Vàng miếng vẫn được giao dịch

Giao dịch vàng miếng SJC tại Hà Nội
Giao dịch vàng miếng SJC tại Hà Nội
TP - Đó là khẳng định của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiều qua, trước những lo ngại người dân đang nắm giữ vàng miếng không phải SJC bị ép giá, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

> Pháp luật bảo vệ vàng miếng khác SJC hợp pháp

Nhà nước nên mua lại vàng miếng không phải SJC

Ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, NHNN, cho biết: Theo quy định của Nghị định 24, sẽ không có sự phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác (Rồng vàng Thăng Long, AAA, PNJ...). Do đó, người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các thông tin thất thiệt liên quan vàng miếng khác để tránh các thiệt hại không đáng có.

Hiện cả nước có 11.000 cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Làm sao các doanh nghiệp, cửa hàng bán vàng miếng, kịp chuyển đổi trong khi từ này tới ngày 25-5, khi Nghị định 24 có hiệu lực, còn rất ngắn?

ông Huy khẳng định: “Theo dự kiến, thời hạn chuyển tiếp đối với các đơn vị đang kinh doanh mua, bán vàng miếng tối thiểu là 6 tháng.

Như vậy, các đơn vị hiện đang kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ có ít nhất 7 tháng rưỡi (kể từ khi Nghị định 24 được ký ban hành) để tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và có thời gian hoàn tất thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc chuẩn bị chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định”.

Làm thế nào để người dân không bị thiệt khi Nhà nước thực hiện việc chuyển đổi vàng miếng? Trao đổi với Tiền Phong, một đại diện NHNN khẳng định: “Hiện các loại vàng miếng qua các thời kỳ vẫn lưu hành bình thường, hợp pháp không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, về lâu dài nếu xã hội và người dân có nhu cầu, có thể sẽ tính đến khả năng có một lộ trình cho việc thay đổi. Về vấn đề này, một chuyên gia đưa ra đề xuất có thể NHNN sẽ yêu cầu doanh nghiệp mua lại của dân với giá đảm bảo.

Trên cơ sở vàng đó đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, doanh nghiệp có thể chỉ cần trả một chi phí thuê gia công để dập lại thành vàng SJC”.

Phạt nặng mua-bán bằng vàng

Thị trường vàng đang “xao động” trước ngày Nghị định 24 có hiệu lực Ảnh: Hồng Vĩnh
Thị trường vàng đang “xao động” trước ngày Nghị định 24 có hiệu lực Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Tuy Nghị định 24 khẳng định quyền giữ và mua bán vàng miếng của người dân, nhưng cấm người dân dùng vàng làm phương tiện thanh toán.

Đại diện NHNN cho biết, những hành vi như giao dịch mua bán nhà đất, tính giá quy ra vàng, trả nợ nhau bằng vàng, hay người dân mang vàng miếng đi bán ở những nơi không được phép mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt như việc mua bán hay niêm yết giá bằng ngoại tệ.

“Những hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 95, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ hoạt động ngân hàng. Mức xử phạt có thể là tịch thu sung công, kèm xử phạt tiền cao nhất lên tới 500 triệu đồng.

Việc hạn chế vàng hoá cũng giống như hạn chế đô la hoá nhằm hướng đến mục tiêu để người dân sống trên lãnh thổ Việt Nam đều coi tiền đồng là phương tiện thanh toán”, đại diện NHNN cho biết.

Bình luận về việc cấm dùng vàng làm phương tiện thanh toán, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Cty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng nên nhìn theo hai hướng, đây vừa là biện pháp hành chính, vừa là xu thế phát triển chung của xã hội.

Nên chú trọng tới việc lành mạnh hóa thị trường tiền tệ như tạo thanh khoản bằng tiền đồng, tạo tiền đồng có giá trị hơn, giảm lạm phát…

Siết điều kiện kinh doanh vàng

Theo quy định mới, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng đủ 5 điều kiện: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất. Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; Tổ chức tín dụng được NHNN xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Bỗng dưng mất tiền

Từ trước khi ban hành Nghị định 24, thị trường vàng miếng được định hướng chỉ còn thương hiệu độc quyền SJC, đồng nghĩa những người sở hữu vàng miếng các thương hiệu như: AAA, Rồng Vàng Thăng Long, SBJ, PNJ, ACB... sẽ buộc phải chuyển đổi sang thương hiệu vàng SJC. Nên khi Nghị định 24 ban hành, phản ứng tức thì trên thị trường, phần lớn vàng miếng các thương hiệu ngoài SJC yếu thế, doanh nghiệp bán vàng niêm yết giá thấp hơn hẳn.

Chiều qua, 6-4, Rồng vàng Thăng Long thấp hơn giá SJC hơn 2 triệu đồng/lượng; còn vàng AAA thấp hơn SJC hơn 1,5 triệu đồng/lượng... Dù trước đó, mức chênh lệch thường ít hơn nhiều, thậm chí có thời điểm, như ngày 23-11-2011, giá vàng miếng của Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu báo giá bán vàng ở 45 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng/lượng so với SJC TP HCM.

Sau đó, giá vàng miếng các thương hiệu khác rơi rụng dần, còn SJC luôn niêm yết giá cao hơn các thương hiệu khác, sau khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố tại Quốc hội (ngày 26-11-2011) thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng miếng độc quyền của nhà nước.

Chị Nguyễn Hoài Thu (Hai Bà Trưng-Hà Nội) cầm ba lượng vàng Rồng Vàng Thăng Long đi bán chiều qua tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu phố Trần Nhân Tông, than: “Tự dưng mỗi lượng vàng mất giá hơn triệu bạc. Biết là mất tiền nhưng vẫn phải bán, vì càng để lâu sợ càng mất giá”.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên, ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Cty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho biết: “Doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 24 vừa ban hành, sở dĩ chúng tôi niêm yết giá thấp hơn vàng SJC, là theo bảng giá riêng và chỉ chênh với giá vàng thế giới 300.000 đồng/lượng, để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Lượng khách đến bán ra ngày 6-4 chiếm 70% so với lượng khách mua vào”. - Nhật Mai

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG