“Vòng quay đồng tiền” ở đất thiêng

“Vòng quay đồng tiền” ở đất thiêng
TP - Hầu như ở di tích lịch sử văn hoá nào thì du khách cũng được những người bán hàng rong đón mời quá sức nồng nhiệt đến mức thành tệ nạn, nhưng đặc biệt ở Đền Hùng, chị em bán… tiền là đông hơn cả.

Thực ra thì họ không rao bán mà chen nhau chào mời: “Chú…chú đổi tiền cho cháu…”. Trên tay họ toàn là những cọc tiền lẻ 200 đồng (một ít là loại 500 đồng.

Đưa ra tờ một ngàn đồng, họ sẽ đổi cho khách 4 tờ giấy bạc 200 đồng; vị chi bằng 800; người bán được lãi 200 đồng.

Những đồng tiền lẻ này được du khách bỏ vào các thùng “công đức” đặt ở khắp các đền thờ, sau khi thắp hương tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Mẹ Âu Cơ và “các vua Hùng đã có công dựng nước…”, cầu mong các vị phù hộ độ trì cho đất nước và nhân dân mọi điều tốt lành.

Nhìn những hòm “công đức” chất đầy loại tiền 200 đồng, chúng tôi khẽ hỏi nhau:

- Không biết Ban quản lý Di tích sẽ tiêu dùng những đồng tiền này như thế nào?

Một du khách xem chừng là người lịch lãm mỉm cười góp lời:

- Anh chị khỏi lo! Lại quay vòng thôi!

Ông không giải thích, nhưng nếu quả thực có sự “quay vòng” thì cũng dễ hình dung vòng quay của những đồng tiền lẻ này. Có điều khó ai biết Ban quản lý Di tích khi đổi tiền lẻ lấy tiền “chẵn” từ các chị em bán tiền ngoài bãi xe có áp dụng “luật” 4x200 = 1000 không?...

Trước động Tam Thanh (Lạng Sơn), chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự. Thực ra, đồng tiền “công đức” to hay nhỏ đều đáng trân trọng, nếu có lòng thành và khả năng người ta chỉ có thể đóng góp từng đó.

Nhưng người đã có tiền đi du lịch, việc bớt ra vài ba ngàn đồng làm “công đức” hẳn ai cũng sẵn lòng. Mặt khác, chuyện mua bán, đổi chác đồng tiền lẻ ở chốn linh thiêng ít nhiều đã làm ô nhiễm bầu không khí trang nghiêm và trong lành ở đây. 

MỚI - NÓNG