Vi phạm đường trên cao vành đai 3 Hà Nội

Vi phạm đường trên cao vành đai 3 Hà Nội
TP - Được thiết kế chỉ để ô tô lưu thông, nhưng hiện cả ô tô và xe máy đều đi chung tại đường trên cao (ĐTC) vành đai 3 (Hà Nội). Ngoài không đạt tốc độ quy định, nhiều vụ va chạm, ùn ứ giao thông đã xảy ra.

> Từ hôm nay, xe khách phải đi đường trên cao

Có biển cấm nhưng xe máy từ nút Thanh Xuân vẫn đi lên ĐTC. Ảnh: Anh Trọng
Có biển cấm nhưng xe máy từ nút Thanh Xuân vẫn đi lên ĐTC. Ảnh: Anh Trọng.

Theo thiết kế, ĐTC vành đai 3 chỉ ô tô được phép lưu thông. Trên cả ba làn đường mỗi chiều của tuyến đường này cũng được kẻ để dành cho ô tô, không có làn cho xe máy. Vậy nhưng quan sát tuyến ĐTC đoạn Pháp Vân - Thanh Xuân những ngày qua PV Tiền Phong ghi nhận, xe máy cũng đi lại nhan nhản.

“Hầu hết các xe đều chạy từ điểm đầu đến điểm cuối nhưng không thấy bất kỳ cơ quan chức năng nào xử lý”, anh Trần Đình Tuấn, một chủ cửa hàng kinh doanh cơ khí tại ngã ba Pháp Vân - Yên Sở cho biết.

Sáng 19-7, có mặt ở ĐTC đoạn Linh Đàm - Thanh Xuân, PV ghi nhận, có hàng chục xe máy từ nút giao thông Thanh Xuân và cầu Dậu chạy lên. Hầu hết các xe máy đều chạy ra nút giao thông Pháp Vân - Yên Sở.

Tương tự, với làn ĐTC hướng Pháp Vân - Thanh Xuân, xe máy cũng vi phạm tràn lan.

Trong suốt sáng 19-7, PV không thấy một bóng CSGT làm nhiệm vụ tại các điểm đầu (Thanh Xuân), điểm cuối (Pháp Vân) cũng như các đường dẫn lên ĐTC.

Va chạm và ùn ứ

Sau khi đưa thêm đoạn Linh Đàm - Thanh Xuân vào khai thác, tuyến ĐTC vành đai 3 đoạn Pháp Vân - Thanh Xuân ô tô được quy định chạy tối đa 100 km/h. Nhưng do sợ vướng phải xe máy nên những ngày qua, ô tô chỉ có thể lưu thông với vận tốc 40 đến 50 km/h.

Riêng tại một số đoạn cua qua cầu Dậu, hồ Linh Đàm, đường dẫn xuống nút Thanh Xuân, Pháp Vân - Yên Sở... nhiều lái xe tham gia giao thông tại đây cho biết, họ thường xuyên va chạm với xe máy.

Nhiều tài xế ô tô đường dài cho biết, khi các dòng ô tô từ ĐTC dồn vào đường gom để xuống nút Thanh Xuân thường phải nhường đường cho xe máy đi trước khiến ùn ứ tại đây xảy ra, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Theo Đội CSGT số 4, CA TP Hà Nội, do không được cắm chốt hoặc đứng làm nhiệm vụ lâu trên ĐTC và các vị trí đường dẫn nên việc xử lý các phương tiện vi phạm chỉ làm theo từng thời điểm.

Thời gian qua Đội cảnh sát giao thông này đã xử lý trên 1.900 trường hợp xe mô tô đi lên ĐTC (đường cấm) nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra.

Sở GTVT Hà Nội nên có phương án phân luồng cưỡng bức cho xe máy từ cầu Thanh Trì đi vào đường gom chứ không nên cho chạy thẳng theo về ĐTC như hiện nay.

Với đường dẫn ở khu vực cầu Dậu, do nút Thanh Xuân đã có đường lên nên đóng vị trí này lại”, đại diện lãnh đạo Đội CSGT số 4 kiến nghị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG