Voọc Chà vá bị tàn sát dưới họng súng của những kẻ hám tiền

Voọc chà vá chân đen.
Voọc chà vá chân đen.
TPO - Dù biết Voọc Chà vá chân đen là loài động vật quý hiếm, cần bảo tồn thế nhưng nhiều đối tượng vì hám lợi nên đã tìm mọi cách để săn bắn kiếm lời.

Voọc Chà vá chân đen (tên khoa học Pygathrix nigripes) là loài đặc hữu của Đông Dương, cũng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện nay, Voọc Chà vá chân đen đã được đưa vào Sách đỏ Thế giới và Việt Nam - là một trong những loại động vật nguy cấp quý hiếm nhóm 1B, cần được đặc biệt ưu tiên bảo vệ. 

Thế nhưng, mới đây 2 đối tượng đã liều lĩnh vào Vườn Quốc gia (VQG) Núi Chúa (xã Công Hải, Thuận Bắc, Ninh Thuận) bắn hạ 5 con voọc chà vá chân đen về nấu cao bán.

Cụ thể, ngày 6/12, Công an huyện Thuận Bắc đã tạm giữ Nguyễn Phương Tuấn (43 tuổi) và Nguyễn Văn Chương (36 tuổi, cùng ngụ tại thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) để điều tra về hành vi Săn bắn trái phép động vật hoang dã.

Trước đó, chiều 30/11, Tuấn và Phương từ thị xã Ninh Hòa vào tiểu khu 140 vườn Quốc gia Núi Chúa săn động vật quý hiếm.

Voọc Chà vá bị tàn sát dưới họng súng của những kẻ hám tiền ảnh 1 Tang vật vụ săn bắn động vật hoang dã.

Khi cả hai bắn được 5 con Voọc Chà vá chân đen, loài động vật nằm trong nhóm IB đang được bảo tồn, thì bị Kiểm lâm vườn Quốc gia Núi Chúa phát hiện và bắt giữ cùng tang vật. 

Tại cơ quan điều tra, Chương khai săn voọc về nấu cao bán.

Điều đáng nói, đối tượng Nguyễn Phương Tuấn vừa ra tù cũng với tội danh trên. Trước đó, năm 2011, Tuấn bị Tòa án nhân dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận xử phạt 6 năm tù về tội săn bắt động vật trái phép. Trong vụ án này, Tuấn đã tổ chức săn bắn 15 cá thể Vọoc Chà vá chân đen.

Cận cảnh săn Vọoc Chà vá ở rừng Núi Chúa. Clip: Thanh Quang - Đức Minh.

Dù biết Voọc Chà vá là loài động vật quý hiếm, cần bảo tồn thế nhưng nhiều đối tượng vì hám lợi nên đã tìm mọi cách để săn bắn kiếm lời.

Voọc Chà vá bị tàn sát dưới họng súng của những kẻ hám tiền ảnh 2 Hiện trường vụ sát hại Voọc Chà vá chân đen.

Ngày 26/8/2015, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã chuyển giao hồ sơ và tang vật vụ sát hại hàng loạt cá thể voọc chà vá chân đen tại tiểu khu 371 (thuộc địa bàn xã Đạ Quyn) để Công an huyện điều tra truy tìm thủ phạm.

Trước đó, trong lúc tuần tra tại tiểu khu 371, giáp ranh với huyện Tuy Phong (Bình Thuận) và huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), đoàn tuần tra liên ngành phát hiện có ít nhất 5 cá thể voọc với tổng trọng lượng 6,1kg, trong đó 2 cá thể nguyên con đã khô nặng 2,4kg, 10 bàn tay và bàn chân nặng 0,7kg; ngoài ra còn có 2kg xương và thịt, 0,5kg nội tạng, 0,5kg da; 1 khẩu súng Klíp cùng 8 viên đạn, 1 máy cưa cầm tay, 80 dây bẫy và một số kìm, búa. 

Ngày 18/8/2014, lãnh đạo VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) thu giữ hơn 10 cá thể voọc Chà Vá chân nâu, đã bị các đối tượng bắn chết, sấy khô.

Số voọc nói trên được trạm Kiểm lâm Khe Gát thu giữ cùng với nhiều viên đạn, không bắt được hung thủ và súng săn. Hơn 10 cá thể voọc đã bị các đối tượng bắn chết trước khi mổ bụng, sấy khô để mang về xuôi bán cho các lò nấu cao. 

Tác giả của hơn 10 con voọc quý hiếm bị sấy khô nói trên là do một nhóm thợ săn ở Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch gây ra. Nhóm này khoảng 5 người, có súng AK và súng săn, chuyên săn bắt thú rừng trong VGQ Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tháng 1/2013, TAND huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) tuyên phạt bị cáo Hà Văn Tú (38 tuổi, trú huyện Krông Pách, Đắk Lắk) 24 tháng tù, Hà Văn Quế (38 tuổi, ngụ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) 28 tháng tù và Bùi Văn Hùng (36 tuổi, quê Thanh Hóa) - được xác định trực tiếp thực hiện hành vi bắt và giết Voọc Chà vá quý hiếm, 12 tháng tù giam về tội “vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Theo cáo trạng, ba bị can Tú, Quế và Hùng cùng nhau đi đặt bẫy và săn bắn thú rừng tại khu vực rừng xã Chư Mo Rai, huyện Sa Thầy. Trưa 11/7/2012 ba người này phát hiện một đàn voọc chà vá đã bắn chết 2 con, sau đó bán 2 con voọc cho một số chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại khu vực.

