​ Vụ biển thủ công quỹ ở BV Nhiệt đới có dấu hiệu tội tham ô tài sản?

Vụ biển thủ công quỹ xảy ra tại BV Nhiệt đới.
Vụ biển thủ công quỹ xảy ra tại BV Nhiệt đới.
TPO - Như Tiền Phong phản ánh, ngoài việc nhân viên kế toán Vũ Hồng Nhung biển thủ 234 triệu đồng, theo giải trình của Giám đốc Nguyễn Văn Kính Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (BV Nhiệt đới) số tiền nhân viên này biển thủ lên đến trên 1,6 tỷ đồng.

Dấu hiệu của tội tham ô tài sản

Cụ thể, năm 2016, Bệnh viện Nhiệt đới để xảy ra việc nhân viên kế toán Vũ Hồng Nhung biển thủ 234 triệu đồng. Tuy nhiên, theo văn bản giải trình của ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới, số tiền nhân viên này biển thủ lên đến 1 tỷ 603 triệu đồng. Hành vi của kế toán Nhung là xóa bỏ các chứng từ trên hệ thống máy tính để rút tiền. Số tiền này sau đó được thu hồi, Giám đốc BV Nhiệt đới cho bà Nhung nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.

Theo biên bản làm việc giữa bà Q (đề nghị giấu tên), nguyên Phó Phòng Tài chính kế toán, BV Nhiệt đới và Thanh tra bộ Y tế, số tiền thất thoát xảy ra trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015 lên đến 3,6 tỷ đồng.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc cho rằng, hành vi biển thủ tiền công quỹ xảy ra tại BV Nhiệt đới có dấu hiệu phạm “Tội tham ô tài sản”. Luật sư Tuấn nhận định, đây là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Theo đó, người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội.

Cụ thể, căn cứ Điều 353 BLHS năm 2015, “Tội tham ô tài sản” là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội chưa được xóa án tích, do người từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện.

Luật sư Tuấn phân tích, dấu hiệu pháp lý của Tội tham ô tài sản liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Hành vi tham ô tài sản đã tác động đến tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Tài sản này bao gồm tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

Mấu chốt của “Tội tham ô tài sản” là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Một trong bà trường hợp sau đây được gọi là Tội tham ô tài sản: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản mà còn vi phạm. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Để phân biệt Tội tham ô tài sản với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt cần dựa vào căn cứ sau: Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình...

Ngoài ra, còn những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc là người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình.

Có thể xử phạt từ 2 đến 15 năm tù

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tại Khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015, Tội tham ô tài sản, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Người phạm tội tham ô tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, tham ô tài sản có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm này, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

​ Vụ biển thủ công quỹ ở BV Nhiệt đới có dấu hiệu tội tham ô tài sản? ảnh 1 Biên bản bàn giao công quỹ, nhưng bị thiếu hụt.

Người thực hành trong vụ án tham ô tài sản có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như: Thủ quỹ lấy tiền trong két, sửa chữa sổ sách; kế toán viết phiếu thu chi khống, sửa chữa sổ sách hoặc xác nhận các phiếu thu chi khống để hợp thức hoá việc chiếm đoạt tài sản. Tham ô tài sản có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì việc thu, chi khống đã được hợp thức hoá bằng một hệ thống sổ sách, hoá đơn chứng từ.

Chỉ khi nào một trong những người đồng phạm tố giác thì sự việc mới bị phát hiện. Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng: Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, người phạm tội tham ô tài sản còn gây thiệt hại (khác) về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng. Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức…

MỚI - NÓNG