KH&ĐT, đây là dự án tương đối lớn với số vốn khoảng 130 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT trả lời bằng văn bản số 2233/BNN-ĐĐ, thống nhất chủ trương điều chỉnh đoạn đê Tả Lam, khu vực Cầu Dâu theo đề nghị của tỉnh, nhưng không đề cập đến hình thức hợp đồng BT.

Tại công văn số 6006/BKH-KTĐP&LT ngày 19-8-2008, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh phúc đáp: “Dự án xây dựng đê không thuộc lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích thực hiện đầu tư theo hình thức BT”.

Thế nhưng, tại công văn số 2346/SKH.ĐT-TĐ ngày 10-9-2008 gửi UBND tỉnh, Sở KH&ĐT Nghệ An viện dẫn công văn số 2233/BNN-ĐĐ của Bộ NN&PTNT và công văn số 6006/BKH-KTĐP&LT, cho rằng: “Việc lập dự án đầu tư di chuyển, nâng cấp đoạn đê Cầu Dâu thuộc tuyến đê Tả Lam theo hình thức BT đã được Bộ NN&PTNT nhất trí tại CV số 2233 ngày 29-7-2008; Bộ KH&ĐT có ý kiến tại công văn số 6006 ngày 19-8-2008 và Tỉnh ủy Nghệ An có ý kiến tại công văn số 1452 CV/TU ngày 30-5-2008”.

Sở KH&ĐT Nghệ An khẳng định “việc thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT đã đủ điều kiện để tiến hành các bước tiếp theo”.

Ngày 16-9-2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi ký CV số 5989/UBND-NN đồng ý cho UBND huyện Đô Lương được triển khai di chuyển, nâng cấp đoạn đê Cầu Dâu bằng hình thức BT.

Bộ NN&PTNT không đề cập đến hình thức hợp đồng BT; Bộ KH&ĐT khuyến cáo dự án đê không thuộc lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BT; công văn số 14521 CV/TU của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An cũng không có dòng nào cho phép huyện Đô Lương triển khai theo hình thức hợp đồng BT, nhưng Sở KH&ĐT viện dẫn các văn bản này để soạn thảo công văn số 2346/SKH-ĐT-TĐ trình UBND tỉnh giao cho huyện Đô Lương thực hiện theo hình thức hợp đồng dạng này. Sai phạm đó có dấu hiệu là cố ý làm trái.

MỚI - NÓNG