Vào rừng phòng hộ bị tàn phá

Một cây gỗ lớn ở tiểu khu 22 bị đốn hạ
Một cây gỗ lớn ở tiểu khu 22 bị đốn hạ
TP - Giữa lúc cả tỉnh đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán và phòng chống dịch bệnh do virus corona, tại khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (Cty Chư Phả), xã Ea H’Leo, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) bị lâm tặc "tranh thủ" tàn phá tan hoang. 

Đầu tháng 2/2020, phóng viên báo Tiền Phong xâm nhập thực tế vào lâm phần của Cty Chư Phả quản lý, chứng kiến nhiều diện tích rừng bị tàn phá, lấn chiếm như chốn không người.

Để vào được tiểu khu 22, phải đi qua 1 chốt bảo vệ rừng và con đường độc đạo. Thế nhưng, căn nhà này luôn trong tình trạng khóa trái, không có người canh gác. “Chúng tôi muốn vào rừng khai thác gỗ đều phải đi qua trạm này. Nếu quản lý nghiêm ngặt thì “con kiến ra vào” cũng đều nắm trong lòng bàn tay” - một người dân chia sẻ.

Chúng tôi men theo con đường mòn dẫn sâu vào cánh rừng. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những khoảnh rừng nhỏ đã bị chặt phá, trên mặt đất chỉ còn những cây điều đang mọc lên xanh tốt, cao ngang người. Dù chỉ di chuyển một đoạn đường ngắn, nhưng chiếc xe gắn máy của chúng tôi luôn phải cài số 1, do dốc dựng đứng, mặt đường đất hình thành những con mương sâu, rất nguy hiểm. “Năm ngoái, vụ phá rừng được phát hiện ở đây. Cũng được lập biên bản, kê khai… nhưng sau đó, chẳng biết ai phá. Bây giờ cây cối đã mọc xanh tốt” - người dân này nói.

Chúng tôi đi bộ men theo con đường mòn leo lên đỉnh đồi. Trên đỉnh đồi có một lán trại nhỏ. Cạnh đó là bếp được ghép bằng những viên gạch, cùng với vỏ lon bia, thuốc lá… còn sót lại. “Có thể đây là vật dụng của lâm tặc để lại. Vị trí sinh hoạt đặt ở nơi gần lối thoát. Nếu có động thì rút được nhanh. Nhưng không hiểu vì sao, nếu đốt lửa thì khói bốc lên um tùm. Cán bộ quản lý rừng không phát hiện ra là khó tin được” - người dẫn đường nói.

Cách vị trí lán trại khoảng 100m, trước mắt chúng tôi cả một khoảnh rừng khá rộng lớn, những cây gỗ có đường kính khoảng trên 80cm bị chặt đổ ven đường, chưa kịp vận chuyển ra ngoài. Chúng tôi tiếp tục đi lên cao, chứng kiến cây ngã đổ la liệt, vết nhựa còn ứa ra từ thân cây.

Chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đến tiểu khu 18, được xác định là khu rừng phòng hộ thuộc lâm phần của Cty Chư Phả quản lý. Đường vào khu vực này đi lại tương đối thuận lợi. Đập vào mắt chúng tôi, ngay bên cạnh biển “nghiêm cấm phá rừng, lấn chiếm đất rừng...” có một khoảnh rộng hơn 4,5 ha rừng phòng hộ bị chặt. Những cây gỗ lớn đã bị xẻ đem ra ngoài.

Ông Mai Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Ea H’Leo cho biết, hai vị trí phá rừng nói trên đều thuộc quản lý của Cty Chư Phả; diện tích bị phá ở tiểu khu 22 là 1,8 ha, ở tiểu khu 18 là 4,5 ha, thiệt hại 100%.

Trao đổi với báo chí, ông An Ngọc Tân, Giám đốc Cty Chư Phả xác nhận, đã nắm được thông tin phá rừng. Đối với vụ việc phá rừng chỉ cách trạm bảo vệ rừng khoảng 1km, ông Tân cho biết sẽ tiến hành kiểm tra trách nhiệm, xử lý những cá nhân buông lỏng để mất rừng.

Lãnh đạo “dính” kỷ  luật

Cty Chư Phả được UBND tỉnh Đắk Lắk giao quản lý hơn 14.000 ha rừng, trong đó khoảng 2.500 ha rừng phòng hộ, còn lại bảo vệ và kinh doanh phát triển rừng. Rừng liên tục bị xâm hại, việc điều hành có nhiều vi phạm… “dàn” lãnh đạo của công ty này từng bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) ở các cấp thi hành kỷ luật. Cụ thể, UBKT Huyện ủy Ea H’Leo thi hành kỷ luật ông Trương Thanh Chương, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Giám đốc Cty Chư Phả với hình thức Cảnh cáo. Năm 2018, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật ông An Ngọc Tân, Giám đốc Cty Chư Phả bằng hình thức Khiển trách, vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của công ty, quy chế làm việc của chi bộ; thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của công ty.

MỚI - NÓNG