Văn hóa... "Đầu ra"

Văn hóa... "Đầu ra"
Đây chính là văn hóa... toilet dành cho con người. Châu Âu, có nhạc giao hưởng để khách thưởng thức một trong những “lạc thú” của con người cho được trọn vẹn...
Văn hóa... "Đầu ra" ảnh 1

Kiểu toilet có một không hai trên thế giới

Ẩm thực có lẽ là một trong những chuyện hấp dẫn hàng đầu ở xứ ta. Người ta có thể nói về ẩm thực hàng ngày, hàng giờ, viết những cuốn sách về nó, đưa nó lên thành “văn hóa ẩm thực”, có những món ăn trở thành “quốc hồn quốc túy” (phở hay nước mắm ?).

Tới mức ông vua tiếp thị thế giới còn gợi ý bảo Việt Nam nên phát triển thương hiệu thành “nhà bếp của thế giới”! Ngược lại, hầu như chẳng mấy ai thích nói đến “văn hóa đầu ra”. “Vào” mà không có “ra” tương xứng, thì dễ mất cân bằng…

Nhìn vào cái toilet, người ta có thể thấy ngay được cung cách, nề nếp sinh hoạt, thẩm mỹ, tính cách… của cả một dân tộc hoặc chí ít thì cũng của chủ nhân nó.

Thời xa xưa, vua chúa của ta cũng như của Tàu, dù sang trọng cỡ mấy cũng không có được một chiếc bàn cầu bệt giật nước như thời nay, nên đành phải dùng… bô như các em bé.

Song bô của các bậc vua chúa là bô bằng vàng, hoặc chí ít thì cũng bằng đồng, trên khảm hoa văn rực rỡ. Ngày xưa Từ Hy Thái Hậu mỗi lần xong “phận sự” thường có quan riêng phụ trách việc đổ bô cho bà. Bô sẽ được quan đội lên đầu mà đi giật lùi ra ngoài.

Ấy là vua chúa, còn phó thường dân thì sao, việc này dễ suy luận, có thể vì thói quen cha truyền con nối mà các loại toilet truyền thống vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nếu dân ở vùng đồng bằng sông nước, tiện nhất là bắc một cái lán quây ở cầu ao.

Người miền núi không có sông nước ao hồ, nên toilet cũng phải phù hợp với hoàn cảnh địa lý. Cho đến giờ, tôi vẫn thấy nhiều hộ dân trên Lạng Sơn dùng loại toilet vô cùng… thú vị.

Đó là một chiếc thùng phuy được chôn chìm xuống đất, chỉ thò lên phần miệng cao độ 30 phân. Một thanh gỗ được bắc ngang qua miệng làm chỗ ngồi.

Từ cổ chí kim, người ta còn duy trì một loại toilet rất gần gũi với thiên nhiên, ấy là “Thứ nhất quận công. Thứ nhì ra đồng”. Tôi còn nhớ một câu chuyện dân gian kể về anh học trò nghèo yêu say đắm một thiếu nữ hàng xóm.

Anh yêu và ngưỡng mộ nàng đến nỗi hôm nào cũng chỉ ngắm nhìn thần tượng từ xa chứ không bao giờ dám ngỏ lời. Thế rồi một ngày nọ, trên đường đi học về, anh nhìn thấy thần tượng của mình… lấp ló sau bụi cây trên đồng.

Nàng đang thực hiện cái việc mà thánh nhân cũng phải làm hàng ngày. Vậy là trong phút chốc, giấc mộng ngọt ngào và lãng mạn về một thần tượng bỗng sụp đổ tan tành. Anh không ngờ rằng một kiều nữ cao sang như nàng mà cũng… có hành động phàm tục như thế!

Văn hóa... "Đầu ra" ảnh 2
Toilet hiện đại.

