Vì sao doanh nghiệp ba lần phong Anh hùng nợ lương, bảo hiểm bê bết?

Công nhân Cty cổ phần Cầu 12 đòi lương và bảo hiểm xã hội
Công nhân Cty cổ phần Cầu 12 đòi lương và bảo hiểm xã hội
TPO - Công ty cổ phần Cầu 12, thuộc Cienco1 ba lần được phong Anh hùng đang nợ khoảng 30 tỷ đồng bảo hiểm xã hội và lương của công nhân. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Cầu 12, việc nợ đọng có nguyên nhân do các công ty liên quan đến Út trọc có dấu hiệu chiếm dụng vốn.

Ngày 2/8, Tiền Phong đăng tải bài biết “Đơn vị thuộc doanh nghiệp ba lần phong Anh hùng nợ 30 tỷ tiền lương và bảo hiểm”. Bài viết phản ánh tình trạng Công ty cổ phần Cầu 12 nợ người lao động 7 tháng lương và 30 tháng bảo hiểm xã hội. Công nhân phải căng băng rôn trước cổng công ty để đòi đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp về vấn đề trên.

Sau khi phóng viên Tiền Phong thông tin về nguyện vọng trên của người lao động đến ông Lê Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Cầu 12, Ban lãnh đạo công ty này phải tiến hành đối thoại với công nhân ngay trong ngày. Trong buổi đối thoại, sự tụt dốc trong kinh doanh sản xuất, nợ nần chồng chất của công ty này dần được vén màn bí mật có ít nhiều liên quan đến Út “trọc”.

Theo nhiều cán bộ, công nhân làm việc lâu năm tại Cty cổ phần Cầu 12 cho biết, trước kia, doanh nghiệp này là một đơn vị giàu truyền thống nhất của Tổng Công ty Xây dựng công trình 1 (Cienco1), ba lần được phong Anh hùng với nguồn lực tài chính dồi dào. Năm 2007,  đơn vị này tiến hành cổ phần hóa, trong đó, cổ đông lớn có ít nhiều liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ. Theo báo cáo tài chính năm 2018 Cty cổ phần Cầu 12, Cty cổ phần Thương mai nước giải khát Khánh An (Cty Khánh An) chiếm 19% cổ phần.

Vì sao doanh nghiệp ba lần phong Anh hùng nợ lương, bảo hiểm bê bết? ảnh 1 Công nhân Cty cổ phần Cầu 12 yêu cầu Lãnh đạo cty trả lương và bảo hiểm xã hội

Một cán bộ từng là Kế toán trưởng của Cty cổ phần Cầu 12 cho hay, từ khi cổ phần hóa, nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng của công ty được sử dụng sai mục đích. Theo đó, nguồn vốn này đúng ra phải dành để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty cổ phần Cầu 12, thì các cổ đông lớn, Ban lãnh đạo công ty lại chuyển vốn cho các công ty khác, như Cty cổ phần đầu tư Cái Mép, Cty Khánh An. Tống số vốn 2 đơn vị này chiếm dụng của Cầu 12 hiện khoảng 300 tỷ đồng, vươt gần 10 lần vốn điều lệ.

Chẳng hạn, tại dự án cầu Bạch Đằng, Cty cổ phần Cầu 12 và Cty cổ phần đầu tư Cái Mép là liên doanh. Tính đến tháng 6/2019, Cty cổ phần Cầu 12 đã nhiều lần chuyển tiền tạm ứng thi công công trình cho Cty cổ phần đầu tư Cái Mép số tiền gần 100 tỷ đồng. Ngày 28/8/2018, tại cuộc họp Hội đồng quản trị mở rộng của Cty cổ phần Cầu 12, Ban lãnh đạo Cty cổ phần đầu tư Cái Mép có cam kết trả một phần số tiền nợ trên trước 31/8/2018. Đến nay, Cty cổ phần Cầu 12 vẫn chưa nhận được khoản thanh toán nào từ Cty cổ phần đầu tư Cái Mép .

