Vĩnh Phúc: Sạt lở sông, nhiều hộ dân có nguy cơ mất nhà

Vĩnh Phúc: Sạt lở sông, nhiều hộ dân có nguy cơ mất nhà
TP - Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có sông Hồng chảy qua, dân cư sinh sống sát con sông này cũng khá đông, chủ yếu làm nghề nông, gồm hàng chục xã thuộc các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Mê Linh.
Vĩnh Phúc: Sạt lở sông, nhiều hộ dân có nguy cơ mất nhà ảnh 1
Đất lở bên bờ sông Hồng tại xã An Tường

Hàng năm, sông Hồng đã cung cấp một lượng lớn nước phục vụ tưới tiêu cho bà con làm nông nghiệp. Song, gần đây chính con sông này cũng làm cho những cư dân nơi đây hết sức lo ngại và sợ hãi, bởi sự sạt lở.

Tại xã An Tường thuộc huyện Vĩnh Tường, mỗi đợt nước lên (Mới chỉ báo động ở mức 2) do dòng chảy quá xiết đã gây sạt lở mạnh và làm trôi mất nhiều đất bờ của đoạn sông chảy qua địa bàn xã, thêm nữa lượng sạt lở lại quá nhanh.

Theo bà con nơi đây mới chỉ có một năm trở lại đây, lượng lở đã làm trôi mất hơn 100 m đất mà hàng năm dân cư vẫn trồng các cây nông nghiệp để sinh sống, trong đó có những công trình kiên cố của nhân dân được xây dựng cách đây hàng chục năm nay cũng bị nước cuốn trôi.

Hiện tại bà con rất lo sợ vì có chỗ chỉ còn vài ba chục mét là tới nhà ở của dân như: Xóm Trại, thuộc thôn Cam Giá, xã An Tường nơi bị lở gần nhà và đê nhất, có hộ gia đình ngoài đê đã phải dỡ nhà cửa để di dời.

Cũng theo người dân nơi đây, do từ khi bên bờ hữu sông Hồng xuất hiện con kè tại địa phận Tây Đằng, (Ba Vì, Hà Tây), nên dòng chảy đã chuyển hướng mạnh sang bên bờ tả sông Hồng xuyên thẳng vào địa phận các xã: An Tường, Vĩnh Thịnh, Lý Nhân của huyện Vĩnh Tường và một số xã khác của huyện Yên Lạc…

Được biết, hàng chục xã thuộc các huyện nói trên hàng năm chống chọi với lũ lụt cũng chỉ nhờ vào con đê Tiểu Bối hay còn gọi là Đê Quai. Con đê này nhiều đoạn đã bị sạt lở gần tới chân, mặc dù đã được đổ bê tông trên mặt.

Thế nhưng, với tốc độ sạt lở mạnh như hiện nay, chắc chắn chỉ một thời gian ngắn nữa nhiều đoạn của con đê này bị đe dọa nghiêm trọng và như vậy cuộc sống, nhà cửa và tính mạng của hàng ngàn hộ dân đang sinh sống dọc và sát bờ sông sẽ luôn bị chìm trong nước mỗi khi đập thủy điện Sông Đà xả lũ.

MỚI - NÓNG