Cách đây khoảng 20 năm, người ta gọi toilet là công trình phụ, toilet thường được tách rời với nhà tắm cho… sạch sẽ. Người ta tự làm cho mình sạch sẽ đến độ cắt rời cái công trình không sạch sẽ ấy càng xa càng tốt.

Thậm chí không có luôn cũng được. Gia đình tôi từng chuyển nhà tới 7 lần cả thảy. Lần nào xây nhà mới bố tôi cũng là chủ công trình xây dựng, chủ giám sát kiêm luôn cả nhà thiết kế. Song chưa lần nào tôi thấy ông làm một cái toilet.

Nhà tôi luôn luôn có đủ cả sân vườn, ban công, buồng tắm, sân thượng, phòng khách, vài phòng ngủ, bếp riêng… song không bao giờ có toilet. Tôi chẳng có lý do gì để đòi hỏi cái sự cần phải có này, bởi vì trong trí óc non nớt lúc ấy, tôi cho rằng việc nhà không có toilet là phải lắm.

Tôi sinh ra đã chưa nhìn thấy một cái toilet riêng bao giờ, rồi đến nhà hàng xóm, bạn bè, họ hàng thấy nhà nào cũng đều như thế cả, khái niệm không sinh ra sao biết đến đòi hỏi. Song nếu không có toilet riêng thì người ta làm thế nào?

Dĩ nhiên là viện đến toilet công cộng. Riêng cái sự này đã là cả một nỗi ám ảnh suốt thời thơ ấu. Nhà chung cư kiểu cũ - toilet công cộng, nhà trên khu phố cổ chật chội - toilet công cộng, nhà kiểu biệt thự Pháp cổ sau phân chia cho nhiều hộ - toilet công cộng.

Các kiến trúc nhà kiểu ấy toilet công cộng đã đành, đằng này rất nhiều nhà xây riêng rộng rãi cũng dằn lòng mà tham gia toilet công cộng. Tôi băn khoăn rất nhiều trước sự kỳ lạ này, sau tạm luận ra một lý giải được coi là hợp lý.

Có thể người Việt Nam chúng ta có truyền thống tập thể cao, khi ăn chấm chung một bát nước mắm, khi ngủ vợ chồng con cái cũng chung trên một chiếc giường, hàng xóm láng giềng thích chung nhau nhiều thứ, vậy dùng chung một chiếc toilet thì có sao, càng thêm tinh thần đoàn kết.

Nhiều hộ ở xa, cách nhà vệ sinh đến nửa cây số. Mỗi lần đi, thường rủ ai đó đi thêm cho vui, cho có bầu có bạn. Còn trẻ con thì tiện lợi hơn, cứ tối tối thấy cả nhóm trẻ trong xóm cùng í ới rủ nhau sang công viên để làm cho cây xanh thêm tươi tốt là chuyện bình thường. Nói cho vui thôi, chứ tất cả chỉ tại “cái khó bó cái khôn”.

Văn hóa... "Đầu ra" ảnh 3
Một kiểu toilet dành cho nam

Phần lớn các nhà vệ sinh công cộng không bao giờ được thiết kế kín cửa. Cửa gỗ sẽ để hụt phía trên để thông gió. (Thậm chí nhiều nơi chỉ thửa mỗi tấm vải bao tải và một chiếc móc sắt để làm “rèm” cho thoáng.)

Vì thế nên mới sinh ra những câu chuyện thật như đùa thế này. Một trường học có nhà vệ sinh ở đằng sau, cũng có cửa hổng phía trên để thông gió, song không biết do hỏng hóc hay thợ thiết kế ban đầu cố ý làm thế cho thoáng mà người bên trong được che chắn tất cả, trừ phần đầu.

Không ai chỉnh đốn cánh cửa này vì có sao đâu. Người ta mặc quần áo để che cơ thể chứ ai che mặt. Mặt chứ gì mà phải xấu hổ. Của đáng tội khu vệ sinh đó dựng sát bờ mương, chỗ chẳng bao giờ có người qua lại.