Năm 2016 và 2017, Cty Khánh An có văn bản và hợp đồng mượn tiền ngắn hạn và cổ tức của Cty cổ phần Cầu 12. Đến 25/12/2017, hai công ty có hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, trong đó Cty cổ phần Cầu 12 góp 130 tỷ đồng. Cty cổ phần Cầu 12 đã chuyển toàn bộ số tiền từ hợp đồng vay sang hợp đồng hợp tác kinh doanh trên.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2018, dự án hợp tác trên vẫn chưa được triển khai (theo điều khoản hợp đồng, dự án phải được tiến hành sau 9 tháng, kể từ ngày ký kết). Dù dự án không được triển khai theo đúng tiến độ.

Trước tính trạng trên, ngày 29/7, Cty cổ phần Cầu 12 có văn bản gửi đến Bộ Công an đề nghị làm rõ việc thanh toán nợ của Cty cổ phần đầu tư Cái Mép và Cty Khánh An.

Trước đó, tháng 5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cũng có văn bản yêu cầu Cty cổ phần Cầu 12 cung cấp hồ sơ, tài liệu về cổ phần hóa và quá trình liên doanh, ký kết và thực hiện hợp đồng, công nợ giữa Cty cổ phần Cầu 12 với các công ty: Cty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Cty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Cty cổ phần Cái Mép, Cty CP Thương mại nước giải khát Khánh An, Cty xăng dầu Thái Sơn....

Vì sao doanh nghiệp ba lần phong Anh hùng nợ lương, bảo hiểm bê bết? ảnh 2 Công nhân ngồi vạ vật ở hành lang trong nhiều ngày để đòi lương và bảo hiểm xã hội. Hiện tại, Út “trọc” chiếm dụng vốn của doanh nghiệp ba lần phong Anh hùng

Không riêng Cty cổ phần Cầu 12, bức tranh của Cienco 1 hậu cổ phần hóa hiện hết sức bi đát. Từ một doanh nghiệp hàng đầu của Bộ GTVT, là Anh Hùng lực lượng vũ trang, 10 huân chương độc lập, 5 cá nhân Anh hùng lao động, thi công các công trình trọng yếu của đất nước, hiện Cienco 1 tụt dốc thảm hại. Năm 2018, giá trị sản lượng đặt ra 2.100 tỷ nhưng Cienco 1 thực hiện được 974,5 tỷ, đạt 46,3%. Toàn bộ các tháng trong năm 2018 đều không đạt kế hoạch, tháng thấp nhất đạt 28,1%.

Sự xuống dốc của Cienco 1 liên quan không ít đến ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc, bị xử tù 12 năm vào tháng 7/2018 do sai phạm tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thái Sơn). Theo đó, ngày 21/3/2014, Cienco1 bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Đến cuối năm 2014, Bộ GTVT quyết định thoái toàn bộ vốn nhà nước. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh – doanh nghiệp của bà Vũ Thị Hoan đã có công văn chào mua công khai 12,6 triệu cổ phần, tương đương 18% vốn Cienco1.

Trước đó, doanh nghiệp này đã “gom” được 17,58% cổ phần Cienco1 và đưa Công ty Yên Khánh trở thành cổ đông lớn nhất của Cienco1 với tỷ lệ sở hữu 35,58%. ( bà Hoan là cháu gái ông Đinh Ngọc Hệ bị khởi tố để điều tra các sai phạm tại Công ty Yên Khánh Hải Thành vào tháng 11/2018).

Theo báo cáo cuối tháng 12/2018, bốn công ty Yên Khánh, công ty cổ phần thương mại nước giải khát Khánh An, Cty cổ phần đầu tư Cái Mép và Cty cổ phần An Hiền là những cổ đông lớn nhất của Cienco 1 với tỷ lệ nắm giữ cổ phần lần lượt là 28,576%, 19,21%, 16,8% và 24,59% (Tổng nhóm cổ đông này chiếm hơn 90% vốn, hiện do ông Đinh Ngọc Vượng đại diện).

Đáng chú ý, tổng tài sản của Cienco1 đầu năm 2014 là 5.595 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu gần 438 tỷ đồng, nợ phải trả là 4.982 tỷ đồng. Sau hai lần bán cổ phần năm 2014, Cienco1 thu về khoảng 407 tỷ đồng, thấp hơn con số 438 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. 

MỚI - NÓNG