Vì lợi nhuận, nhà mạng lợi dụng thông tin khách hàng để tạo sim rác

Khách hàng đến bổ sung thông tin thuê bao tại một điểm giao dịch của Viettel.
Khách hàng đến bổ sung thông tin thuê bao tại một điểm giao dịch của Viettel.
TPO - Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, có tình trạng vì lợi nhuận, doanh thu, nhân viên nhà mạng lấy chứng minh nhân dân của người này gắn vào số thuê bao bán cho người khác.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng vô tình phát hiện mình là số lạ dù trước đó chưa từng đăng ký thông tin, Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, có tình trạng vì lợi nhuận, doanh thu, nhân viên nhà mạng lấy chứng minh nhân dân của người này gắn vào số thuê bao bán cho người khác. Dưới đây là trao đổi của Cục Viễn thông về vấn đề này.

PV: Gần đây, nhiều khách hàng phản ánh, khi kiểm tra thông tin thuê bao, họ vô tình phát hiện mình là chủ của số lạ dù trước đó họ chưa từng đăng ký sử dụng. Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc này?

Đại diện Cục Viễn thông: Thực tế thời gian qua vì lợi nhuận, doanh thu, cũng vì tổ chức thực thi chưa thật nghiêm nên một số nhân viên của các doanh nghiệp, đặc biệt các đại lý phân phối SIM thẻ, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, thậm chí sử dụng phần mềm, công nghệ để tạo ra chứng minh nhân dân giả, lấy chứng minh nhân dân của người này gắn vào số thuê bao bán người khác… để hoà mạng các SIM di động mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc một số cá nhân khi kiểm tra thông tin thuê bao sẽ phát hiện mình là chủ thuê bao của nhiều số mà thực tế họ không đăng ký.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của chính người sử dụng, Nghị định 49 đã yêu cầu khi người sử dụng nhắn tin với cú pháp TTTB gửi 1414 hoặc truy cập vào trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tra cứu thông tin thuê bao thì trong bản tin trả về phải có danh sách các số thuê bao mà cá nhân đang sử dụng.

Vì lợi nhuận, nhà mạng lợi dụng thông tin khách hàng để tạo sim rác ảnh 1

Anh Lê Quý Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) kinh ngạc khi phát hiện mình là chủ thuê bao 01288032837 dù trước đó anh chưa từng đăng ký thông tin thuê bao cho số điện thoại này.

PV: Cục Viễn thông có giải pháp gì về vấn đề này?

Đại diện Cục Viễn thông: Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi Điều 30 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, trong đó tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm có liên quan.Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với các Sở TTTT triển khai kế hoạch thanh tra diện rộng công tác quản lý thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc để xử lý theo quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng

Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi của chính bản thân, đề nghị khách hàng kiểm tra thông tin thuê bao (nhắn tin theo cú pháp TTTB tới số 1414 hoặc tra trên trang thông tin của doanh nghiệp) và thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao, giao kết lại hợp đồng theo đúng quy định.

PV: Việc vô tình sở hữu số thuê bao có thể dẫn đến tranh chấp thuê bao, chẳng hạn như anh A phát hiện ra mình là chủ 2 số thuê bao, 0936xxxxxxx và 0904xxxxxx. Trên thực tế, anh chỉ sử dụng số 0936xxxxxx, còn số 0904xxxxxx là của người khác đang dùng. Tuy nhiên, anh A lại nảy sinh mong muốn sử dụng luôn số 0904xxxxxx thì giải quyết như nào?

Đại diện Cục Viễn thông: Trường hợp phát hiện thông tin cá nhân của mình đang được sử dụng bởi người khác, cá nhân có quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông chấm dứt hợp đồng sử dụng số thuê bao đó.  Sau khi nhận được yêu cầu của cá nhân, các doanh nghiệp viễn thông sẽ có các quy trình để rà soát, xác minh ai là người đang sử dụng số thuê bao để yêu cầu cập nhật lại thông tin bảo đảm chính xác.

 Xin chân thành cảm ơn!

MỚI - NÓNG