Người vào đây cũng chỉ có mục đích duy nhất ấy thôi, nhìn thấy có người lấp ló bên trong sẽ đứng tránh ra mà chờ đợi. Càng tốt, đôi bên đỡ phải đánh tiếng.

Tuy nhiên, có một số học sinh hay đi đường tắt qua đây để về nhà. Thấy thầy cô ngồi bên trong thò cổ lên, chúng chào rõ to “Em chào thầy ạ”. Thấy thầy cô thì phải chào, học trò nào mà chẳng được dạy thế. Vậy là thầy (hoặc cô) đành lúng túng chào vọng ra để đáp trò mà trong bụng rủa thầm đứa học trò đần độn.

Giờ toilet đã có nhiều kiểu, nhiều chất liệu, nhiều giá cả để lựa chọn. Các gia đình không còn coi thường cái toilet nữa. Toilet đã được chung với buồng tắm. Nhiều nhà còn cầu kỳ lắp các loại đèn rọi chiếu sáng trong toilet cho đẹp, hoặc bỏ cả ngàn đô để thửa cho được loại bồn cầu có “mắt thông minh” biết tự đóng và mở nắp khi chủ nhân có ý muốn sử dụng, tự xả và tắt nước khi cần, có thể sưởi ấm vào mùa đông...

Song các toilet công cộng không vì thế mà hết những cơn ác mộng. Đây là tôi nói toilet công cộng ở những nơi công cộng, không phải dành cho các hộ dân. Các du khách nước ngoài sang Việt Nam, nào có được vào các gia đình chung cư cao cấp hay nhà 5 tầng để tham khảo toilet, mà chỉ có thể mục sở thị các toilet của công ty vệ sinh thành phố hay trong nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê...

Thôi, loại 5 sao thì không nói, còn thường thường bậc trung vẫn là nỗi kinh hoàng ngay cả đối với người Việt Nam. Ở nhiều quán ăn đông khách, có tiếng ăn ngon ở Hà Nội, nếu đến thì chớ có dại dột tìm đường ra W.C, vì có thể, bạn sẽ không dám ăn ở đó lần nữa.

Nhiều người nước ngoài nói với tôi rằng người Việt Nam chỉ quan trọng frontdoor (cửa trước) mà coi thường backdoor (cửa sau). Tôi nhún vai nói rằng âu cái đó cũng là văn hóa. Đấy là cãi cùn thế, còn để phân tích văn hóa thì không biết gọi văn hóa toilet của ta là văn hóa gì.

Ở Mỹ, một đất nước có tỷ lệ người béo phì lớn nhất thế giới, người ta còn thửa riêng toilet công cộng cho những người khổng lồ này. Ở Singapore và Malaysia, người ta treo cả giò hoa lan vào trong toilet.

Ở châu Âu, nhiều toilet còn có cả nhạc giao hưởng để khách thưởng thức một trong những “lạc thú” của con người cho được trọn vẹn. Và tại những khu vệ sinh công cộng ở nhiều nước, hầu hết đều có buồng riêng dành cho người tàn tật và cho phụ nữ có con nhỏ. Buồng này rộng hơn, và có giá đỡ cho bà mẹ dùng để thay tã cho bé.

Thậm chí một nhà hàng nhỏ xíu ở Paris, chủ là người Việt Nam, song toilet cũng có buồng riêng cho người tàn tật. Đủ thấy, văn hóa toilet của họ thể hiện sự tôn trọng con người, tôn trọng quyền con người và đặc biệt coi toilet là một thứ tối quan trọng phục vụ cho cuộc sống.

Chí ít, nếu toilet không được tối tân, cầu kỳ thì cũng phải sạch sẽ. Mới hay, đến bất kỳ đâu, điều đầu tiên ta cảm nhận là văn hóa ẩm thực và sau đó là văn hóa toilet, một thứ không thể tách rời khỏi đời sống con người.

Theo Di Li
Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.