Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Bình: Làm gì để thuê xe đi du lịch an toàn?

TP - Vụ tai nạn giao thông (TNGT) lật xe khách tại Quảng Bình ngày 26/7 làm 15 người chết. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thuê và đi xe du lịch được an toàn? Phóng viên Tiền Phong trao đổi với ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) về vấn đề này.
Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Bình: Làm gì để thuê xe đi du lịch an toàn? ảnh 1

 Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải)

Trong vụ TNGT tại Quảng Bình vừa qua, thông tin bước đầu cho thấy lái xe chưa có bằng lái xe khách từ 30 chỗ trở lên. Vậy khi thuê xe, người thuê có nên kiểm tra trước bằng lái của lái xe?

Trong vụ việc này, lái xe Hoàng Trung Toán (27 tuổi) có thể được cấp bằng lái ô tô 30 chỗ trở lên (bằng E) nếu đáp ứng đủ điều kiện. Nhưng qua phương tiện thông tin đại chúng, bước đầu được biết, lái xe Toán mới có bằng B2 (lái xe 9 chỗ trở xuống), thì trách nhiệm trước vụ TNGT này, ngoài lái xe, còn ở đơn vị kinh doanh vận tải khi bố trí lái xe không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện. Còn khi ai đó thuê xe yêu cầu cung cấp hoặc kiểm tra bằng lái của lái xe xem có đủ điều kiện hay không, theo tôi là cần thiết để bảo đảm an toàn.

Trong vụ việc trên, trên đường đi, hành khách có hát karaoke trên xe. Theo ông, hành khách có nên hát karaoke trên xe ở những cung đường đèo dốc, ngoằn ngoèo khó đi, vì làm như vậy có thể khiến lái xe bị phân tâm?

Về luật, không cấm hành khách hát karaoke khi xe đang di chuyển. Tuy nhiên, nếu hát karaoke trên xe, có thể ít nhiều thu hút sự chú ý của lái xe nên sẽ ảnh hưởng đến an toàn của hành khách. Do vậy, để bảo đảm an toàn, chúng tôi khuyến cáo hành khách không nên hát karaoke, nhất là trên những cung đường quanh co, đèo dốc khó đi.

Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Bình: Làm gì để thuê xe đi du lịch an toàn? ảnh 2 Xe khách bị tai nạn giao thông tại Quảng Bình

Qua vụ việc này tôi cũng xin đề cập thêm, hiện nay một số xe du lịch có làm thêm dàn hát karaoke để phục vụ hành khách. Nếu xét về điều kiện phương tiện kỹ thuật là không được phép. Bởi hệ thống điện chỉ cung cấp đủ cho các thiết bị trên xe, nên khi lắp thêm thiết bị khác thì sẽ tăng công suất tiêu thụ và nếu lắp không chuẩn thì có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Trong vụ TNGT vừa xảy ra, hầu hết du khách không thắt dây an toàn nên không giảm thiểu được thương vong lẫn tử vong khi tai nạn xảy ra. Thực tế cũng cho thấy, khi ngồi phía sau, không ít người dân cũng không có thói quen thắt dây an toàn?  

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định lái xe và người ngồi phía trước phải thắt dây an toàn. Nhưng từ tháng 8/2014, Việt Nam đã gia nhập công ước về giao thông đường bộ (Công ước Viên 1968), do đó, hành khách đi xe được khuyến cáo tại những vị trí có dây an toàn, hành khách đều phải thắt dây. Nhưng gần đây, theo điểm a, khoản 3, điều 11, Nghị định 10/CP (ngày 17/1/2020), quy định xe kinh doanh vận tải (trừ xe buýt nội tỉnh) đều phải có dây an toàn tại vị trí ghế ngồi hoặc giường nằm. Nghĩa là nếu xe nào có đầy đủ dây an toàn rồi thì thôi, còn thiếu đều phải lắp thêm. Trên xe, lái xe phải có trách nhiệm nhắc hành khách thắt dây an toàn. Bên cạnh đó vào những dịp lễ tết, chúng tôi đều có văn bản đôn đốc các đơn vị trước khi làm thủ tục cho các xe rời bãi, đều phải kiểm tra, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn. Xin nói thêm, 3 vụ TNGT xe khách nghiêm trọng trong tháng 7 này (tại Kon Tum, Bình Thuận và Quảng Bình) gây thiệt hại nặng về người có phần do hành khách không thắt dây an toàn.

Cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, khi thuê xe, khách hàng nên thuê những hãng vận tải có thương hiệu, bởi ở đó có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, xe được bảo dưỡng tốt, lái xe có bằng lái chuẩn. Ngoài ra họ còn bố trí lịch trình đi cho lái xe được nghỉ ngơi thích hợp để đảm bảo an toàn cho hành khách một cách tốt nhất.

MỚI - NÓNG