Ước mơ nhỏ của cô bé bàn tay "voi"

Ước mơ nhỏ của cô bé bàn tay "voi"
TP - Trong căn nhà tuềnh toàng, ẩm mốc, vắng hơi người, hai chị em Triệu Thị Trang (13 tuổi) và Triệu Thị Trúc (7 tuổi), trú tại thôn Phai Khẩu, Cao Lộc (Lạng Sơn), thẫn thờ nhìn lên di ảnh bố mẹ. Họ ước thoát nghèo...

Chúng tôi tìm đến nhà cô bé có bàn tay voi nằm sâu hút trong thôn Phai Khẩu. Trang đang nhóm lửa nấu nồi thuốc nam, còn Trúc đi kiếm cây củi, lá khô về cho chị đun bếp. Đây là thời gian hiếm hoi, chị em ngồi bên nhau vì, trước khi nghỉ hè, ngoài thời gian đi học, các em phải phụ giúp những công việc sinh hoạt hàng ngày ở nhà bác ruột.

Ông Triệu Quốc Huy (40 tuổi) nhà bên cạnh, hay tin có khách vội chạy tới. Nom ông ốm o, gầy gò, dáng người mệt mỏi. Gần như muốn tìm thấy nụ cười ở nơi ông hơi khó.

Ông Huy cho biết, ông là bác ruột của hai cháu Trang, Trúc. Cách đây vài năm, Nhà nước làm con đường quốc lộ nối từ Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), dân Phai Khẩu được dịp mở mặt vì có đường cái lớn, có ít tiền đền bù. Song, cũng từ đó những phức tạp, tệ nạn xã hội nảy nở như nấm gặp mưa.

Hôm nay, Trúc được chị Trang hướng dẫn ôn luyện bài tập làm văn “Không nên phá tổ chim”. Cái tay voi nhúc nhắc chỉ vào trang vở.

Tiếng Trúc lanh lảnh vang vọng vào dãy tre làng: “Thấy trên cành cây có một tổ chim chích choè, ba con chim non mới nở, tôi liền trèo lên cây, bắt chim non xuống để chơi. Chị tôi thấy vậy, nhẹ nhàng bảo: Chim non đang sống với mẹ, sao em nỡ bắt nó. Lát nữa chim mẹ về, không thấy con, sẽ buồn lắm đấy. Còn lũ chim non xa mẹ, chúng sẽ chết. Hãy đặt lại vào tổ. Sau này chim lớn, chim sẽ hát ca, bay lượn, ăn sâu bọ giúp ích con người”.

Em trai ông là Triệu Cao Nguyên (SN 1971) bị cuốn hút vào nạn nghiện hút cùng đám thanh niên trong xóm. Mặc dù dính có hai năm đã sớm đổ bệnh.

Ngày 24/1/2002, khi Triệu Thị Trúc cất tiếng khóc chào đời thì, ở nhà, anh Nguyên đã lặng lẽ ra đi. Trong xóm, những người cùng chích với Nguyên, đến nay đều chết cả.

Trang ôm em gái vào lòng, nhìn lên mái nhà. Ngày mẹ đi khám bệnh trở về với đôi mắt sưng húp. Mẹ dang rộng vòng tay che chở hai con. Chị biết, cơ hội như thế này sẽ mất đi trong thời gian ngắn nữa. Cơ sở y tế đã báo kết quả chị dương tính với HIV.

“Mẹ lầm lũi làm việc, quét dọn nhà cửa suốt ngày. Những ngày ốm, cũng không ngừng nghỉ”.

Trang kể, dù hoa mắt song mẹ vẫn trèo lên mái nhà đảo lại mái ngói cho đỡ dột vì biết rằng mình sắp phải đi xa. 

Thế rồi, hai đứa trẻ vĩnh biệt mẹ vào giữa năm 2007. Một đêm, hai đứa dắt nhau lên nhà bác Huy, mếu máo: “Bác ơi. Bác cưu mang chị em cháu”.

Gia đình ông Huy có ba nhân khẩu, cộng với suất đất của gia đình chú em chỉ có tổng số ba sào ruộng nước, một ít vườn để trồng rau bán kiếm tiền mua gạo, mỡ. Với năm miệng ăn cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Bệnh khó chữa

Hôm đưa chị em Trang, Trúc đi xét nghiệm, dân bản hồi hộp lo cho bọn trẻ. Rất may, cả hai chị em đều có kết quả âm tính với căn bệnh thế kỷ. Song với Trang, gánh nặng đè lên vai cô bé tuổi mới chớm 12, bây giờ em vừa là chị, vừa đóng vai trò là mẹ, là bạn ngày đêm an ủi, chăm sóc Trúc.

Đã vậy, từ nhỏ, Trang lại bệnh bẩm sinh khối u máu bên cánh tay phải, nặng chừng hai kilôgam và một khối u máu dưới bả vai phải làm vai lệch sang một bên.

Ngày mới đến trường, Trang bật khóc, bỏ dở tiết học, chạy về nhà vì có bạn ác ý trêu đùa. Cái u tím tái đeo bám, lớn dần cùng Trang theo năm tháng. Các công việc hàng ngày, Trang phải làm bằng tay trái.

Ông Huy cho biết, gia đình tích cóp một số tiền để đưa Trang xuống Hà Nội hai lần chữa bệnh, song bác sĩ bảo, bệnh này khó chữa.

Có lẽ vì lam lũ nên Trang ít nói. Bà Ngô Thị Thu, 53 tuổi, hàng xóm kể, Trang chỉ ở trong nhà trông em, ít khi đi ra ngoài. Hôm nọ, bị sốt nhưng lại giấu mọi người, đến khi phát hiện ra, Trang đã nóng đến gần 40 độ.

Bà Thu trầm ngâm: “Nó chịu nhiều cơ cực. Thi thoảng chúng tôi có củ khoai, miếng bánh mang cho cháu. Dân làng Phai Khẩu này chủ yếu là nhà nông”. 

Ước mơ nhỏ của cô bé bàn tay "voi" ảnh 1
Hai em cùng với bác ruột

Giữa trưa, Trang dắt em vào buồng, nựng em ngủ. Căn phòng nóng ran bởi từng cơn nóng mùa hè phầm phập tới. Tôi nhìn quanh, cả ngôi nhà không có chiếc quạt nào.

Trang bảo: “Cháu sợ nhất là em Trúc ốm. Nó hay nhớ bố mẹ nên khóc nhè. Hôm nọ, nằm mơ thế nào mà dạo này, Trúc rất sợ ma, thường ôm lấy cháu không rời”.

Năm nay, Trang học lớp 9, còn Trúc lên lớp hai. Chỉ vào chiếc xe cà tàng dựng góc tường, Trang bảo, sáng nào cũng vậy, sau khi gọi em dậy, rửa mặt xong là cháu đèo em đến trường. Trúc ham học và kết quả đạt học sinh giỏi trong năm học qua.

Trúc khoe: “Chị Trang chỉ được học sinh tiên tiến, kém cháu đấy. Chị Trang thích môn văn, có hôm được điểm chín. Cháu lại khoái môn toán, chủ yếu đạt 9, 10 điểm”. 

Rất mong các nhà khoa học, y bác sĩ và hảo tâm quan tâm đến bệnh tình và cuộc sống của hai em Trang và Trúc.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Triệu Thị Trang, số nhà 43, thôn Phai Khẩu, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

Hoặc VP thường trú báo Tiền Phong tại Lạng Sơn, đường Văn Cao, P. Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. ĐT: 0913094388 hoặc Ban Bạn đọc báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

MỚI - NÓNG