Sau vài ngày trên trang cá nhân của Quang Nguyen Van đăng tải hơn chục tấm ảnh ghi cảnh một nhóm thanh niên hành hạ dã man rồi giết chết con voọc khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Nguyễn Văn Quang (20 tuổi, chiến sĩ nghĩa vụ quân sự tại Đại đội 3, Trung đoàn 7, Quân đoàn 3) được cho là người tung ảnh lên mạng, ngay sau đó Quang cùng một số quân nhân bị triệu tập để điều tra.

Với hành vi nói trên, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã xử lý kỷ luật tước danh hiệu quân nhân đối với Nguyễn Văn Quang, Phạm Ngọc Quốc, Trương Văn Thanh Hưng (đều là binh nhất, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7) vì đã mua 2 con voọc. Quân đoàn 3 cũng đã kỷ luật 8 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 góp tiền mua hai con voọc.

Ngày 5/3/2014, TAND huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang đã đưa ra xét xử nhóm 4 đối tượng sinh sống tại huyện này vì hành vi chặt đầu, mổ bụng vọoc bạc Đông Dương tại vườn quốc gia Phú Quốc.

4 bị cáo bị truy tố tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ động vật hoang dã”. Trong đó Võ Văn Thống (SN 1976), Nguyễn Minh Hà (SN 1978) mỗi người nhận 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Dương Công Lục (1977) và Huỳnh Hữu Lộc (SN 1979) mỗi người nhận 2 năm tù.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 30/7/2013, tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, lực lượng kiểm lâm đi tuần phát hiện nhóm trên bắn chết 3 cá thể vọoc rồi chặt đầu, mổ bụng để lấy thịt. Nhóm trên bị bắt giữ cùng tang vật là thịt vọoc, một khẩu súng thể thao, ba dao, một cái búa và 2 xe máy.

Bảo tồn “Báu vật” Voọc Chà vá chân đen ở VQG Núi Chúa

Theo khảo sát của các nhà khoa học, VQG Núi Chúa có trên 1.504 loài thực vật và 306 loài động vật, trong đó Voọc Chà vá chân đen, một trong những loài linh trưởng vô cùng quý hiếm, không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới. Loài voọc này có trọng lượng trung bình của con đực trưởng thành khoảng 10,9 kg, con cái khoảng 8,3 kg. Chân sau dài hơn chân trước, với nhiều màu sắc đen, xám tro, trắng, đỏ, xanh. Chính nhờ vẻ đẹp khác thường, loài động vật này được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng.

Số lượng cá thể Chà vá chân đen ở VQG Núi Chúa có thể lớn nhất trong các quần thể Chà vá chân đen hiện nay ở Việt Nam. Chúng sống và phân bố chủ yếu ở độ cao từ 700-800m, các vùng có độ dốc từ khoảng 150-200.

Đặc tính của loài linh trưởng rất giống với con người. Chúng sống theo bầy đàn và “gia đình” trên các tầng cây. Mỗi đàn phân chia lãnh thổ, kiếm ăn, di chuyển theo quy luật nhất định. Các cá thể chăm sóc cho nhau, khi voọc cái có thai, con nhỏ, voọc cha sẽ kiêm luôn phần kiếm ăn.

Khi bị săn bắn, nếu một con trong đàn bị bắn, cả đàn sẽ không bỏ chạy như những loài thú khác mà ở lại nằm im, núp vào một số tán lá rậm trên cây để cứu đồng loại. Vì “tính người” này vô tình chúng lại trở thành “mồi ngon” cho lâm tặc. Chỉ cần phát hiện đàn voọc, bắn trúng một con coi như lâm tặc bắn được cả đàn.

Hiện nay, loài voọc này đang xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp cần bảo tồn khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Theo kết quả điều tra khảo sát nghiên cứu của Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Viện phó Viện Sinh thái học miền Nam năm nếu 2003, số lượng cá thể Chà vá chân đen ở VQG Núi Chúa được ước tính nằm trong khoảng 955 cá thể, thì 10 năm sau số lượng cá thể voọc chỉ còn khoảng 697 cá thể. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tuyệt chủng của loài này là do con người “ăn voọc”. Việc bị đồn thổi là loài vật nhiều dinh dưỡng, làm thuốc bồi bổ cơ thể người dẫn đến loài voọc này đang bị lâm tặc săn bắn ráo riết.

Ðể nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây, theo nhiều chuyên gia, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát triển bền vững VQG Núi Chúa, đặc biệt đối với loài Voọc Chà vá chân đen. Đồng thời, xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa VQG Núi Chúa với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ðặc biệt trong đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại Núi Chúa phải theo hướng kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, bảo đảm sự an toàn cho loài Voọc Chà vá chân đen.

Theo Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, để bảo vệ “báu vật” này, ngoại trừ những tác động tiêu cực bất khả kháng từ phía thiên nhiên, thì Ninh Thuận cũng như các tổ chức liên quan cần có chiến lược bảo tồn một cách bền vững hơn, từ việc ngăn chặn săn bắt trái phép đến việc quy hoạch, khai thác du lịch tại VQG Núi Chúa.

Lần đầu tiên phát hiện voọc chà vá chân đen tại Đồng Nai

Vào tháng 6/2017, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh (Đồng Nai) đã khảo sát tại núi Chứa Chan và ghi nhận được tại độ cao 300m của núi này hiện có khoảng 20 cá thể voọc chà vá chân đen sinh sống, chia thành 2 đàn và sống với nhau như một quần thể.
 
Ngoài ra, tại độ cao khoảng 600m trên núi Chứa Chan còn có 1 đàn voọc khác cũng đang sinh sống. Điều đặc biệt là cả ba đàn voọc này đều có những cá thể đang mang thai, một số con còn rất nhỏ.

Đây là lần đầu tiên, Đồng Nai phát hiện số lượng lớn voọc chà vá chân đen – một trong những loài linh trưởng thuộc nhóm nguy cấp, cần được bảo vệ.

MỚI - NÓNG